Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao đời sống văn hóa công nhân: Nhiệm vụ cấp bách (Bài 1)

07:09, 13/09/2022

Trong thời đại chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay, việc xây dựng những lớp công nhân giỏi về chuyên môn, vững về chính trị, có thể đảm đương nhiệm vụ thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh chỉ có thể dựa trên nền tảng văn hóa.

Là lực lượng tiên phong của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời đại chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay, việc xây dựng những lớp công nhân giỏi về chuyên môn, vững về chính trị, có thể đảm đương nhiệm vụ thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh chỉ có thể dựa trên nền tảng văn hóa.

Người lao động luôn mong mỏi có được nơi thư giãn, giải trí sau giờ tan ca Trong ảnh: Một công nhân cùng con xem tivi tại phòng trọ ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khánh Lộc
Người lao động luôn mong mỏi có được nơi thư giãn, giải trí sau giờ tan ca. Trong ảnh: Một công nhân cùng con xem tivi tại phòng trọ ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khánh Lộc

Tại Đồng Nai - địa phương có nền công nghiệp phát triển, thu hút hơn 1,2 triệu công nhân lao động, việc quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách.

Bài 1: Công nhân trong “cơn bão số”

Không có thời gian, điều kiện và cả những sự lựa chọn, sau khi tất bật tăng ca để kiếm thêm thu nhập, hầu hết công nhân trở về phòng trọ chật hẹp đều chọn “làm bạn” với chiếc điện thoại. Cũng từ đó, đời sống văn hóa tinh thần của họ không chỉ đơn điệu, mà còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ đời sống số, thậm chí có thể phát sinh những hệ lụy liên quan đến yếu tố pháp luật.

* “Cả thế giới thu bé lại” vừa bằng chiếc điện thoại…

Trong một khu trọ ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) vào giờ tan tầm một ngày cuối tuần, tiếng hát karaoke từ các phòng dội vào nhau chát chúa, cuối dãy phòng trọ, một nhóm công nhân tụ tập ăn nhậu, nhiều người kê ghế ra hành lang ngồi “lướt” điện thoại cho đỡ bức bối. Đó là cảnh phổ biến tại các khu nhà trọ tập trung đông công nhân lao động ở TP.Biên Hòa cũng như các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch…

Làm công nhân tại TP.Biên Hòa ngót nghét chục năm, vợ chồng anh Nguyễn Hải vẫn gắn bó với căn nhà trọ xập xệ chừng 15m2. Đó cũng là không gian sinh hoạt của cả gia đình 4 người sau một ngày dài đi học, đi làm. Dù chịu khó tăng ca nhưng thu nhập của vợ chồng anh chỉ đủ trang trải cuộc sống; từ khi có 2 con, kinh tế còn thiếu trước hụt sau nên anh chị không có điều kiện, thời gian để sinh hoạt văn hóa, giải trí.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đó là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

“Đi làm về đến nhà là mệt rã rời, tôi ăn cơm rồi đi ngủ chứ cũng không có điều kiện chở vợ con đi vui chơi, giải trí. Ráng lắm mới mua được tivi cho các con xem, còn vợ chồng chỉ tranh thủ “lướt” điện thoại trước khi đi ngủ gọi là có giải trí thôi” - anh Hải nói.

Quay trở lại Biên Hòa làm việc sau đợt về quê để tránh dịch Covid-19, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Vân (ở trọ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) vẫn gắn chặt với căn phòng trọ chật hẹp và chiếc điện thoại giúp chị tìm kiếm thông tin, giao lưu, kết nối bạn bè… Những khi không tăng ca, chị lại ghé “chợ cóc” mua ít đồ ăn về tự chế biến, tắm giặt rồi tranh thủ “lướt phây” và đi ngủ. “Ngày nào cũng giống ngày nào thôi, những khi không tăng ca thì còn ghé mua đồ nấu ăn uống, tám chuyện cùng chị em trong dãy trọ, còn tăng ca về đến phòng là rã rời không muốn đi đâu. Rảnh rỗi thì tôi lên mạng, xem phim, nghe nhạc trên điện thoại” - chị Vân bộc bạch.

Cũng như chị Vân, điện thoại có kết nối internet dường như trở thành phương tiện giải trí duy nhất đối với công nhân lao động. Xem phim rạp, đọc sách hay tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao dường như trở thành “xa xỉ” đối với một bộ phận không nhỏ công nhân lao động hiện nay.

* …Trong những khu nhà trọ chưa đạt chuẩn

Đối với những công nhân lao động xa quê, nhà trọ chính là nơi đi về, nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt. Thế nhưng, phần lớn nhà trọ hiện nay trên địa bàn Đồng Nai lại chưa đạt chuẩn, điều kiện sống tối thiểu vẫn chưa đảm bảo, chưa nói đến yếu tố tinh thần, đời sống văn hóa.

