Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiền bị rách nát, hư hỏng được đổi lại

07:10, 13/10/2022

Trong quá trình lưu thông, tiền giấy sử dụng khó tránh khỏi bị hư hỏng do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan.

Trong quá trình lưu thông, tiền giấy sử dụng khó tránh khỏi bị hư hỏng do nguyên nhân chủ quan hoặc khách

Tiền bị hư hỏng, biến dạng mà không phải do bị hủy hoại có thể được đổi lại. Ảnh minh họa
Tiền bị hư hỏng, biến dạng mà không phải do bị hủy hoại có thể được đổi lại. Ảnh minh họa

Để bảo vệ tiền Việt Nam trong lưu thông được an toàn, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật và cho phép người dân đổi tiền hư hỏng để lấy tiền mới lưu hành.

* Lỗi vô ý và cố ý

Vì không hài lòng nhau việc phân chia tiền công trong quá trình phát cỏ thuê, ông T.H.V. (ngụ xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) bực tức cầm 4 tờ tiền có mệnh giá 20 ngàn đồng xé khi ông B.T. (ngụ cùng địa phương) đưa cho ông, rồi buông lời: “Thà xé bỏ chứ không để mày ăn hớt tiền công của tao” và bỏ đi.

Dù rất tức giận nhưng ông T. dằn lòng nhặt lại tiền nhằm đem về nhà dán để tiêu dùng. Tuy nhiên, một người bạn của ông T. đề nghị ông nên đem mấy tờ tiền bị xé rách đó ra cơ quan công an tố cáo để ông V. bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại tiền.

Trong khi đó, ông Đ.V.Đ. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) do sơ ý trong quá trình giặt quần áo làm nhàu nát, biến dạng số tiền 800 ngàn đồng (2 tờ mệnh giá 200 ngàn đồng, 4 tờ mệnh giá 100 ngàn đồng) để trong túi quần. Ông Đ. định đem ra ngân hàng đổi lại nhưng sợ bị xử phạt nên còn phân vân.

“Việc vứt tiền, rải tiền trong lễ hội, đám tang chỉ cấu thành hành vi hủy hoại tiền và chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi này nếu những tờ tiền đó bị hư hỏng, rách nát, biến dạng trong quá trình tranh giành thu nhặt hoặc bị phương tiện giao thông, thời tiết làm hư hỏng khi không có người thu nhặt” - luật sư CAO SƠN HÀ (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay.

Vậy hành vi của ông V., ông Đ. có bị xem là hủy hoại tiền và có bị xử phạt? Vấn đề này theo luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh), pháp luật ngăn cấm mọi hành vi hủy hoại tiền trái pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà pháp luật có quy định chế tài tương xứng về hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, với hành vi vô ý hoặc do khách quan như trường hợp của ông Đ. sẽ không bị chế tài và số tiền đó có thể ra ngân hàng đổi lại.

Còn với trường hợp của ông V., hành vi của ông là trái pháp luật, thuộc trường hợp cố ý phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật theo Khoản 3, Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-11-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Hành vi này bị xử phạt hành chính từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, do số tiền nhỏ, có thể khắc phục như dán để đổi lại nên chưa đến mức xử phạt tiền mà có thể áp dụng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo.

Luật sư Cao Sơn Hà cho biết thêm, khi người dân có tiền bị hư hỏng đem đến các tổ chức ngân hàng, tín dụng đổi lại mà tổ chức ngân hàng, tín dụng phát hiện số tiền đó hư hỏng, biến dạng do hành vi hủy hoại sẽ bị lập biên bản, tạm thu giữ hiện vật. Sau đó, các tổ chức này chuyển ngay đến cơ quan công an cấp xã hoặc huyện trên địa bàn để điều tra, giám định. Kết luận của cơ quan công an là cơ sở để các đơn vị thực hiện đổi cho khách hàng hoặc xử lý hiện vật theo quy định của pháp luật.

* Đổi tiền không đủ chuẩn lưu thông

Trong quá trình sử dụng, tiền (cotton và polymer) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành không tránh khỏi việc bị hư hỏng, rách nát, biến dạng… Cho nên, không ít người dân tự xử lý nó bằng cách dán lại hoặc kẹp chung vào số tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông khi mua hàng…

Theo luật sư Đỗ Văn Gọn (Hội Luật gia Đồng Nai), tại Điều 6 Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 2-12-2013 có quy định, đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do rách nát, hư hỏng trong quá trình lưu thông (nhóm nguyên nhân khách quan)… thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi có trách nhiệm thực hiện việc thu, đổi ngay cho khách hàng có nhu cầu, không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ.

Còn đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do rách nát, hư hỏng trong quá trình bảo quản (nhóm nguyên nhân chủ quan) như: tiền bị thủng lỗ, rách mất một phần; tiền được can dán; cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao; giấy in, màu sắc, đặc điểm kỹ thuật bảo an của đồng tiền bị biến đổi do tác động của hóa chất (như chất tẩy rửa, acid, chất ăn mòn… nhưng không do hành vi hủy hoại) thì khách hàng nộp hiện vật cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi. Nếu đủ điều kiện thu đổi thì các đơn vị này cho đổi.

“Trường hợp không đủ điều kiện được đổi, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi trả lại cho khách hàng và thông báo lý do. Trường hợp các tờ tiền chưa xác định được điều kiện đổi và cần giám định, khách hàng phải có giấy đề nghị đổi tiền” - luật sư Đỗ Văn Gọn lưu ý.

                               Đoàn Phú

Tin xem nhiều