Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

08:11, 04/11/2021

Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ ban hành các quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó quy định cụ thể quy tắc ứng xử của cha mẹ, giáo viên, người giám hộ của trẻ, cũng như của các cơ quan, đơn vị quản lý, người sáng tạo nội dung trên mạng trong việc bảo vệ trẻ khỏi các nhân tố nguy hiểm trên không gian mạng.

Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ ban hành các quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó quy định cụ thể quy tắc ứng xử của cha mẹ, giáo viên, người giám hộ của trẻ, cũng như của các cơ quan, đơn vị quản lý, người sáng tạo nội dung trên mạng trong việc bảo vệ trẻ khỏi các nhân tố nguy hiểm trên không gian mạng.

Phụ huynh hướng dẫn con làm quen với ứng dụng Zoom để học trực tuyến. Ảnh minh họa: M.Thành
Phụ huynh hướng dẫn con làm quen với ứng dụng Zoom để học trực tuyến. Ảnh minh họa: M.Thành

Từ ngày 26-10 đến 26-12-2021, Bộ TT-TT tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân với dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT.

* Lập “vùng an toàn” trên mạng cho trẻ

Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (gọi tắt là dự thảo) gồm 10 điều, trong đó đặt ra quy tắc ứng xử dành cho trẻ em, cha mẹ, giáo viên; người dùng mạng; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đặc biệt là các quy tắc ứng xử cho giáo viên, cha mẹ và người dùng mạng vì đây là những cá nhân sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ trẻ em thông qua các hoạt động thực tế hằng ngày hoặc trên mạng.

Cụ thể, với giáo viên, cha mẹ, người giám hộ, dự thảo nêu rõ quy tắc: tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên không gian mạng, hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội an toàn. Nhất là phải chú ý hướng dẫn trẻ em cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm quan tâm, kiểm tra, giám sát việc sử dụng internet của trẻ. Trên cơ sở đó, giáo viên, cha mẹ, người giám hộ sẽ nhận ra những thay đổi bất thường của trẻ để có biện pháp bảo vệ trẻ kịp thời.

Còn với người dùng mạng, dự thảo quy định phải có trách nhiệm không chia sẻ các thông tin bạo lực, khiêu dâm, tệ nạn...; không bình luận, không cổ xúy cho các hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của trẻ em trên mạng. Đồng thời, người dùng mạng cần cộng tác, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về bảo vệ trẻ em bằng cách phản ánh các thông tin không lành mạnh, tiêu cực, các hành vi xâm hại đối với trẻ em cho cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, để trẻ em chủ động tự bảo vệ bản thân, dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng còn đặt ra một số quy tắc dành cho trẻ em như: không chia sẻ thông tin cá nhân, bí mật trên mạng; không làm làm quen, gặp gỡ với người lạ trên mạng khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Đặc biệt là trẻ không được tham gia các hoạt động bắt nạt người khác và khi bị bắt nạt, xâm hại trên mạng cần báo ngay với cha mẹ, giáo viên, người giám hộ.

* Cảnh giác rủi ro trên không gian mạng

Theo Bộ TT-TT, dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được soạn thảo nhằm bảo vệ trẻ em bằng cách đặt ra các chuẩn mực cho hành vi của người dùng trên mạng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng, nhất là cha mẹ, giáo viên đối với các nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải khi tham gia các hoạt động trên mạng (bắt nạt, xâm hại, soi mói đời tư…).

Cô Vũ Thị Minh Tâm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh (H.Cẩm Mỹ) cho rằng, để góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cho giáo viên, cha mẹ, người giám hộ trẻ, cơ quan chức năng cần có thêm các hướng dẫn chi tiết hơn. Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng có thể phối hợp với các công ty công nghệ tạo ra những ứng dụng “tường lửa”, cài đặt riêng trên các máy dùng cho trẻ em để ngăn việc truy cập vào các đường dẫn, trang web nguy hiểm.

Riêng với nhiều phụ huynh, việc cơ quan chức năng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng khiến họ nhận thức được những việc cần làm để bảo vệ con em trên mạng vì thực tế trẻ em hiện nay đã tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, mạng xã hội từ sớm. Đặc biệt, khi quá trình học trực tuyến vẫn diễn ra, không ít gia đình phải dành riêng cho con 1 thiết bị để học tại nhà trong khi người lớn đi làm. Kéo theo đó là nỗi lo trẻ vô ý truy cập vào các đường dẫn lạ (ẩn trong quảng cáo thường xuất hiện trên các mạng xã hội, ứng dụng miễn phí) tiềm ẩn các rủi ro lộ lọt thông tin, nhiễm mã độc.

Chị Trần Thanh Thảo (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên) đề nghị, bên cạnh việc đưa ra những quy tắc trên cho những đơn vị viễn thông, cung cấp dịch vụ mạng, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm soát các kênh thường xuyên phát các nội dung cho trẻ, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội bằng cách yêu cầu các đơn vị quảng cáo cam kết không có nội dung xấu, phù hợp với lứa tuổi, không để các quảng cáo nước ngoài xuất hiện trên những kênh tiếng Việt (phụ huynh khó kiểm soát ngôn ngữ trong quảng cáo)…

Theo Bộ TT-TT, khi phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng hoặc xuất hiện nội dung không lành mạnh…, người dân cần phản ảnh đến các cơ quan chức năng, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ([email protected], childonlineprotection.vn) do Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) điều phối mạng lưới hoặc Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111.

Minh Thành

Tin xem nhiều