Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu

Khánh Minh
07:25, 26/04/2024

Từ nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Tới đây, khi các khu công nghiệp mới thành lập hoàn thành hạ tầng, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư thì kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ tiếp tục gia tăng.

Sản xuất linh kiện ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch).
Sản xuất linh kiện ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch). Ảnh:K.Minh

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn giữ được mức tăng trưởng khá. Thế nhưng, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế toàn cầu suy thoái, kéo theo xuất khẩu của Đồng Nai bị ảnh hưởng và biến động lớn. Đơn cử, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 18,73 tỷ USD; năm 2021 gần 21,2 tỷ USD; năm 2022 khoảng 24,6 tỷ USD, nhưng năm 2023 chỉ đạt 21,63 tỷ USD.

Xuất khẩu là chỉ tiêu kinh tế quan trọng

Tại Đồng Nai, xuất khẩu là một trong 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng, có tác động lớn đến việc phát triển của địa phương cũng như cả nước. Bởi vì tỉnh có thu hút vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư nước ngoài lớn, hàng hóa sản xuất ra hơn 70% sản lượng được xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, kim ngạch xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt lĩnh vực khác như: sản xuất công nghiệp, việc làm cho người lao động, thu ngân sách nhà nước, thương mại dịch vụ, vận tải…

Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường, thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột ở một số nơi trên thế giới đã khiến cho xuất khẩu của Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong năm 2023, nhiều DN thiếu đơn hàng sản xuất dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Trước tình hình trên, tỉnh thực hiện nhiều đợt xúc tiến thương mại ở trong nước và nước ngoài để giúp DN tìm thêm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, từ đầu năm 2024, xuất khẩu của Đồng Nai đã có dấu hiệu phục hồi theo hướng tốt dần lên.

Tính đến nay, Đồng Nai đã có hơn 10 năm xuất siêu. Năm 2014, năm đầu tiên tỉnh xuất siêu với hơn 500 triệu USD thì đến năm 2022 xuất siêu đã tăng lên 5,7 tỷ USD. Năm 2023, dù tổng kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng xuất siêu đạt 5,93 tỷ USD. Quý I-2024, Đồng Nai xuất siêu khoảng 1,62 tỷ USD.

Trong 3 năm 2020, 2021 và 2022, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh, nhưng DN, chính quyền, người dân vẫn nỗ lực vượt qua, đảm bảo sản xuất. Tuy kim ngạch xuất khẩu trong những năm qua có biến động nhưng Đồng Nai vẫn giữ được xuất siêu mỗi năm đều tăng. Điều này phù hợp với định hướng của tỉnh, Chính phủ là tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để giảm nhập khẩu. Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai chiếm từ 6-8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đồng thời, tỉnh luôn xếp thứ 6 hoặc thứ 7 trong các tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN để nắm bắt những vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, giúp DN hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều đợt giao thương trong nước và những thị trường nước ngoài có nhiều tiềm năng để DN có cơ hội kết nối mở thêm thị trường xuất khẩu mới, tránh lệ thuộc vào một số thị trường lớn. Như vậy, khi có những biến động trên thị trường thế giới, DN không quá khó khăn trong tìm đơn hàng cho sản xuất, xuất khẩu.

Kỳ vọng vào xuất khẩu

Năm 2023, xuất khẩu của Đồng Nai tăng trưởng âm là do DN thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, trong quý I-2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu lớn của tỉnh là: giày dép; máy móc, thiết bị, dụng và phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm gỗ... đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, tỉnh đề ra kế hoạch xuất khẩu sẽ tăng 8% so với năm 2023. Muốn đạt được kế hoạch, các DN phải linh hoạt, năng động hơn trong tìm đơn hàng mới. Tín hiệu vui cho Đồng Nai là hiện đã có những DN nhận được đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (ở Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành) Maeda Atsushi cho biết, thị trường xuất khẩu đang dần hồi phục tốt hơn so với đầu năm 2023. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, Lixil mở rộng xuất khẩu qua các thị trường mới nên đơn đặt hàng cũng dồi dào hơn.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2024, xuất khẩu vẫn có nhiều biến động đan xen giữa cơ hội và thách thức. Trong đó, DN sẽ gặp thách thức là kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn năm 2023, xung đột tại Biển Đỏ, căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn vẫn tiếp diễn, lạm phát… Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, hiện đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã có hiệu lực. Các đối tác đã ký kết FTA với Việt Nam chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu. Đây sẽ là lợi thế cho DN Đồng Nai tăng xuất khẩu vào những thị trường đã ký kết FTA để hưởng ưu đãi về thuế quan, gia tăng khả năng cạnh tranh.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) Trương Xuân Trung cho hay, mỗi năm UAE nhập khẩu 50 tỷ USD hàng hóa từ các nước. Đây là thị trường lớn, có nhiều tiềm năng để các DN khai thác, mở rộng xuất khẩu. Những mặt hàng UAE đang nhập khẩu nhiều là sản phẩm từ thịt, nông sản chế biến, mật ong, sữa, tinh dầu… Tuy nhiên, đây là thị trường có 90% người dân theo đạo Hồi nên muốn xuất khẩu hàng hóa vào UAE thì DN phải có chứng nhận HALAL.

Hiện nay, Đồng Nai đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng gần 50% kim ngạch xuất khẩu thuộc các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Khu vực châu Âu dù đã có FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu nhưng hàng hóa của Đồng Nai chủ yếu xuất vào Bỉ, Đức, Pháp, Ý, còn 23 nước khác số lượng rất ít. Tương tự, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có 11 nước thành viên (bao gồm cả Việt Nam), song hiện các DN Đồng Nai chủ yếu xuất hàng hóa vào Nhật Bản.

Hàng hóa của Đồng Nai đã vào được các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Ý thì cũng dễ dàng vào các thị trường khác. Vì thế, cơ hội để DN Đồng Nai tìm thêm thị trường xuất khẩu còn rất lớn.

Khánh Minh

Tin xem nhiều