Báo Đồng Nai điện tử
En

'Chung thủy' với cây cà phê

Đoàn Phú
08:37, 19/04/2024

Giá cà phê nhân trên thị trường những ngày qua gần đạt mốc 100 ngàn đồng/kg. Điều này càng khẳng định quyết tâm không chặt bỏ cây cà phê của nông dân Sú Tắc Phí (dân tộc Hoa, ngụ khu phố Tân Thủy, phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh) là sáng suốt.

Nông dân Sú Tắc Phí (bìa phải, ngụ phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh) giới thiệu về kỹ thuật trồng cà phê tái canh. Ảnh: Đ.Phú

“Khi cà phê mất giá, mặc cho mọi người chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác, tôi vẫn kiên định lập trường không chặt cà phê, vì đây là nguồn sinh kế của gia đình” - ông Sú Tắc Phí bộc bạch.

Người có diện tích cà phê lớn nhất Bàu Sen

Giai đoạn 2000-2010 trở về trước, cà phê là cây trồng chủ lực của nông dân phường Bàu Sen và nhiều địa phương khác của thành phố Long Khánh. Do giá cà phê nhân ngày càng hạ thấp, có thời điểm chỉ còn vài ngàn đồng/kg, trong khi nhà nông phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn hơn gấp nhiều lần nên liên tục bị thua lỗ. Lúc bấy giờ, họ chọn giải pháp chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang các cây trồng khác.

Trước tình trạng nhà nhà chặt bỏ hàng loạt cà phê để chuyển đổi sang cây trồng mới, nông dân Sú Tắc Phí vẫn kiên định suy nghĩ của mình, bỏ bê cà phê cho khô héo rồi chặt phá chẳng khác nào cuộc sống đang yên ấm lại quay về thời kỳ khó khăn. Chính cái suy nghĩ mộc mạc, không theo phong trào này mà 3 hécta cà phê của ông Sú Tắc Phí vẫn xanh rì theo thời gian.

Một trong những mục tiêu của Kế hoạch 256/KH-UBND ngày 25-11-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/hécta; thu nhập/hécta cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5-2 lần so với trước khi tái canh.

“Ở phường Bàu Sen có rất nhiều vườn cà phê đẹp, tơ, năng suất vượt trội so với vườn cà phê của tôi nhưng vẫn bị nông dân bỏ phế đến chết héo, rồi chặt phá không thương tiếc, quên hẳn trước kia cây cà phê từng giúp cho họ tạo dựng cuộc sống sung túc” - ông Sú Tắc Phí bộc bạch.

Thật ra, ông Sú Tắc Phí cũng nhìn nhận thực trạng cà phê liên tục mất giá, mất mùa làm cho người trồng điêu đứng, vỡ nợ. Việc mạnh dạn chuyển đổi cà phê sang cây trồng khác như: cây ăn trái, hồ tiêu, chuối cấy mô… giúp cuộc sống của nhiều nông dân có sự thay đổi lớn, nhiều người giàu có, thu nhập trên 300 triệu đồng/hécta/năm, nhất là góp phần cho kinh tế địa phương không ngừng phát triển. Tuy vậy, lão nông người dân tộc Hoa này vẫn chứng minh được việc ông không chặt phá cây cà phê là hướng đi đúng.

Để không phải tiêu tốn chi phí nhiều cho việc tái canh vườn cà phê (ghép cành trên gốc cà phê cũ), ông Phí chọn giải pháp trồng xen hồ tiêu, hoa màu khi cà phê còn non. Giai đoạn này, ông vẫn đảm bảo thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/hécta/năm, không thua kém thu nhập từ cây ăn trái của các nông dân khác sau khi chuyển đổi. Điều đặc biệt, cà phê thu hoạch xong, ông cất vào kho, chờ thời điểm giá tốt trong năm mới đem bán. Đây chính là lý do ông giữ được vườn cà phê, là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và trở thành hộ nông dân có diện tích cà phê lớn nhất ở phường Bàu Sen hiện nay.

