Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm ẩn rủi ro khi vận hành nồi hơi chưa kiểm định

07:07, 08/07/2022

Thời gian gần đây, tại Đồng Nai và tỉnh Bến Tre xảy ra 2 vụ nổ nồi hơi làm bánh cuốn và làm bún khiến 2 người tử vong. Qua đó dấy lên sự lo ngại về việc không đảm bảo an toàn khi sử dụng các nồi hơi tự chế. Bởi, hiện nay nồi hơi được sử dụng rất nhiều trong chế biến, sản xuất thực phẩm, nhất là tại các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ.

Thời gian gần đây, tại Đồng Nai và tỉnh Bến Tre xảy ra 2 vụ nổ nồi hơi làm bánh cuốn và làm bún khiến 2 người tử vong. Qua đó dấy lên sự lo ngại về việc không đảm bảo an toàn khi sử dụng các nồi hơi tự chế. Bởi, hiện nay nồi hơi được sử dụng rất nhiều trong chế biến, sản xuất thực phẩm, nhất là tại các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ.

Hiện trường vụ nổ nồi hơi tại P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) ngày 16-6
Hiện trường vụ nổ nồi hơi tại P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) ngày 16-6. Ảnh: Đăng Tùng

Dù được đánh giá là một thiết bị có mức độ nguy hiểm cao, có thể gây ra các tai nạn nghiêm trọng nếu không sử dụng đúng cách, thế nhưng thực tế việc sản xuất, buôn bán các loại nồi hơi lại diễn ra khá dễ. Nhiều người mua và người bán chưa quan tâm đến việc kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm.

* Từ vụ tai nạn thương tâm

Vụ nổ nồi hơi làm bánh cuốn gây sập nhà và một người tử vong ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) mới đây khiến người dân trong khu vực không khỏi bàng hoàng khi nhắc lại.

Anh V. (ngụ KP.5, P.Bửu Long) kể, khoảng 17 giờ 40 ngày 16-6, nhà anh đang ăn cơm thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn. Khi chạy ra ngoài quan sát, anh thấy tại hiện trường căn nhà của nạn nhân bị đổ sập và 3 căn nhà liền kề cũng bị sụp tường, hư hỏng một số đồ đạc. Có nhà còn bị chiếc nồi nấu bằng thép hình trụ, có đường kính 60cm, cao 80cm, dày 1,2cm rơi từ trên xuống làm sập mái, hư hỏng một số đồ đạc.

Qua làm việc với cơ quan chức năng, người nhà của nạn nhân cho biết, cách đây 2 tháng có mua và lắp đặt chiếc máy làm bánh cuốn của một người ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa). Chiếc máy có công suất 70kg bánh cuốn/giờ, máy có nồi hơi tối đa 8kg. Bình thường, máy chủ yếu do anh T. (chồng của chị N., nạn nhân) vận hành. Chị N. chỉ biết tắt, mở máy. Vào khoảng 17 giờ 35 ngày 16-6, chị N. gọi điện báo cho anh T. là đang bật máy để làm bánh, nhưng đồng hồ nhiệt không hoạt động. Anh T. kêu chị tắt máy, khi về đến nhà thì anh mới biết máy đã bị nổ, làm sập nhà khiến vợ tử vong.

Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm nêu trên đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, theo người nhà nạn nhân, chiếc máy làm bánh cuốn được lắp đặt thủ công, không có giấy tờ kiểm định chất lượng.

* Nguy cơ mất an toàn từ nồi hơi tự chế

Hiện tại, ở Đồng Nai, nhất là TP.Biên Hòa, có nhiều cơ sở chế biến, sản xuất nhỏ sử dụng nồi hơi vì tính tiện dụng, tiết kiệm. Do quy mô sản xuất nhỏ nên hầu hết chủ cơ sở đều mua nồi tự chế tại các cơ sở cơ khí trên địa bàn và hầu như ít quan tâm đến việc kiểm định chất lượng nồi.

Khi sự cố nổ nồi hơi xảy ra, nhiều người đang sử dụng loại nồi hơi này bắt đầu thấy lo lắng. Chị Thanh, chủ tiệm sản xuất bánh cuốn tại xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) chia sẻ, mỗi ngày tiệm chị sản xuất cả tạ bánh để bán cho công nhân. Chị mua nồi hơi tại một tiệm ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) đã sử dụng được 2 năm, máy chạy rất ổn. Từ ngày mua đến giờ không thấy trục trặc gì nên chưa bảo dưỡng, bảo hành lần nào.

“Điểm sản xuất cũng là nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình. Từ vụ nổ nồi hơi gây chết người, giờ mỗi lần vận hành nồi hơi làm bánh là tôi thấy lo, vì lúc mua không có giấy kiểm định, chứng nhận chất lượng gì cả” - chị Thanh nói.

Cùng tâm trạng trên, chị L., chủ cơ sở sản xuất bánh cuốn tại P.Bình Đa (TP.Biên Hòa), cho biết nồi hơi giống như “bom” hẹn giờ để trong nhà, vì bất an nên chị đã liên hệ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) nhờ kiểm định chất lượng nồi hơi đang sử dụng. Thế nhưng, do chị mua nồi tại điểm sản xuất “tay ngang” nên không thể hoàn tất hồ sơ đăng ký kiểm định.

“Theo quy định, phải cung cấp giấy phép hoạt động của đơn vị chế tạo, chứng chỉ hành nghề, hồ sơ thiết kế... của nồi hơi thì đơn vị này mới nhận kiểm định. Thế nhưng, khi tôi hỏi các giấy tờ này, chủ cơ sở sản xuất nồi hơi chỗ tôi mua ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) bảo họ không có” - chị L. cho hay.

Việc sản xuất và vận hành nồi hơi phải đảm bảo theo yêu cầu rất nhiều công đoạn và nghiêm ngặt về quy trình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực (Bộ LĐ-TBXH). Trách nhiệm quản lý về quá trình vận hành thuộc về cơ quan nhà nước mà cụ thể ở đây là Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TBXH), còn ở địa phương là sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các hộ dân tự sử dụng nồi hơi mà không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, chủ sử dụng nồi hơi không am hiểu về vận hành, sử dụng thiết bị này trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên viên kiểm định thuộc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 khuyến cáo, với nguyên lý sử dụng nhiệt độ cao tạo ra hơi nước có áp suất tương đối cao nên quá trình vận hành nồi hơi cần phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Nếu không tuân theo các quy định sử dụng làm cho áp suất trong nồi hơi quá cao, áp lực bên trong quá lớn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nổ, vỡ nồi gây nguy hiểm.

Theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, để đảm bảo an toàn, các chủ sơ sở, đơn vị sản xuất chỉ sử dụng các nồi hơi được sản xuất bởi các cơ sở có tư cách pháp nhân, người thiết kế phải có nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực chế tạo... Người vận hành cũng phải được trang bị các kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực này trước khi sử dụng cũng như cần tuân thủ đúng các quy tắc an toàn trong quá trình làm việc.

Kim Liễu

Tin xem nhiều