Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi giáo viên đồng lòng đổi mới sáng tạo

09:03, 03/03/2022

Mặc dù liên tục có ca mắc Covid-19, phải căng mình vừa chống dịch, vừa dạy học, nhưng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) vẫn tổ chức hội thi giáo viên sáng tạo.

Trường học liên tục có ca mắc Covid-19, phải căng mình vừa chống dịch, vừa dạy học nhưng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) vẫn tổ chức hội thi giáo viên sáng tạo (GVST). Đây là hội thi thường niên đã được tổ chức nhiều năm liền, là đợt sinh hoạt chuyên môn chất lượng được đội ngũ giáo viên mong đợi.

Học sinh cùng nhau làm việc nhóm trong tiết Hóa học của cô Nguyễn Thị Thúy Nga. Trong tiết này, cô Nga đã áp dụng mô hình Lớp học đảo ngược
Học sinh cùng nhau làm việc nhóm trong tiết Hóa học của cô Nguyễn Thị Thúy Nga. Trong tiết này, cô Nga đã áp dụng mô hình Lớp học đảo ngược. Ảnh:T.Vi

7 giáo viên đại diện cho 7 tổ bộ môn đã mang đến hội thi những tiết dạy chất lượng, áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rất tốt. Thông qua hội thi, mỗi giáo viên đều trưởng thành hơn và học hỏi được nhiều điều bổ ích.

* Hào hứng với “lớp học đảo ngược”

Hóa học là môn “khó nhằn” đối với rất nhiều học sinh. Tuy nhiên, với những gì diễn ra như trong tiết dạy của cô Nguyễn Thị Thúy Nga, Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai thì đa phần học sinh đều hoạt động rất tích cực trong môn học này. Với bài Nhôm đơn chất trong chủ đề Nhôm và hợp chất của nhôm, cô Nga gần như hoàn toàn không giảng bài mà chỉ hỗ trợ học sinh, nhận xét và tổng kết tiết học.

Giúp học sinh phát huy khả năng ứng dụng công nghệ thông tin

Em NGUYỄN PHƯƠNG THÙY AN (học sinh lớp 12C2, Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai) cho biết, em và các bạn thường xuyên được tham gia các tiết học có tính sáng tạo. Bản thân em cũng từng tham gia làm việc nhóm, chuẩn bị bài cho các hoạt động học tập dự án, thảo luận, thuyết trình… Em thường dùng các ứng dụng như: Powtoon, Powerpoint, Quizziz, Canva, Word, Kinemaster… để chuẩn bị bài. Các hoạt động có đầu tư như vậy khiến em thấy rất hứng thú vì giúp em có thêm kỹ năng, không chỉ tốt cho việc học mà còn có ích trong cuộc sống.

Theo đó, lớp học được cô chia làm 3 nhóm với 3 nhiệm vụ khác nhau. Nhóm 1 xem video thí nghiệm, nêu hiện tượng và giải thích vào phiếu bài tập. Nhóm 2 thực hành thí nghiệm, quay video quá trình thực hành gửi cho giáo viên để phát ngay trong tiết học cho lớp cùng quan sát. Nhóm 3 thiết kế sơ đồ tư duy về những ý chính: vị trí, tính chất, ứng dụng, trạng thái tự nhiên và điều chế nhôm.

Trong tiết học, các nhóm đều làm việc rất tích cực, sôi nổi. Sau khi hết thời gian làm việc nhóm, đại diện các nhóm đã lên thuyết trình; đồng thời, đặt câu hỏi, trả lời thắc mắc, thảo luận với các nhóm bạn. Để làm được điều này, trước buổi học, cô Nga đã gửi video bài giảng, nội dung tài liệu tham khảo để học sinh tự học trước ở nhà, đồng thời giao việc cho các nhóm. Đối với các công việc cụ thể cho thành viên thì các nhóm tự thảo luận, phân công và thực hiện.

Theo cô Nga, trong tiết học này, cô đã áp dụng mô hình Lớp học đảo ngược. Lựa chọn mô hình này, công đoạn chuẩn bị của giáo viên khá vất vả. Cô Nga mất khoảng 3 ngày để hoàn thành tất cả các công việc: lên ý tưởng, thiết kế, thực hiện video bài giảng, tài liệu tham khảo để học sinh tự học ở nhà. Bù lại, công việc của giáo viên ở tiết học trên lớp lại diễn ra khá nhẹ nhàng bởi hầu hết các hoạt động đều do học sinh chủ động và thực hiện.

