Báo Đồng Nai điện tử
En

Thận trọng khi cho người khác mượn tên, tài sản để vay tiền, mua hàng

08:06, 28/06/2022

Vì thiếu hiểu biết pháp luật, tin tưởng bạn bè, người thân nên một số người mất cảnh giác đứng ra bảo lãnh cho người khác vay mượn nợ hoặc đứng tên mua hàng trả góp.

Vì thiếu hiểu biết pháp luật, tin tưởng bạn bè, người thân nên một số người mất cảnh giác đứng ra bảo lãnh cho người khác vay mượn nợ hoặc đứng tên mua hàng trả góp.

Người dân xã Phú Cường (H.Định Quán) thắc mắc vấn đề tranh chấp liên quan tới việc dùng uy tín, tài sản của mình bảo lãnh cho bạn bè vay mượn mà không trả cho bên cho vay đúng hạn. Ảnh: Đ.Phú
Người dân xã Phú Cường (H.Định Quán) thắc mắc vấn đề tranh chấp liên quan tới việc dùng uy tín, tài sản của mình bảo lãnh cho bạn bè vay mượn mà không trả cho bên cho vay đúng hạn. Ảnh: Đ.Phú

Đến khi người được bảo lãnh không trả được nợ vay, tiền mua hàng thì lúc này người đứng ra bảo lãnh, mua hàng trả góp phải gánh nợ thay.

* “Bút sa gà chết”

Vốn là chỗ thân thiết nên khi được ông V.T. (TP.HCM) mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong 2 năm để thế chấp ngân hàng vay vốn kinh doanh, ông H.L. (ngụ TP.Biên Hòa) đồng ý vì tin bạn. Do làm ăn thua lỗ, đến thời hạn trả nợ gốc, rút sổ trả cho bạn thì ông V.T. tránh mặt nên ngân hàng gửi giấy mời ông H.L. đòi nợ. Lúc này, ông H.L. mới biết mình phải trả số tiền lớn thay cho bạn thì mới rút được giấy chứng nhận QSDĐ của mình về.

Hay như trường hợp bà P.T.O. (ngụ H.Trảng Bom) trình bày, bà lỡ giới thiệu và bảo lãnh cho ông L.V.D. (ngụ H.Tân Phú) vay 300 triệu đồng để mua xe chạy dịch vụ từ chỗ một người thân quen. Đến ngày trả nợ gốc thì ông D. và chiếc xe “biến mất” nên chủ nợ buộc bà phải trả thay cho ông, nếu không họ sẽ khởi kiện bà ra tòa án để thu hồi nợ.

Luật gia PHAN VĂN CHÂU, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, trong giao dịch dân sự, biện pháp bảo đảm, bảo lãnh luôn đi liền, không tách rời với nghĩa vụ. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết thì bên có quyền sẽ có quyền buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, việc một cá nhân nào đó lấy uy tín, tài sản của cá nhân mình để bảo đảm, bảo lãnh cho người khác vay vốn nếu tuân thủ các quy định về giao dịch dân sự, tín dụng thì sẽ không bị vô hiệu. Khi giao dịch có hiệu lực tức không bị vô hiệu thì trong trường hợp bên được bảo lãnh, được người khác lấy tài sản, uy tín ra bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh, lấy tài sản, uy tín ra bảo đảm phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Do đó, việc ông H.L. bảo lãnh cho ông V.T. hay bà T.T.O. (H.Trảng Bom) bảo lãnh cho ông L.V.D., một khi không bị vô hiệu thì tùy vào hợp đồng bảo lãnh để xác định thời hạn cũng như phạm vi chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo lãnh của họ. Trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể thì người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm với phần gốc và cả phần lãi của nghĩa vụ vay tiền.

“Chỉ khi nào giao dịch giữa các bên bị vô hiệu thì ông H.L., bà T.T.O. mới không có nghĩa vụ trả nợ thay cho những người họ bảo lãnh. Muốn vậy, họ phải khởi kiện vụ việc ra tòa án và tòa án mới có thẩm quyền tuyên bố giao dịch đó vô hiệu” - luật gia Phan Văn Châu cho biết thêm.

* Đứng tên mua hàng trả góp giúp bạn

Được bạn thân năn nỉ nhờ đứng tên mua giùm bộ bàn gỗ trị giá 20 triệu đồng, chị L. (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vui vẻ nhận lời. Khi chủ cửa hàng chở bộ bàn gỗ tới giao, người bạn của chị L. đưa cho chị 5 triệu đồng để trả trước. Số tiền 15 triệu đồng còn lại, người bạn này cam kết miệng với chị mỗi tháng đưa 5 triệu đồng để chị trả giúp. Nay qua 5 tháng nhưng người bạn vẫn không đưa tiền cho chị để trả.

“Tôi ký hợp đồng với cửa hàng mua trả góp, vậy số tiền trên chủ cửa hàng buộc tôi hay bạn tôi trả?” - chị L. hỏi.

Với trường hợp của chị L., luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn, do chị ký hợp đồng với cửa hàng mua hàng trả góp nên về mặt pháp luật thì chị phải có trách nhiệm trả tiền đúng, đủ cho cửa hàng như hợp đồng giao kết. Việc người bạn nhờ chị mua giùm và bộ bàn gỗ đó mua về chị giao cho bạn sử dụng thì đó là giao dịch giữa chị với người bạn, không liên quan tới chủ cửa hàng.

“Do giao dịch giữa các bên là giao dịch dân sự nên khi có phát sinh tranh chấp thì các bên tự thỏa thuận hoặc yêu cầu địa phương hòa giải hoặc tòa án giải quyết” - luật sư Hà cho hay.

Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, hành vi trên chỉ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 1, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi người thực hiện hành vi với giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4 triệu đồng trở lên hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà tái phạm… Đồng thời, hành vi này phải được biểu hiện dưới dạng vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

“Mọi người nên thận trọng và đề cao cảnh giác với thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của người khác bằng phương thức, hình thức nhờ ký hợp đồng bảo lãnh để vay mượn hay mua hàng hóa trả góp” - luật sư Cao Sơn Hà lưu ý.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều