Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao đao vì... gánh nợ của người khác

10:06, 10/06/2020

Nể nang, dễ dãi, thậm chí là cả tin, nhiều người đã cho con, người thân, bạn bè mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), sở hữu nhà để thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc cầm cố mượn tiền. Đến khi người mượn không có khả năng trả nợ, chủ sở hữu tài sản lao đao bởi nguy cơ nhà, đất của mình bị "siết" nợ .

Nể nang, dễ dãi, thậm chí là cả tin, nhiều người đã cho con, người thân, bạn bè mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), sở hữu nhà để thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc cầm cố mượn tiền. Đến khi người mượn không có khả năng trả nợ, chủ sở hữu tài sản lao đao bởi nguy cơ nhà, đất của mình bị “siết” nợ .

Một người dân bị người thân lén mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp cho ngân hàng vay tiền đến tư vấn pháp luật tại điểm tư vấn pháp luật của Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) đặt tại Báo Đồng Nai
Một người dân bị người thân lén mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp cho ngân hàng vay tiền đến tư vấn pháp luật tại điểm tư vấn pháp luật của Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) đặt tại Báo Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

* Cho mượn giấy tờ nhà, đất để vay tiền

Mấy tháng qua, ông T.V.T. (ngụ xã Ngọc Định, H.Định Quán) như người mất hồn trước nguy cơ phải bán nhà trả nợ vì cho con gái riêng của vợ mượn giấy chứng nhận QSDĐ cầm cố vay 200 triệu đồng để làm ăn. Đến khi làm ăn thua lỗ, vợ chồng người con gái này đã bỏ trốn để lại cho ông số nợ vượt quá khả năng chi trả.

Ông T. bày tỏ: “ Tôi rất ân hận vì đã nhẹ dạ, cả tin khi ký giấy đồng ý cho con riêng của vợ cầm cố đất để vay tiền. Nếu không liên lạc được với vợ chồng nó, chắc tôi phải bán nhà để trả nợ. Bạc đầu mà vẫn dại. Chỉ vì tin con mà giờ có nguy cơ tuổi già không chốn nương thân”.

Tương tự, trường hợp của vợ chồng ông V.T.Th. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cũng có nguy cơ trắng tay chỉ vì thương con. Do có một người con gái nên vợ chồng ông Th. sẵn sàng cho con mượn giấy chứng nhận QSDĐ thế chấp ngân hàng vay 500 triệu đồng để tiếp tục kinh doanh. Công việc làm ăn thất bại, vợ chồng con gái ông Th. không còn khả năng trả nợ, ngân hàng yêu cầu kê biên nhà để đưa ra đấu giá thu hồi nợ. Việc này khiến vợ chồng ông Th. không khỏi lo lắng, bất an trước nguy cơ căn nhà duy nhất để ở có thể bị “siết” nợ bất cứ lúc nào.

Thậm chí có trường hợp bị người thân lén lấy giấy chứng nhận QSDĐ để mang đi cầm cố, vay nợ. Như trường hợp của anh N.N.D. (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) bị anh rể lấy trộm giấy chứng nhận QSDĐ do cha mẹ anh D. để lại cho 2 chị em anh đem thế chấp cho một quỹ tín dụng vay 250 triệu đồng trả nợ thua bài bạc. Quá ngày đáo hạn, anh rể của anh D. không trả nợ được, nhân viên quỹ tín dụng này đã đến nhà để làm việc.  Lúc này anh D. mới biết, anh rể đã mang giấy chứng nhận QSDĐ do cha mẹ anh D. đứng tên để vay tiền. Nhằm giữ lại tài sản cha mẹ để lại, chị em anh D. phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để chuộc giấy chứng nhận QSDĐ về.

* Thận trọng khi “gánh nợ” thay người khác

Theo luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), thời gian qua, trong số các trường hợp đến trung tâm nhờ tư vấn pháp luật có nhiều trường hợp bỗng dưng mất nhà, đất chỉ vì nhẹ dạ, cả tin khi cho người thân, bạn bè mượn giấy tờ nhà, đất để cầm cố, thế chấp ngân hàng vay tiền. Nhiều người đã không lường trước được hậu quả, nên đã tự đưa mình vào rủi ro.

Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) khuyến cáo, người có tài sản nhà, đất trước khi giao giấy tờ của mình cho người thân, bạn bè mượn cầm cố, thế chấp vay tiền nên tỉnh táo, thận trọng, suy nghĩ thấu đáo. Bởi khi người vay không trả được nợ, thì người gặp rắc rối chính là người đã đứng ra bảo lãnh bằng tài sản của mình. Bởi thực tế đã cho thấy, không ít trường hợp trắng tay, phải ra khỏi căn nhà của mình chỉ vì... gánh nợ cho người khác.

Luật sư Định cho biết, không ít trường hợp mọi chuyện ký kết, thỏa thuận được thể hiện trên văn bản mà người ký vẫn không ý thức được hết những rủi ro mình có thể sẽ gặp phải nếu như người vay không có khả năng trả nợ. Theo quy định của pháp luật về giao dịch ngân hàng, vay tiền tới thời hạn mà không thanh toán được, nếu không có những thỏa thuận xử lý tài sản thế chấp khác giữa hai bên, ngân hàng sẽ tổ chức bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ.

Tại Khoản 3, Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định, số tiền thu được từ việc đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định đã tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể, sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm, sau khi trừ các chi phí về thi hành án. Như vậy, sau khi bán đấu giá tài sản, số tiền thu được ưu tiên trả cho ngân hàng.

Riêng đối với những trường hợp bị người thân lén lấy giấy tờ nhà đất, giả mạo chữ ký để cầm cố, thế chấp vay tiền, theo luật sư  Định, người chủ sở hữu tài sản cầm cố, thế chấp có thể khởi kiện, yêu cầu tuyên bố giao dịch thế chấp vô hiệu đối với những cá nhân, tổ chức cầm cố không đúng theo quy định theo Điều 127, Bộ luật Dân sự năm 2015 để lấy lại tài sản của mình.

Phương Liễu

Tin xem nhiều