Ký ức cà phê...

Trước năm 2010 và cả thời điểm năm 2015, cà phê vẫn còn là cây trồng chủ lực của không ít nông dân trên địa bàn phường Bàu Sen, một số phường, xã khác của thành phố Long Khánh và nhiều địa phương trong tỉnh. Mô hình trồng cà phê - tiêu là phổ biến đối với các nhà vườn. Chính vì vậy, thời điểm đó khắp các vườn rẫy của nông dân đều bạt ngàn tiêu, cà phê, tạo ra cuộc sống sung túc.

Phường Bàu Sen từng là vùng trồng cà phê với diện tích sản xuất gần 1 ngàn hécta, nhưng đến nay chỉ còn lại 5 hécta cà phê của 4 hộ dân, trong đó có hộ ông Sú Tắc Phí. Cây cà phê vì thế mà trở thành “hàng hiếm” ở địa phương.

Nông dân SÚ TẮC PHÍ (ngụ phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh) bày tỏ, nhờ “chung thủy” với cây cà phê mà 20 năm nay ông luôn giữ và đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh và tỉnh Đồng Nai.

Nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường Bàu Sen Phạm Xuân Tuấn (thời kỳ 1997-2002) bày tỏ, khi cà phê còn là cây trồng chủ lực của nông dân thì mô hình trồng cà phê, hồ tiêu là phổ biến đối với tất cả các nhà vườn. Chính vì vậy, thời điểm đó khắp nơi trong vùng đều bạt ngàn hồ tiêu, cà phê. Khung cảnh càng đẹp, nên thơ vào tháng Giêng, khi cà phê ra hoa.

Cà phê trên đất đỏ bazan, trên đất đá bạt ngàn tại nhiều vùng đất: Bảo Quang, Bảo Vinh (thành phố Long Khánh); Xuân Đông, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ); Cây Gáo, Bàu Hàm (huyện Trảng Bom); Phú Tân, Phú Túc (huyện Định Quán)… từng giúp nông dân người Kinh và các dân tộc thiểu số: Hoa, Tày, Nùng, Mường… từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước di cư về Đồng Nai phát triển kinh tế. Chính họ cùng với người dân địa phương đã tạo cho cây cà phê nơi những vùng đất đá, đồi dốc thêm giá trị.

Cây hồ tiêu đang được nông dân tái cơ cấu lại vườn cùng với diện tích cà phê tái canh.
Cây hồ tiêu đang được nông dân tái cơ cấu lại vườn cùng với diện tích cà phê tái canh.

Lang thang trên con đường nông thôn mới của vùng đất nổi tiếng cà phê năng suất xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) một thời, giờ tìm chẳng thấy bóng dáng vườn cà phê. Hỏi nông dân trồng chôm chôm, sầu riêng đang nhâm nhi cà phê sáng đầu đường ấp Bảo Định thì được biết, nông dân trong ấp, xã đã chuyển sang cây trồng khác từ rất lâu rồi. Theo các nông dân, cà phê giờ giá cao nhưng các loại cây trồng khác hiện cũng không thua kém gì cà phê nên người còn giữ cà phê có quyền vui, riêng với người đã chặt bỏ thì hãy khép lại câu chuyện cà phê vào quá khứ.

Nông dân Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán) từng là người trồng cà phê giỏi tại vùng đất ấp 8 của xã Phú Tân, không một chút ngậm ngùi khi chặt phá 5 hécta cà phê chuyển sang cây trồng khác như: mít, bưởi, chôm chôm, sầu riêng… Ông chia sẻ, vào năm 2015, trước khi thuê người chặt, cưa cà phê, vợ chồng ông nhiều tháng liền mất ngủ vì lo, bởi gia đình ông khá lên cũng nhờ cây cà phê, nhưng cũng vỡ nợ vì cà phê bị mất mùa, giảm giá kéo dài.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều