Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình tĩnh trong phòng tránh bệnh viêm gan "bí ẩn" ở trẻ

07:05, 09/05/2022

Những ca viêm gan "bí ẩn" ở trẻ em đang gia tăng nhanh tại nhiều quốc gia, trong đó có một số ca tử vong đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Trong bối cảnh căn bệnh này đã có mặt tại những nước láng giềng của Việt Nam đang làm lớn hơn nỗi lo của những phụ huynh có con nhỏ.

Những ca viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em đang gia tăng nhanh tại nhiều quốc gia, trong đó có một số ca tử vong đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Trong bối cảnh căn bệnh này đã có mặt tại những nước láng giềng của Việt Nam đang làm lớn hơn nỗi lo của những phụ huynh có con nhỏ.

Nhiều bậc cha mẹ đã cho con đi tiêm vaccine ngừa bệnh, trong đó có tiêm vaccine ngừa viêm gan tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu
Nhiều bậc cha mẹ đã cho con đi tiêm vaccine ngừa bệnh, trong đó có tiêm vaccine ngừa viêm gan tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu

Để bảo vệ con khỏi bệnh viêm gan “bí ẩn”, nhiều người đã đổ xô đưa con đi tiêm vaccine ngừa viêm gan A, B, C... Phần lớn phụ huynh lo lắng, hiện bệnh viêm gan “bí ẩn” là bệnh lạ, nguy hiểm khó lường, nên có vaccine gì liên quan đến viêm gan là đưa con đi tiêm cho yên tâm phần nào.

* Lo lắng về bệnh viêm gan “bí ẩn”

Trong sáng 7-5, tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (đóng trên đường Đoàn Văn Cự, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) có khá đông phụ huynh đưa con đi tiêm ngừa viêm gan. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em vẫn đang còn là “bí ẩn”. Khi các nhà chuyên môn chưa có chứng cứ về loại virus Adeno - được cho là tác nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ thì họ quyết định đưa con đi tiêm vaccine ngừa viêm gan A, B, C... với mong muốn con em họ có kháng thể để chống lại bệnh này.

Chị Nguyễn Thu Ngân (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, tranh thủ ngày nghỉ, chị đưa con trai 7 tuổi đến Trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm vaccine ngừa viêm gan vì đọc báo thấy bệnh việm gan cấp đang lan nhanh tại nhiều quốc gia. “Bệnh viêm gan “bí ẩn” cũng chưa có vaccine, nhưng vaccine ngừa bệnh viêm gan A, B. C cũng đã có thì tôi vẫn cứ tiêm cho con, với mong muốn tăng đề kháng, giúp con giảm những triệu chứng nặng và tránh được tử vong nếu không may nhiễm bệnh” - chị Ngân cho hay.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, vợ chồng anh Trần Văn Tuấn (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng tranh thủ ngày nghỉ đưa 2 con 6 và 11 tuổi đi tiêm vaccine ngừa viêm gan A. Anh Tuấn nói: “Giờ nhiều dịch bệnh nguy hiểm, có vaccine phòng bệnh nào, chúng tôi đều cho con tiêm để tăng sức đề kháng cho bé, trong đó có bệnh viêm gan “bí ẩn” khá nguy hiểm, lại đang gia tăng, tiêm ngừa cũng là để phòng tránh viêm gan cũng như khả năng tránh được bệnh ung thư gan sau này”.

Một nhân viên Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết, từ đầu tháng 4-2022 đến nay số người cho con đến trung tâm tiêm các loại vaccine ngừa bệnh viêm gan A, B, C có đông hơn so với thời điểm đầu năm. Hiện hàng hóa thông thương nên vaccine viêm gan nhập về nhiều, không xảy ra tình trạng khan hiếm vaccine hay tăng giá.

* Cần bình tĩnh trong phòng tránh dịch bệnh cho trẻ

Thông tin chiều 3-5 từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam chưa ghi nhận ca viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân nào đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam. Để có thể ứng phó nhanh trong trường hợp bệnh viêm gan “bí ẩn” xâm nhập, Cục Y tế dự phòng đang chủ động theo dõi và yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, để phát hiện các ca viêm gan cấp tính sớm nhất có thể, trong bối cảnh hơn 20 quốc gia ghi nhận có trẻ nhiễm bệnh này.

Cũng trên trang tin của Bộ Y tế, hiện nay các chuyên gia cũng chưa có bằng chứng nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” là virus Adeno. Thực ra, virus này có gây viêm gan nhưng thường ghi nhận ở những trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc trẻ sơ sinh. Song hiện tại, bệnh xuất hiện ở cả những trẻ khỏe mạnh bình thường. Sự bất thường của tình trạng này là có sự chuyển nặng dẫn đến tử vong hoặc phải thay gan, đặc biệt là với những trẻ đồng nhiễm virus Adeno và Covid-19.

Trước những thông tin trên, nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ lo lắng. Để phụ huynh hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến bệnh viêm gan “bí ẩn” này, cũng như cách ứng phó khi trẻ nhiễm bệnh, phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, hiện là cố vấn Khối Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). BS Khanh cho biết, cho đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận ca viêm gan “bí ẩn” nào nên phụ huynh cần bình tĩnh.

Theo BS Khanh, trong trường hợp thấy trẻ có các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt cao, rối loạn tri giác, nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, vàng mắt, vàng da, ngứa da, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy... thì nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được theo dõi. Sau nhiều ngày trẻ có thể xuất hiện vàng da, vàng mắt nhưng một số trẻ sẽ tự khỏi bệnh. Còn tình hình hiện tại, phụ huynh cần phòng bệnh cho con thay vì hoang mang, lo lắng.

“Virus Adeno xâm nhập qua đường tiêu hóa, tiếp xúc và hô hấp, do đó khẩu trang và rửa tay vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Không để trẻ tiếp xúc với người bị bệnh, che miệng khi ho hay hắt hơi, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, tiêm vaccine ngừa viêm gan A, B cũng là một giải pháp đi kèm có lợi. Trước khi tiêm vaccine viêm gan cần làm xét nghiệm hoặc xét nghiệm kháng thể Anti-Hbs để kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus viêm gan B.” - BS Khanh lưu ý.

Hiện nay, vaccine viêm gan dành cho trẻ em chưa thấy dấu hiệu tăng giá. Cụ thể, vaccine viêm gan B là Euvax B 0,5 ml và Hepavax Gene 0,5 ml vẫn ở giá tương đối rẻ, chỉ từ 45-65 ngàn đồng/mũi. Còn vacine ngừa viêm gan A trẻ em là Avaxim 80UI và Havax có giá từ 235-475 ngàn đồng/mũi. Riêng vaccine ngừa viêm gan A + B Twinrix (liều kết hợp) có giá 560 ngàn đồng/mũi.

Phương Liễu

Tin xem nhiều