Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời của ngành sản xuất thực phẩm

07:11, 17/11/2022

 Vào dịp cuối năm, nhiều ngành hàng gặp khó khăn vì đơn hàng giảm 20-50% so với dịp đầu năm. Tuy nhiên, ngành thực phẩm lại ăn nên làm ra khi đơn hàng tăng cao so với đầu năm và nhiều doanh nghiệp (DN) đã mở rộng sản xuất, xuất khẩu.

 Vào dịp cuối năm, nhiều ngành hàng gặp khó khăn vì đơn hàng giảm 20-50% so với dịp đầu năm. Tuy nhiên, ngành thực phẩm lại ăn nên làm ra khi đơn hàng tăng cao so với đầu năm và nhiều doanh nghiệp (DN) đã mở rộng sản xuất, xuất khẩu.

Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) tăng đơn hàng xuất khẩu 20%. Ảnh: H.Giang
Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) tăng đơn hàng xuất khẩu 20%. Ảnh: H.Giang

Tuy không được xếp vào danh sách 6 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh nhưng sản xuất thực phẩm những năm gần đây có những bước phát triển khá tốt. DN có vốn đầu tư trong nước, nước ngoài đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng nhà xưởng, tăng công suất nhà máy đáp ứng các đơn hàng tại thị trường nội địa và nước ngoài.

* Mở rộng xuất khẩu thực phẩm

Một số DN trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm cho biết, vào những tháng cuối năm 2022, khách hàng trong và ngoài nước đến đặt hàng rất nhiều. Đặc biệt, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, những sản phẩm hỗ trợ cho sức khỏe thường rất đắt hàng, bởi người tiêu dùng trên thế giới ưu tiên hàng đầu trong mua sắm là thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe. Do đó, đây cũng là cơ hội để DN trên lĩnh vực này tìm thêm đối tác để mở rộng sản xuất và nhiều công ty đã thành công khi đơn hàng tăng thêm 20-40%.

 Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Koyu & Unitek (ở Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) Trần Khánh Huy cho biết: “Trong 3 quý đầu năm 2022, trung bình mỗi tháng công ty xuất khoảng 250 tấn thịt gà chế biến sang Nhật Bản. Từ quý IV, đơn đặt hàng tăng khoảng 40% nên công ty tăng công suất lên 350 tấn/tháng mới đáp ứng đủ cho khách hàng. Ngoài thị trường Nhật Bản, công ty có thêm đơn hàng từ Hong Kong”.

Cũng theo ông Huy, thị trường trong nước nhu cầu về thực phẩm trong những tháng cuối năm cũng tăng cao nên đầu ra cho sản phẩm của công ty rất thuận lợi. Công ty vẫn tiếp tục tìm thêm đối tác để mở thêm các dây chuyền sản xuất mới.

Một số DN, tập đoàn trong nước, nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến nông sản, thực phẩm ở Đồng Nai sau vài năm thành công đã xây dựng thêm nhà máy ở trong và ngoài tỉnh như: CP, Nestlé, Ajinomoto, Vedan, GC…

Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Montri Suwanposri cho hay: “Mới đây, công ty đã xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản đánh dấu sự thành công của chuỗi giá trị Feed - Farm - Food của C.P. Bắt đầu hành trình đưa sản phẩm gà chế biến của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và tiếp tục xuất khẩu qua các nước khác. Giai đoạn 1, CP sẽ sản xuất hơn 1,6 ngàn tấn/tháng, tương đương hơn hơn 4 triệu con gà/tháng. Năm 2025, sẽ mở thêm nhiều thị trường mới và tăng gấp đôi công suất so với hiện nay”.

Xuất khẩu được thịt gà chế biến với số lượng lớn sẽ mở ra cơ hội cho ngành chăn nuôi Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước.

* Chọn hướng đi đúng

Các DN ngành chế biến thực phẩm tại Đồng Nai nắm bắt cơ hội khá nhanh để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vì thế, dịch bệnh cùng nhiều bất ổn trên thị trường thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất như: giá nguyên liệu đầu vào, chi vận chuyển hàng hóa gia tăng đẩy giá thành sản phẩm lên cao nhưng không ít DN vẫn giữ được doanh thu và tăng trưởng cao trong 2-3 năm qua.

 Giám đốc kinh doanh Công ty CP Thực phẩm GC (ở Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 khiến người tiêu dùng nước ngoài sử dụng các sản phẩm bổ sung sức khỏe nhiều hơn nên các sản phẩm làm từ nha đam, thạch dừa, các loại trái cây của GC xuất khẩu khá tốt. Năm nay, công ty nhận được các đơn hàng từ nước ngoài tăng hơn 20% so với năm trước. Hiện sản phẩm của GC đã xuất sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ. Công ty vẫn đang tập trung vào sản xuất và nghiên cứu thêm những sản phẩm mới tốt cho sức khỏe để tăng xuất khẩu”.

 Ở thị trường trong nước, những dòng sản phẩm hỗ trợ cho sức khỏe cũng được người dân đón nhận và chi tiền để mua nhiều hơn. Do đó, những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sản xuất sạch, tốt cho sức khỏe, tiện lợi rất dễ tìm được chỗ đứng trên thị trường.

 Ông Khuất Quang Hưng, Trưởng bộ phần truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết: “Từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, các dòng sản phẩm hỗ trợ cho sức khỏe được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài chọn mua nhiều hơn. Vì thế, những sản phẩm thuộc lĩnh vực này của công ty tăng công suất thêm 20-30% để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện Nestlé có rất nhiều dòng sản phẩm cho từng lứa tuổi nên người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn những sản phẩm phù hợp”. Hiện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đang gấp rút hoàn thành thêm nhà máy mới tại Đồng Nai để tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu.

 Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do và đã có hiệu lực, các dòng thuế đã và đang giảm về 0%. Đây là cơ hội để DN ngành thực phẩm tăng xuất khẩu vào các thị trường trên để hưởng các ưu đãi về thuế, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, giúp được ngành nông nghiệp trong nước phát triển.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích