Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Doanh nghiệp tìm cách chống đỡ

07:11, 16/11/2022

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đều nỗ lực tìm giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất, xuất khẩu vượt qua khó khăn. Nhiều DN đã mở thêm thị trường xuất khẩu, làm ra những mặt hàng riêng biệt mà người tiêu dùng đang cần.

[links()]Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đều nỗ lực tìm giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất, xuất khẩu vượt qua khó khăn. Nhiều DN đã mở thêm thị trường xuất khẩu, làm ra những mặt hàng riêng biệt mà người tiêu dùng đang cần.

Công ty TNHH Trans- Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu vẫn giữ được đơn hàng ổn định. Ảnh: H.Giang
Công ty TNHH Trans- Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu vẫn giữ được đơn hàng ổn định. Ảnh: H.Giang

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, hiện các DN đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như: Australia, Ấn Độ và các nước Nam Âu để có thêm đầu ra cho sản phẩm, phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

* Tăng khai thác thế mạnh riêng

Bộ Công thương dự báo, tình hình kinh tế từ nay đến nửa đầu năm 2023 sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Những vấn đề trên sẽ ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiềm ẩn hàng loạt bất ổn. Một số thị trường lớn suy yếu, lạm phát gia tăng, biến động tỷ giá, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao…, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của Đồng Nai cũng như cả nước. Trong bối cảnh trên, các DN phải chủ động tìm cách ứng phó để vượt qua, tiếp tục phục hồi sản xuất, đảm bảo doanh thu.

Theo UBND tỉnh, trong những tháng cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra của năm 2022. Mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai Bùi Thế Kích cho hay: “Cuối năm nay và nửa đầu năm sau, đơn hàng cho ngành dệt may sẽ tiếp tục bị thu hẹp, DN sẽ khó khăn hơn trong tìm đối tác mua hàng. Do đó, công ty đã nghiên cứu thị trường sản xuất ra một số mặt hàng khác biệt như: quần áo chống nóng, chống lạnh ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm cho y tế để xuất khẩu. Vì thế, công ty vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động 6 ngày/tuần và chưa có trường hợp phải nghỉ việc vì hết đơn hàng”.

Tuy sản xuất, xuất khẩu suy giảm trong 3 tháng cuối năm nhưng các hiệp hội ngành hàng cho biết sẽ vẫn hoàn thành kế hoạch năm. Vì các quý I, II và III-2022, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nên sẽ bù lại cho những tháng cuối năm. Đơn cử, năm 2022, ngành da giày Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu 23-25 tỷ USD, nhưng 10 tháng đầu năm đã đạt hơn 23,3 tỷ USD. Do đó, 2 tháng cuối năm đơn hàng có giảm từ 30-40% thì ngành da giày Việt Nam sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết: “Trong năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 43- 44 tỷ USD. Riêng 9 tháng năm 2022 đạt hơn 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 9-2022, xuất khẩu sang những thị trường lớn là Hoa Kỳ, châu Âu đã có dấu hiệu suy giảm so với những tháng trước đó. Qua khảo sát, nhiều DN cho biết đơn hàng cho 3 tháng cuối năm giảm mạnh, song ngành dệt may khả năng vẫn hoàn thành kế hoạch, vì có những DN vẫn nhận được đơn hàng nhờ sản xuất sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường”.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hoa Kỳ và châu Âu là 2 thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của nước ta đều suy giảm nên gần 80% DN xuất khẩu vào thị trường này bị sụt giảm đơn hàng 30-40%. Tại Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ 10 tháng của năm 2022 đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu tăng trong 7 tháng đầu năm. Từ tháng 9 đến nay, xuất khẩu chậm lại và trong 2 tháng cuối năm, nhiều nhà máy đơn hàng chỉ còn 50-70% so với dịp đầu năm. Ngành gỗ Đồng Nai còn giữ được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước là do có những DN có sản phẩm đặc sắc, cần thiết cho người tiêu dùng.

* Chủ động “vượt sóng”

Với tình hình khó khăn hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động “vượt sóng” bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu thêm các nhóm sản phẩm đặc sắc, có giá trị gia tăng cao hơn để giảm thiểu rủi ro. DN cũng tập trung khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại để hưởng các ưu đãi về thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ những quốc gia khác.

Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung phân tích, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp khó khăn, thách thức, có nguy cơ rơi vào suy thoái. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai sẽ giảm sức mua với nhiều mặt hàng tiêu dùng như: dệt may, da giày, đồ gỗ… Do đó, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng trên trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp vẫn có nguy cơ đứt gãy nên giá cả có thể leo thang, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. DN căn cứ vào thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, tránh bớt những rủi ro.

Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai Park Hyun Bae cho rằng, các DN có thể sẽ gặp khó khăn đến giữa năm 2023 nên phải chủ động tìm cách duy trì sản xuất, mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa ở nội địa và xuất khẩu. Chính phủ, tỉnh Đồng Nai có những chính sách linh hoạt, kịp thời sẽ giúp cho DN yên tâm hoạt động, trụ vững qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế hơn nhiều nước khác là tham gia nhanh và sâu vào hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và kinh nghiệm trong việc chủ động ứng phó, đa dạng hóa thị trường sẽ hạn chế được nhiều rủi ro.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Đồng Nai sẽ luôn đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tỉnh sẽ liên kết với  Bộ Công thương, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp những thông tin, diễn biến mới về các thị trường, ngành hàng để DN biết, chủ động trong điều hành sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài để DN tìm thêm đối tác, thị trường xuất khẩu”.

Ngoài ra, tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ DN được giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, chậm thu thuế, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh. Các dự án đang triển khai đề xuất, đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để bớt chi phí cho DN. Dự án sớm đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cho biết, DN có khó khăn, vướng mắc hoặc muốn mở rộng thị trường xuất khẩu có thể liên hệ trực tiếp với thương vụ Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin về nhu cầu của người tiêu dùng, chính sách của nước sở tại. Các thương vụ sẽ hỗ trợ DN kết nối với DN nước ngoài.

Hương Giang

Tin xem nhiều