Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

10:10, 25/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 25-10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự án luật.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 25-10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự án luật.

Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010. Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật rất rõ các ý kiến của đại biểu. Các đại biểu kỳ vọng dự thảo luật sẽ tạo bước phát triển quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam.

Quan tâm tới một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, một số đại biểu bày tỏ sự tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra tổng cục, cục; thành lập thanh tra sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh… Một số đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn việc thành lập và trách nhiệm các cơ quan thanh tra các cấp, chuyên ngành, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy, tránh chồng lấn, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp, ngành, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm.

 * Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đã đánh giá cao công tác chuẩn bị, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo luật. Kết cấu, bố cục của dự thảo luật cần hợp lý hơn, phần giải thích từ ngữ cần tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của luật. Các đại biểu cũng cho ý kiến về: chính sách của Nhà nước về dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí và chính sách khai thác tài nguyên trong các mỏ tận thu; điều kiện, nội dung tổ chức thực hiện điều tra cơ bản dầu khí và các quyền, nghĩa vụ tổ chức thực hiên điều tra dầu khí; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…

Quốc hội cũng đã nghe báo cáo về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, mà còn nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước…

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều