Báo Đồng Nai điện tử
En

'Mắt xích' tuồn hơn 100 triệu lít xăng ra thị trường xin giảm án

07:11, 08/11/2022

(ĐN) - Ngày 8-11, tại phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng, TAND tỉnh tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP, TP.HCM) và các đồng phạm tham gia giúp sức "tuồn" xăng lậu ra thị trường.

(ĐN) - Ngày 8-11, tại phiên tòa xét xử đại án buôn lậu xăng, TAND tỉnh tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP, TP.HCM) và các đồng phạm tham gia giúp sức “tuồn” xăng lậu ra thị trường.

Bị cáo Lê Thanh Trung tại phiên tòa xét xử ngày 8-11
Bị cáo Lê Thanh Trung tại phiên tòa xét xử ngày 8-11

Trung được xem là “mắt xích" quan trọng trong việc tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng từ bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, ngụ H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, Trung góp vốn thành lập 4 công ty kinh doanh xăng dầu. Năm 2020, Tứ liên hệ bán cho Trung nguồn xăng nhập lậu thấp hơn giá xăng bán lẻ và được Trung đồng ý.  Sau đó, Tứ sử dụng các tàu của mình chở xăng từ khu vực Nhà nuôi yến của Tứ (tỉnh Vĩnh Long) đến kho Nam Phong (tỉnh Long An) để bán cho Trung và các khách hàng của Tứ. 

Ngoài ra, Trung điều động thêm các nhân viên thực hiện quản lý toàn bộ số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong. Nhằm tiện việc theo dõi khách hàng, các bị cáo đã thống nhất đặt số hiệu cho 6  khách mua xăng lậu từ TK01 đến TK06. Ngoài số tiền lương theo hợp đồng, mỗi tháng, Trung trả thêm cho mỗi người từ 35-60 triệu đồng.

Tính từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Trung giúp Tứ quản lý, tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng, thu lợi gần 56 tỷ đồng.

Tại phiên tòa ngày 8-11, Trung khai nhận, bản thân biết hành vi mua bán xăng nhập lậu nhưng hám lợi nên chấp nhận. Trung cũng cho biết bản thân tự cải tạo kho chứa xăng và cho Tứ thuê mà không có sự bàn bạc với ai khác.

Khi Tứ bán hàng cho Trung thì Trung đã biết là hàng không hóa đơn chứng từ nhưng Trung không biết nguồn gốc từ đâu. Sau khi mua hàng của Tứ, Trung cho xuất hàng về các cửa hàng bán xăng lẻ của bị cáo để bán ra thị trường. Ngoài ra, Trung còn bán cho các khách hàng có ký hợp đồng với Trung và đều có đầy đủ hóa đơn chứng từ khống.

Tuy nhiên, tại tòa, Tứ khai, Trung nói chỉ đúng một phần vì chỉ có thời gian đầu Tứ bán hàng cho các khách hàng có số hiệu TK03 đến TK06, nhưng đến tháng 7-2020 đã bàn giao lại cho Trung bán và không liên quan nữa.

Cuối cùng, Trung thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân và cho rằng, lúc mua hàng của Tứ không có hóa đơn chứng từ, bị cáo nghĩ việc mua bán ở nội địa nên nếu có bị phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính, nhưng đến khi bị bắt mới biết đây là hàng nhập lậu.

“Bị cáo tiêu thụ hàng nhập lậu nên rất ân hận, vì ham lợi mà không tìm hiểu rõ nguồn gốc nên mong hội đồng xét xử xem xét giảm án”- Trung khai.

Đối với nhân viên giúp sức của Trung đều thừa nhận hành vi phạm tội và xin hội đồng xét xử xem xét cho mức án nhẹ trở về với gia đình.

Phiên tòa xét xử ngày 9-11 sẽ tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo là “chân rết” tuồn xăng ra thị trường của bị cáo Tứ.

Tố Tâm

Tin xem nhiều