Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn còn nỗi lo tai nạn thương tích ở trẻ em

10:06, 12/06/2020

Tháng 6 là Tháng Hành động vì trẻ em, thế nhưng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, vẫn xảy ra tình trạng tai nạn thương tích (TNTT) nghiêm trọng ở trẻ em, thậm chí tử vong như do đuối nước, bị cây đè... Điều này khiến không ít phụ huynh và cả xã hội lo lắng.

Tháng 6 là Tháng Hành động vì trẻ em, thế nhưng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, vẫn xảy ra tình trạng tai nạn thương tích (TNTT) nghiêm trọng ở trẻ em, thậm chí tử vong như do đuối nước, bị cây đè... Điều này khiến không ít phụ huynh và cả xã hội lo lắng.

Hiện trường vụ đuối nước khiến 2 chị em bé Đ.T.T.M. (9 tuổi) và Đ.P.H. (7 tuổi) tử vong tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Ảnh: Văn Tuấn
Hiện trường vụ đuối nước khiến 2 chị em bé Đ.T.T.M. (9 tuổi) và Đ.P.H. (7 tuổi) tử vong tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Ảnh: Văn Tuấn

Một lần nữa đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Trong đó, vấn đề xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ cần tiếp tục được quan tâm và có những giải pháp, chương trình hành động cụ thể, thiết thực hơn.

* Trẻ gặp nạn chỉ vì người lớn chủ quan

Vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm 2 chị em bé Đ.T.T.M. (9 tuổi) và Đ.P.H. (7 tuổi), cùng là học sinh Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) tử vong khiến không ít người phải xót xa. Ngày 7-6, do không có người trông coi nên 2 chị em M. tự ý xuống hồ nước bỏ hoang gần nhà để tắm, do hồ nước quá sâu nên cả hai bị đuối nước.

BS Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa Chấn thương, chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) nhận định, phần lớn các vụ TNTT ở trẻ em đều do người lớn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm sâu sát và lường trước những nguy cơ có thể gây tai nạn cho trẻ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 5 tháng đầu năm 2020,  số ca bị TNTT phải nhập viện điều trị tăng rất cao. Tính đến ngày 31-5, đã có gần 4,4 ngàn ca nhập viện, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 300 ca.

Chỉ vì lơ là khi để phích nước sôi trong tầm với của con, chị N.T.T. (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã vô cùng hối hận khi nhìn  con trai (bé P.V.N., 15 tháng tuổi) đau đớn vì bị bỏng độ 3 (cấp độ rất nặng). Toàn bộ phích nước có 3 lít nước sôi đã đổ lên người bé N. khiến bé bị bỏng nặng từ phần ngực trở xuống.

Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, một số TNTT mà trẻ em thường gặp là: tai nạn giao thông, bỏng, hóc nghẹn dị vật, súc vật cắn, đuối nước, bị vật sắc nhọn cắt, đâm, điện giật, bạo hành... Trong đó chiếm số lượng nhiều và mức độ bị thương vong cao nhất là do tai nạn giao thông, đuối nước, điện giật và hóc nghẹn dị vật.

Cụ thể như trường hợp em T.L. (14 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sau 10 ngày hôn mê vì bị tai nạn giao thông. Dù chưa đủ tuổi chạy xe máy nhưng em L. vẫn được giao xe cho chạy. Trong một lần đi ngoài đường, em L. đã tự gây tai nạn. Cú va chạm mạnh vào cột đèn đã khiến L. bị nứt sọ, giập não, giập phổi, gãy xương đòn và một số tổn thương khác. Hiện em L. đã tỉnh nhưng theo các bác sĩ Khoa Chấn thương, chỉnh hình - bỏng nhận định khả năng em L. bị liệt nửa người do tổn thương não nặng.

* Lường trước những nguy cơ

Là một người mẹ có 4 con nhỏ, chị Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, ngoài giờ học của con ở trường, khi các con ở nhà, chị luôn đặt các con trong tầm quan sát, nhất là các bé nhỏ dưới 5 tuổi, vì ở độ tuổi này các bé rất hiếu động, chưa nhận thức đầy đủ những nguy hiểm ở xung quanh. Ngoài việc đặt tất cả những thứ có thể gây sát thương cho con như: bình thủy, ổ điện, dao kéo, các loại hóa chất... ngoài tầm với của trẻ, chị còn thường xuyên theo dõi phản xạ và nét mặt các con, nhờ vậy mà có lần chị phát hiện được con trai nhét hạt trân châu vào mũi sau khi uống trà sữa, nếu không phát hiện sớm, hậu quả sẽ khôn lường vì ảnh hưởng đến đường thở của trẻ.

