Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo quyền học tập cho trẻ em

07:09, 06/09/2022

Năm học 2022-2023 vừa bắt đầu, toàn tỉnh có trên 743 ngàn học sinh các cấp phấn khởi bước vào năm học mới. Dù là học sinh thường trú hay tạm trú, các em đều được đảm bảo các quyền học tập theo quy định.

Năm học 2022-2023 vừa bắt đầu, toàn tỉnh có trên 743 ngàn học sinh các cấp phấn khởi bước vào năm học mới. Dù là học sinh thường trú hay tạm trú, các em đều được đảm bảo các quyền học tập theo quy định.

Tại Đồng Nai, con của công nhân ngoại tỉnh vẫn được tạo điều kiện học tập tại các trường tiểu học công lập. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bắt đầu những buổi học đầu tiên
Tại Đồng Nai, con của công nhân ngoại tỉnh vẫn được tạo điều kiện học tập tại các trường tiểu học công lập. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bắt đầu những buổi học đầu tiên. Ảnh: C.Nghĩa

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu bày tỏ, mặc dù điều kiện trường lớp, kinh tế của học sinh theo từng địa phương, khu vực có khác nhau nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, ngành Giáo dục, phụ huynh, tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đảm bảo quyền học tập theo Hiến pháp và pháp luật.

* Phân vùng để bảo đảm quyền lợi cho trẻ

Với quá trình đô thị hóa cùng tỷ lệ tăng dân số cơ học, đảm bảo trường lớp, cơ sở vật chất để trẻ em thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập, nhất là chương trình giáo dục tiểu học bắt buộc (từ 6-11 tuổi) không phải dễ dàng đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là ở những phường vốn có dân số, lao động nhập cư đông của TP.Biên Hòa như: Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân… Chính vì vậy, sĩ số học sinh trong một lớp ở các trường tiểu học tại những địa phương này thường đông hơn những địa phương khác khiến không ít phụ huynh thấy lăn tăn.

Chị Thủy Tiên (ngụ KP.4, P.Trảng Dài) cho biết, con chị năm nay vào lớp 1 của một trường tiểu học trên địa bàn phường. Do học sinh đông nên sĩ số đều trên 40 học sinh/lớp. Trong khi nếu học ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), sĩ số học sinh trong một lớp sẽ ít hơn. Muốn vậy, chị phải chuyển hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú ở P.Tân Phong.

Chị Tiên thắc mắc, vì sao không cho học sinh lựa chọn nơi học thuận tiện, có sĩ số học sinh ít mà bắt phải phân luồng theo hộ khẩu để rồi phải học ở những trường quá tải?

Luật gia Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, việc phân luồng giáo dục của các địa phương, ngành Giáo dục luôn hướng tới mục đích tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho tất cả trẻ em đủ tuổi vào lớp 1 có chỗ học tập. Tuy vậy, với sức ép dân cư thì việc phân luồng theo hộ khẩu thường trú, đối tượng ưu tiên là người khuyết tật, hộ nghèo, dân tộc thiểu số… được ưu tiên, rồi mới tới đối tượng khác là không sai.

“Việc phân luồng như vậy vẫn đảm bảo quyền học tập cho trẻ, cơ sở vật chất của từng trường, thực hiện nghiêm chương trình giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với trẻ em mà luật đã quy định” - luật gia Phan Văn Châu bày tỏ.

* Để trẻ phát huy quyền và trách nhiệm học tập

Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ bỏ học. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật…

Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Đồng thời, Luật Giáo dục năm 2019 tiếp tục khẳng định, Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục; ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập...

Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch) Ngô Quốc Toàn bày tỏ, vì giáo dục tiểu học là bắt buộc nên để trẻ em thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình thì không thể thiếu vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, ngành Giáo dục, địa phương, phụ huynh hỗ trợ.

Cũng theo thầy Ngô Quốc Toàn, để thực hiện tốt quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc, tại Điều 3 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ngày 4-9-2020 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường tiểu học có hướng dẫn, các trường tiểu học có nhiệm vụ và quyền hạn sau: thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn; huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến trường; nhận bảo trợ và quản lý các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo sự phân công của cấp có thẩm quyền…

Chính vì vậy, hiện nay tại nhiều địa phương gần các khu công nghiệp, các trường tiểu học công lập đều tạo điều kiện, tiếp nhận con công nhân tạm trú trên địa bàn được học tập. Việc này vừa đảm bảo quyền được học tập của trẻ em, vừa tạo điều kiện cho các em được đến trường gần nơi mình sinh sống, để cha mẹ yên tâm lao động, làm việc.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều