Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh rắc rối khi vận chuyển hàng hóa bị hư hỏng

07:10, 03/10/2022

Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển thuộc về bên bán, bên mua hay người vận chuyển là vấn đề thường gặp trong tranh chấp thương mại.

Để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển thuộc về bên bán, bên mua hay người vận chuyển là vấn đề thường gặp trong tranh chấp thương mại.

Trọng tài viên Trọng tài thương mại TP.HCM Phạm Đình Đức (bìa trái) tư vấn cho người dân về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa vận chuyển bị hư hỏng. Ảnh: Đ.Phú
Trọng tài viên Trọng tài thương mại TP.HCM Phạm Đình Đức (bìa trái) tư vấn cho người dân về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa vận chuyển bị hư hỏng. Ảnh: Đ.Phú

Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (Tracent), luật sư Nguyễn Đức cho biết, việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa tuy là hoạt động thương mại nhưng khi các bên phát sinh tranh chấp có thể áp dụng Luật Thương mại và cả Bộ luật Dân sự để giải quyết.

* Hàng hóa hư hỏng, lỗi do ai?

Theo thỏa thuận miệng giữa chủ trại gà P.V.H. (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) với ông L.N. (đại lý thu mua trứng ở P.Hố Nai, TP.Biên Hòa), ngày 28-7-2022, ông phải giao cho đại lý ông N. 10 ngàn trứng. Mặc dù đôi bên giao nhận đúng thời gian, địa điểm như đã giao kết trước đó nhưng khi nhận hàng, ông N. kiểm tra thấy có 4 ngàn trứng bị hư hỏng (vỡ, dập) nên ông từ chối nhận và thanh toán tiền.

Chủ trại gà H. phản đối cho rằng, số trứng gà bị hư hỏng là do lỗi người vận chuyển chứ không phải lỗi từ phía ông nên buộc ông N. phải nhận toàn bộ số trứng, trả tiền đầy đủ. Giữa ông N. và người vận chuyển thỏa thuận bồi thường ra sao là do các bên quyết định chứ ông H. không can thiệp. Thái độ của ông H. làm cho ông N. rất bức xúc nên dẫn tới phát sinh tranh chấp.

Tương tự trường hợp của ông L.P. (ngụ xã Cẩm Đường, H.Long Thành) thỏa thuận miệng với ông T.V.K. (xã Đồi 61, H.Trảng Bom), ngày 28-7-2022, ông P. sẽ nhờ người giao cho ông K. 50 kg cá diêu hồng tươi tại nhà. Trên đường vận chuyển, số cá đó bị chết vì bình oxy (sục dưỡng khí cho cá) bị hỏng hóc nên ông K. không nhận. Tuy nhiên, ông P. cho rằng, lỗi trên do người vận chuyển chứ không phải do mình nên ông không chịu trách nhiệm đền bù.

Phó chủ tịch Tracent Nguyễn Đức cho biết, để giải quyết vấn đề các bên có thể ngồi lại thỏa thuận. Một khi đôi bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án hoặc nhờ trọng tài giải quyết. Căn cứ để giải quyết tranh chấp giữa các bên phải dựa vào các quy định về mua bán, vận chuyển hàng hóa của Luật Thương mại năm 2019 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Phó chủ tịch Tracent Nguyễn Đức phân tích, dù giao dịch mua bán giữa ông H. với ông N., ông P. với ông K. bằng lời nói nhưng theo quy định của pháp luật thương mại, dân sự thì giao dịch bằng lời nói, hành vi cụ thể vẫn có giá trị như hợp đồng bằng văn bản và nó có hiệu lực tại thời điểm giao nhận hàng. Bởi vì, do các bên xác định, ngày 28-7-2022 giao, nhận hàng chứ không nói giờ (thời điểm) giao nhận, hàng cụ thể nên bên bán có thể giao bất cứ vào thời điểm nào trong ngày và chỉ cần thông báo bên nhận hàng biết là được.

Chính vì hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm giao, nhận hàng nên quyền sở hữu số trứng, cá trên trong quá trình vận chuyển vẫn thuộc về quyền của bên bán là ông H. - chủ trại gà và ông P. - người bán cá. Do đó, việc ông N. và ông K. từ chối nhận và thanh toán số trứng bị dập, vỡ hay số cá chết là hợp lý.

Và ông H., ông P. chỉ được quyền buộc người vận chuyển phải bồi thường số trứng bị hư hỏng, cá chết này chứ không phải ông N., ông K.

* Khi nào người vận chuyển chịu trách nhiệm bồi thường?

Phó chủ tịch Tracent Nguyễn Đức phân tích, để buộc người vận chuyển bồi thường số trứng bị hư hỏng, số cá chết trên cho mình, ông H. và ông P. phải chứng minh được việc các ông không có thỏa thuận với người vận chuyển về việc phải có trách nhiệm trông coi tài sản trên đường vận chuyển hoặc việc số trứng hư hỏng, số cá chết trong quá trình vận chuyển thuộc trường hợp bất khả kháng như: do thiên tai, địch họa, bị người khác gây tai nạn mà tai nạn đó lỗi không phải do người vận chuyển gây ra.

Đồng thời, ông H. và ông P. cần chứng minh, các ông không có lỗi trong việc gây thiệt hại vì đã áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế trứng bị hư hỏng như: che lót kỹ lưỡng, bỏ vào các tấm khay bảo vệ trứng) cũng như có biện pháp ngăn ngừa cá ngộp (đảm bảo bình oxy vẫn hoạt động, dưỡng khí cho cá không bị ngộp).

Về nguyên tắc bồi thường, theo trọng tài viên Tracent Phạm Đình Đức, tại Điều 585, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đồng thời, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường…

“Tuy nhiên, Luật Thương mại năm 2019 vẫn quy định, trường hợp người vận chuyển, người bán hàng không phải chịu trách nhiệm khi tài sản trong quá trình vận chuyển bị hư hỏng mà trách nhiệm đó thuộc về bên người mua” - luật sư Phạm Đình Đức cho biết thêm.

Cụ thể, theo Điều 59, Luật Thương mại năm 2019, nếu hàng hóa đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây: khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa; khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua.

Như vậy, với trường hợp này, thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào việc người nhận hàng để giao đã có quyền như thế nào đối với hàng hóa đó. Việc người nhận hàng hóa để giao đã sở hữu chứng từ hàng hóa hoặc đã xác nhận quyền chiếm hữu đối với hàng hóa sẽ là 2 căn cứ để xác định thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa cho bên mua.

Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác (Khoản 2, Điều 61, Luật Thương mại năm 2019)

Đoàn Phú

Tin xem nhiều