Em T.L. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có nguy cơ bị liệt do tai nạn giao thông. Ảnh: Phương Liễu
Em T.L. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có nguy cơ bị liệt do tai nạn giao thông. Ảnh: Phương Liễu

Nhiều năm làm công tác dạy trẻ tại một trường mầm non, thường xuyên phải “giám sát” các hoạt động của hàng chục trẻ trong lớp học, bà Nguyễn Thị Phương Lan (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa), một giáo viên mầm non về hưu cho hay:  “Đọc báo tôi thấy có rất nhiều vụ TNTT xảy ra tại chính ngôi nhà của trẻ. Chính vì vậy, theo tôi cần chú trọng xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ để bảo vệ, phòng chống TNTT cho trẻ ngay từ phía gia đình”.

Theo bà Lan, ngôi nhà an toàn cho trẻ không có nghĩa là phải đầy đủ tiện nghi, mà an toàn ở đây chính là loại bỏ những nguy cơ có thể gây tai nạn cho trẻ nhỏ, sử dụng các dụng cụ, đồ đạc trong nhà ít gây tổn thương đến trẻ như: dùng ổ điện có gạt chắn lỗ cắm; sắp xếp đồ đạc khoa học, an toàn, bảo đảm trẻ nhỏ không thể với lấy được các dụng cụ có thể gây nguy hiểm cho trẻ; lau khô, đặt thảm vải tại các khu vực ẩm ướt để tránh trẻ trơn trượt; làm song sắt cửa sổ hay hồ cá phải có rào chắn...

Nhiều ý kiến cho rằng, bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ TNTT phải bắt đầu từ ý thức và trách nhiệm của mỗi người lớn, bởi trẻ chưa hiểu và lường hết được những nguy hiểm từ việc mình làm nên người lớn phải chủ động ngăn chặn những nguy cơ trên cho các trẻ.

Mặt khác, hiện vẫn còn TNTT ở trẻ em là do môi trường sống xung quanh  trẻ chưa được an toàn, công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống TNTT ở trẻ còn mang tính phong trào... Đây là những vấn đề các ngành chức năng cần quan tâm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là khi mùa hè đang đến gần.

Phương Liễu


Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh: Phòng tránh tai nạn cho trẻ phải bắt đầu từ mỗi gia đình

Phòng chống TNTT cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Thời gian qua, nhiều chương trình về phòng chống TNTT cho trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước đã được ngành triển khai. Công tác tuyên truyền về phòng chống TNTT, đuối nước, xâm hại tình dục đã được tăng cường... Một số địa phương có nhiều ao hồ cũng đã được cắm biển cảnh báo, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em đã được đưa ra xét xử...

Tuy nhiên, mắt xích quan trọng nhất trong việc phòng, chống TNTT cho trẻ phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Cha mẹ phải để mắt tới con, phải là người lường trước được những nguy hiểm con mình sẽ gặp phải để ngăn chặn. Trong khi môi trường sống xung quanh trẻ vẫn chưa thực sự an toàn thì sự quan tâm, để mắt đến con mình sẽ kịp thời ngăn chặn những hành động gây nguy cơ tai nạn. Cha mẹ đừng viện cớ mải mưu sinh mà bỏ mặc trẻ trước những tình huống nguy hiểm.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Xuân Thanh: Chú trọng rèn luyện thể chất cho trẻ

Trẻ em thời nay ít được vận động thể chất. Do đó, mùa hè phụ huynh nên cho con đến với các sân chơi thể thao lành mạnh và chọn chơi những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi. Chơi thể thao sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc phòng tránh TNTT, cụ thể như: học võ sẽ giúp trẻ dễ dàng thoát ra khỏi những tình huống bị tấn công; biết các thế võ khi chơi đá bóng bị té, ngã, trẻ sẽ biết chọn thế ngã ít gây tổn thương hoặc được học bơi sẽ giúp trẻ hạn chế được nguy cơ đuối nước.

Khi chọn sân chơi cho trẻ, cha mẹ cũng nên chọn những sân bóng, hồ bơi, khu trẻ vui chơi có độ an toàn cao và có sự giám sát của người lớn.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà: Trang bị cho trẻ kỹ năng phòng ngừa tai nạn

Vận động, vui chơi thực sự cần thiết cho sự phát triển thể chất của trẻ, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con vận động, đặc biệt trong mùa hè. Tuy nhiên, cha mẹ phải cảnh báo với trẻ một số nguy cơ có thể gặp phải như: đi bơi có thể bị đuối nước, đá bóng, trèo cây có thể bị té ngã... nhưng trước hết hãy trang bị cho trẻ một số kỹ năng như học bơi, dạy trẻ kỹ năng sơ cứu đúng cách để tránh tổn thương nặng thêm... Đặc biệt phụ huynh luôn nói với con rằng, trong bất cứ tình huống nào cũng phải thông báo với cha mẹ để được hỗ trợ kịp thời, tránh trường hợp trẻ gặp tai nạn hay đang đối mặt với nguy cơ bị xâm hại thân thể nhưng sợ không dám nói, khi sự việc được phát hiện thì đã xảy ra hậu quả.

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều