Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn hạn chế trong thực hiện pháp luật lao động

07:06, 23/06/2022

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa tổ chức đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa tổ chức đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai.

Đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại Công ty TNHH Zeder Việt Nam (H.Long Thành)
Đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại Công ty TNHH Zeder Việt Nam (H.Long Thành)

Qua giám sát cho thấy, việc vi phạm các quy định pháp luật lao động vẫn còn tồn tại ở nhiều DN. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) và môi trường làm việc tại DN.

* Nhiều vi phạm

Giám sát tại Công ty CP Ngô Han (H.Long Thành) cho thấy, DN này còn nhiều hạn chế trong việc tuân thủ pháp luật lao động. Cụ thể, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện ATVSLĐ hằng năm, chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, chưa xây dựng quy trình vận hành an toàn lao động. Đối với việc thực hiện pháp luật lao động, công ty chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ và các chính sách đối với lao động nữ… Cùng với đó, DN còn nợ đoàn phí và chưa tạo điều kiện cho Công đoàn cơ sở hoạt động.

Theo Thông tư số 17 do Bộ LĐ-TBXH ban hành quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của DN, kể từ năm 2019, người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất 1 lần/năm. Tuy nhiên, rất ít DN thực hiện đầy đủ các nội dung trên.

Ngoài Công ty CP Ngô Han, một số DN cũng còn những hạn chế tương tự như: tổ chức cho NLĐ làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định; phân loại chưa đầy đủ số lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ… Giải thích về tình trạng trên, các DN cho rằng, do 2 năm qua dịch bệnh phức tạp, điều kiện sản xuất khó khăn nên việc thực hiện một số quy định pháp luật chưa kịp thời.

Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cho hay, qua giám sát, đoàn đã kiểm tra thực tế các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các chính sách của NLĐ tại DN; đồng thời, trực tiếp xuống xưởng khảo sát môi trường làm việc, công tác ATVSLĐ và nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống công nhân. Đối với những bất cập trong việc thực hiện các quy định về pháp luật lao động, đoàn đề nghị các DN khắc phục những hạn chế trên. Đồng thời, yêu cầu các DN chấp hành nghiêm các quy định pháp luật lao động như: thực hiện tốt quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng thang bảng lương và chi trả mức lương xứng với yêu cầu công việc của NLĐ.

* Cần có giải pháp khắc phục

Theo ông Hồ Thanh Hồng, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật lao động cho NLĐ, xác định đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TBXH thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại DN và có nhiều hình thức xử phạt kịp thời. Tuy nhiên, ở nhiều DN, việc thực hiện pháp luật lao động còn mang tính hình thức, chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Cụ thể như, khi DN ký kết hợp đồng với NLĐ, nội dung trong hợp đồng lao động chưa ghi đầy đủ hoặc ghi chưa cụ thể; ký kết theo loại hợp đồng lao động không đúng quy định, những công việc mang tính chất thường xuyên nhưng lại ký hợp đồng lao động có thời hạn hoặc theo mùa vụ.

Bên cạnh lỗi của DN thì về phía NLĐ, nhận thức pháp luật lao động còn hạn chế nên họ chưa ý thức bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động chỉ mới dừng lại ở bộ phận quản lý của DN, chưa đến được với NLĐ cũng là một nguyên nhân khiến NLĐ vẫn bị mất quyền lợi khi làm việc tại DN. Trong đó có tình trạng DN nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương, cho nghỉ việc trái quy định pháp luật hoặc bố trí nơi làm việc không như cam kết trong hợp đồng lao động…

Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động thuộc Sở LĐ-TBXH cho hay tới đây, Sở sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn pháp luật lao động cho chủ các DN, cán bộ làm công tác nhân sự, Công đoàn để nắm vững các quy định và thực hiện tốt tại DN. Những nội dung tập huấn tập trung về chính sách lao động, tiền lương, quan hệ lao động… Ngoài ra, hội nghị tập huấn còn nêu ra một số tình huống thường gặp, trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách lao động tại các DN về hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, tranh chấp lao động.

Phó chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, một trong những biện pháp cấp thiết để hạn chế việc DN vi phạm pháp luật lao động là tăng cường sự phối hợp giữa các ngành của tỉnh trong công tác kiểm tra, thanh tra nhằm tư vấn, hướng dẫn cho DN chấp hành tốt các quy định về pháp luật lao động. Yêu cầu DN phải thực hiện nghiêm túc các chính sách đối với NLĐ, đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Trước những bất cập liên quan đến các chính sách, quyền lợi của NLĐ, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở khối DN cho rằng, các ngành chức năng của tỉnh cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe để hạn chế những vi phạm về pháp luật lao động. Bởi khi quyền lợi được đảm bảo, NLĐ mới yên tâm làm việc, cống hiến và gắn bó với DN.

Lan Mai

Tin xem nhiều