Để áp dụng mô hình này hiệu quả, theo cô Nga, ngoài tính chủ động của học sinh, giáo viên phải biết áp dụng kỹ năng, công cụ để quản lý quá trình tự học của các em. Theo đó, cô Nga đã dùng ứng dụng Nearpod để thiết kế video bài giảng. Với ứng dụng này, cô có thể quản lý được học sinh có xem video hay không, xem bao nhiêu phần trăm. Ngoài ra, học sinh còn phải trả lời các câu hỏi được chèn trong video để đảm bảo việc xem video là thực chất, nghiêm túc…

Với mô hình Lớp học đảo ngược, học sinh rèn được tính tự giác trong học tập. Giáo viên không truyền đạt kiến thức một chiều mà trao quyền tự chủ cho học sinh. Học sinh tự tìm kiến thức, tự trình bày, còn giáo viên chỉ hỗ trợ, củng cố, thảo luận thêm…

* Cơ hội để bứt phá, sáng tạo

Tại hội thi GVST của Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai, cô Phan Thị Tâm, giáo viên môn Tiếng Anh đã xuất sắc đoạt giải nhất. Cô Tâm là hạt nhân nòng cốt trong ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo trong dạy học của nhà trường. Những phương pháp, kỹ thuật dạy học mà cô Tâm sử dụng trong hội thi GVST cũng chính là những gì mà cô thường xuyên áp dụng trong các tiết dạy của mình.

Trong tiết nói (speaking), cô Tâm mở đầu bằng một trò chơi nhỏ có ẩn ý liên quan đến nội dung bài học. Sau trò chơi là một câu hỏi gợi mở về chủ đề của tiết học để kích thích, dẫn dắt học sinh chú ý vào nội dung chính của bài. Tiếp đó, học sinh được xem video, thảo luận nhóm, đọc tài liệu, chuẩn bị bài nói, hùng biện, vấn đáp…

Đáng chú ý, trong phần làm việc nhóm chuẩn bị cho nội dung hùng biện, cô Tâm cung cấp cho học sinh các mã QR, học sinh quét mã để đọc tài liệu (bằng tiếng Anh). Học sinh tham khảo các tài liệu này để có thêm kiến thức, từ mới và tìm ý cho bài hùng biện. “Tôi luôn khuyến khích học sinh tra cứu tài liệu thông qua internet. Điều này giúp các em có kỹ năng lựa chọn thông tin phù hợp. Đây là kỹ năng rất cần thiết trong thế giới phẳng hiện nay, nếu chỉ gói gọn những kiến thức trong sách giáo khoa thì không đủ. Bên cạnh đó, việc tham khảo tài liệu cũng giúp các em phát triển kỹ năng đọc…” - cô Tâm nói.

Là lớp chọn tiếng Anh nên cả giáo viên và học sinh đã sử dụng 100% tiếng Anh trong suốt buổi học. Đối tượng học sinh lớp 10 còn hơi rụt rè, nhưng nhờ cách trao quyền chủ động hoàn toàn cho học sinh nên tiết học diễn ra sôi nổi.

Em Nguyễn Hà Thanh, học sinh lớp 10A3 cho biết: “Em cảm thấy rất thú vị khi được học những tiết như vậy. Cô đưa ra chủ đề, học sinh thảo luận nhóm nhiều. Nhờ cách học này, em đã khám phá ra được một vài khả năng, năng lực của bản thân và có cơ hội để phát huy năng lực đó”.

Với thầy Lê Xuân Đông, giáo viên môn Toán, hội thi GVST do trường tổ chức thường niên là hoạt động chuyên môn được tập thể giáo viên hào hứng đón nhận. Giáo viên tham dự các tiết dạy trên tinh thần học hỏi các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức lớp học… nhằm áp dụng tốt hơn cho hoạt động dạy học của mình. “Tôi cho rằng, hội thi GVST này rất cần thiết, bổ ích. Phần thảo luận sau hội thi và ý kiến của thầy cô đều cho thấy giáo viên rất hứng thú, phấn khởi vì học hỏi được nhiều điều để tổ chức hoạt động, tổ chức dạy học tốt hơn. Sau hội thi, các tổ chuyên môn còn tiếp tục thảo luận, phân tích các tiết dạy để học hỏi được nhiều điều hơn” - thầy Đông nói.

Tường Vi

Tin xem nhiều