Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp chế biến nông sản trước sự thay đổi xu hướng tiêu dùng

07:06, 29/06/2022

Dịch bệnh Covid-19, lạm phát lan rộng toàn cầu khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng cắt giảm chi tiêu. Theo đó, thị trường tiêu thụ của nông sản chế biến, nhất là các sản phẩm chế biến từ trái cây, hạt điều… không thuộc nhóm hàng thiết yếu sụt giảm mạnh. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu các mặt hàng này gặp khó khăn lớn về thị trường.

Dịch bệnh Covid-19, lạm phát lan rộng toàn cầu khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng cắt giảm chi tiêu. Theo đó, thị trường tiêu thụ của nông sản chế biến, nhất là các sản phẩm chế biến từ trái cây, hạt điều… không thuộc nhóm hàng thiết yếu sụt giảm mạnh. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu các mặt hàng này gặp khó khăn lớn về thị trường.

Chế biến trái cây tươi tại một doanh nghiệp ở H.Định Quán. Ảnh: Bình Nguyên
Chế biến trái cây tươi tại một doanh nghiệp ở H.Định Quán. Ảnh: Bình Nguyên

Để tồn tại trong điều kiện chi phí sản xuất tăng cao, nhiều DN chấp nhận giảm lợi nhuận và nỗ lực mở thêm nhiều thị trường ngách để duy trì và ổn định hoạt động sản xuất.

* Khi thị trường bị thu hẹp

Theo chia sẻ của một số DN sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm trái cây, nông sản chế biến, sau hàng loạt biến cố như: dịch bệnh, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng tình hình lạm phát trên thế giới tăng cao và ngày càng lan rộng, xu hướng tiêu dùng của thị trường thế giới có sự thay đổi lớn. Cụ thể, người tiêu dùng tại nhiều nước thay đổi thói quen, ngày càng thắt chặt hơn trong việc chi tiêu. Họ ưu tiên các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, còn các dòng thực phẩm không thuộc nhóm thiết yếu như: trái cây chế biến, nhân hạt điều… không còn hút hàng như trước.

Đặc biệt, có thời điểm, nhiều DN xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là sản phẩm trái cây chế biến, nhân hạt điều sang Nga (thị trường lớn của Việt Nam) gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình đốn vì các chuyến xuất hàng qua thị trường này phải tạm hoãn. Ngay cả thị trường truyền thống vốn được cho là dễ tính như Trung Quốc cũng không dễ tìm bạn hàng.

Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) Bùi Thanh Vân cho biết, xuất khẩu rau, quả đông lạnh, sản phẩm rau, trái cây sấy chưa bao giờ gặp khó như hiện nay. Chi phí đầu vào sản xuất tăng 20-30%, trong khi sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ vì người tiêu dùng nội địa và thị trường các nước đều ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ngay cả thị trường vốn dễ tính là Trung Quốc hiện nay cũng bộc lộ nhiều rủi ro.

Ông Vân chia sẻ: “Có lần công ty của tôi xuất 3 container trái cây sấy đi Trung Quốc, hàng bị tồn lại ở biên giới hơn 3 tháng mới xuất được. Công ty tốn cả trăm triệu đồng tiền kho bãi. Qua được cửa khẩu, đơn vị nhập hàng lại lấy lý do sản phẩm tồn lâu e ngại chất lượng bị ảnh hưởng, vừa giảm giá, vừa không trả tiền ngay khiến công ty khó càng thêm khó”.

Cùng nỗi lo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) Nguyễn Thế Hưng chia sẻ, vài tháng trở lại đây, hoạt động xuất khẩu trái cây sấy của DN bị giảm sút nặng nề vì thị trường lớn là Trung Quốc, các đối tác cũng chỉ đặt hàng nhỏ giọt. Những thị trường khác như: Nga, Hàn Quốc... hầu như khó tìm được khách hàng mới, đơn hàng của khách quen cũng giảm sút mạnh.

* Mở thị trường ngách

Tuy tình hình chung về thị trường trái cây chế biến vẫn còn khó khăn nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình đang sáng dần lên. Theo một số DN xuất khẩu nông sản sang Nga, sau nhiều tháng xuất khẩu bị đình đốn, hiện xuất khẩu sang thị trường này đang trên đà hồi phục.

Đối mặt với tình hình xuất khẩu khó khăn, nhiều DN vốn chỉ tập trung làm đơn hàng xuất khẩu quan tâm đẩy mạnh hơn các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Sau dịch Covid-19, ngành du lịch trong nước đang trên đà hồi phục, nhất là giai đoạn hiện nay đang vào cao điểm du lịch hè. Một số DN chế biến nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh kênh tiêu thụ tại chỗ cho dòng sản phẩm trái cây chế biến phục vụ nhu cầu của người dùng, làm quà tặng của du khách trong và ngoài nước.

Ông Bùi Thanh Vân cho hay, với DN nhỏ, thị trường nội địa không phải dễ mở rộng vì có nhiều thương hiệu lớn đã được người tiêu dùng nhận diện. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị lớn đều có nhãn hàng riêng nên DN nhỏ khó vào các kênh tiêu thụ này, buộc phải chấp nhận làm hàng gia công. Hiện nay, DN đang chuyển hướng tập trung đưa hàng vào các trạm dừng chân phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Ngoài ra, DN cũng quan tâm đưa hàng về nông thôn, vào các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ…

Nhiều DN nỗ lực mở rộng các thị trường xuất khẩu, quay về thị trường châu Á tiếp cận các thị trường ngách như: Campuchia, Thái Lan…

Ông Nguyễn Thế Hưng chia sẻ thêm: “Hiện công ty chỉ mong duy trì sản xuất để có nguồn trả công cho lao động và thu mua hết trái cây tươi cho nông dân đang gặp khó khăn về đầu ra chứ không đặt mục tiêu về lợi nhuận như trước. Công ty đang đàm phán với đối tác ở một số thị trường mới như: Malaysia, Thái Lan, Campuchia… với kỳ vọng có thêm kênh tiêu thụ”.     

Bình Nguyên

Tin xem nhiều