Nhơn Trạch là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số lượng lớn công nhân lao động đến làm việc và sinh sống. Hiện toàn huyện có 9 khu công nghiệp, trên 3 ngàn khu nhà trọ với trên 40 ngàn phòng, giải quyết một phần nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, hầu hết các nhà trọ hiện không đảm bảo về diện tích, môi trường và các tiện ích phục vụ đời sống công nhân.

Theo Báo cáo công tác triển khai xây dựng khu nhà trọ văn hóa giai đoạn 2011-2021 của Sở VH-TTDL, toàn tỉnh có hơn 150 khu nhà trọ văn hóa. Con số này còn rất ít so với số lượng lớn nhà trọ phục vụ công nhân lao động trên địa bàn Đồng Nai.

Như trường hợp vợ chồng chị Trần Thị Lành từ miền Bắc vào Nhơn Trạch làm công nhân. Khi lập gia đình và sinh 2 con nhỏ, vợ chồng anh chị phải đưa bà ngoại vào hỗ trợ trông cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Cả gia đình 5 người, có cả trẻ nhỏ, sống trong căn phòng trọ vỏn vẹn 20m2, tối tăm, ẩm thấp khiến không gian rất ngột ngạt.

“Tôi thuê căn phòng này được 2 năm rồi. Trọ ở đây thứ nhất là gần nơi làm việc, thứ hai là giá rẻ, phù hợp công nhân. Thật ra, tôi rất mong được ở trong không gian thoáng, rộng hơn, đi làm về có thể đưa con đi dạo mát, hoặc sáng sáng có không gian tập thể dục thể thao, hít thở khí trời…, nhưng trong điều kiện hạn hẹp của mình thì rất khó” - chị Lành chia sẻ.

Anh Nguyễn Sơn Hoàng, chủ một khu nhà trọ ở P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) đặt ra nội quy đối với những người sống trong khu nhà trọ. Ngoài những quy định về chi phí, vệ sinh, còn có quy định rất “được lòng” đa phần người thuê trọ là: không được hát karaoke. Chị Huyền, sống ở khu nhà trọ này, cho biết: “Tôi nhiều lần chuyển nhà trọ chỉ với lý do các phòng bên cạnh thường tổ chức nhậu nhẹt, hát karaoke ồn ào, nhất là vào những ngày lễ, Tết…”.

* “Bẫy” trên không gian mạng

Sự phát triển của internet và mạng xã hội đã mở ra cho mọi người cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, giải trí, kết bạn… dễ dàng, song cũng phát sinh nhiều vấn đề nếu mỗi người không được trang bị kiến thức, kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội. Trong khi đó, đa phần công nhân lao động có độ tuổi trẻ, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, vui chơi, giải trí cao. Dành nhiều thời gian giải trí trên mạng, nhiều công nhân lao động đã bị vướng vào những vụ lừa đảo, “tín dụng đen”, vi phạm pháp luật hay phổ biến nhất là tình trạng bình luận, chia sẻ những thông tin sai trái, độc hại.

Một khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp ở P.Hóa An, TP.Biên Hòa
Một khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp ở P.Hóa An, TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Hạ

Cũng thông qua mạng xã hội, nhiều đối tượng đã kêu gọi công nhân đình công, lãng công, biểu tình, không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Đặc biệt, trong thời gian sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trên địa bàn Đồng Nai tăng cao, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người qua Campuchia với thủ đoạn dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” trên các trang mạng xã hội. Trong năm 2022, Công an Đồng Nai phối hợp với công an nhiều tỉnh, thành triệt phá nhiều đường đưa trái phép cả trăm người sang Campuchia làm việc.

Cũng sau đại dịch Covid-19, do giảm thu nhập, đời sống gặp khó khăn cộng với thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều công nhân lao động đã trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”. Lực lượng công an đã từng triệt phá nhóm “tín dụng đen” ở Khu công nghiệp Xuân Lộc - nơi tập trung hơn 26 ngàn công nhân. Chỉ cần thế chấp thẻ ATM, sổ bảo hiểm xã hội, công nhân sẽ được giải quyết cho vay ngay từ 2-7 triệu đồng tùy theo mức lương, lãi suất dao động từ 4-6%/tháng hoặc từ 48-72%/năm, cao gấp nhiều lần so với mức lãi suất cho vay theo quy định của Nhà nước. Nhiều công nhân không có khả năng chi trả dẫn đến bị đe dọa, khủng bố, gây áp lực để đòi nợ…

Lâm Viên - Nhật Hạ

Bài 2: Thiết chế văn hóa cho công nhân: Còn thiếu và yếu

Tin xem nhiều