Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa liêm chính, kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả

03:10, 07/10/2022

Vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối của Đảng và văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc các nhiệm kỳ.

Vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối của Đảng và văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc các nhiệm kỳ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (phải) thăm hỏi đời sống công nhân của Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: P.hằng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (phải) thăm hỏi đời sống công nhân của Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: P.Hằng

Kế thừa quan điểm về Nhà nước pháp quyền XHCN của các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển thêm nhiều điểm mới như: khẳng định tiếp tục xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục xây dựng Nhà nước vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền phải luôn đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm quyền con người; lấy con người là trung tâm phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Hoàn thiện các quy định pháp luật

Theo TS Đào Ngọc Báu, Phó viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN như định hướng Đại hội XIII của Đảng, phải hoàn thiện các quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân với tư cách là chủ sở hữu quyền lực phải có quyền kiểm soát quyền lực.

Để kiểm soát được quyền lực phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp quy định, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội có thể thực hiện việc kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan nhà nước khác, nhưng các cơ quan nhà nước khác lại khó kiểm soát việc thực hiện quyền lực của Quốc hội. Do đó, việc bỏ ngỏ kiểm soát Quốc hội là điều cần khắc phục.

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG nêu rõ, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cần chú ý đến việc hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về dân chủ. Hiện nay, trình tự để cử tri bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội chưa được quy định cụ thể. Các trường hợp là đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm tư cách đại biểu thời gian qua đều do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, trong khi cử tri là người bầu ra đại biểu Quốc hội.

 Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử chủ yếu dừng lại việc thông tin kết quả kỳ họp và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Việc nhân dân trực tiếp ký đơn thỉnh cầu đề nghị cơ quan dân cử giải quyết một vấn đề xã hội hoặc một vấn đề chính sách chưa được thực hiện.

Đối với dân chủ cơ sở, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, người dân đã có quyền đưa ra các sáng kiến, cùng bàn bạc với cấp ủy, chính quyền địa phương về những nội dung theo quy định, nhưng việc thực hiện sáng kiến công dân mới chỉ dừng lại cấp cơ sở, phạm vi hẹp, điều này đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Mặt khác, TS Đào Ngọc Báu cho rằng, khi xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cần đặc biệt chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính. Các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải đề cao sự minh bạch trong hoạt động của mình, vậy nên muốn minh bạch thì cứ theo luật mà làm. Khi minh bạch sẽ hạn chế được tham nhũng, pháp luật được thượng tôn, đất nước phát triển và người dân được hạnh phúc.

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều quy định như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quy định 19 điều đảng viên không được làm… Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm các quy định này, không được sử dụng tài sản của Nhà nước và nhân dân trái pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng trái pháp luật, pháp luật hiện hành của Việt Nam quy định nghiêm cấm tặng quà và nhận quà dưới mọi hình thức, không có ngoại lệ.

Ngoài ra, là cán bộ, công chức, viên chức phải chuyên nghiệp trong công việc; ứng xử, giao tiếp phù hợp với yêu cầu công tác; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao; không gây bè phái, mất đoàn kết; không được lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi; đối xử khách quan, công bằng với mọi người dân…

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 3-10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời vào năm 1945 đến nay, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu có chọn lọc những giá trị phổ quát của nhân loại về Nhà nước pháp quyền để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng.

Cụ thể là, việc quản lý nhà nước bằng pháp luật được chú trọng và tăng cường; hệ thống pháp luật từng bước được xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Dân chủ XHCN ngày càng được nhận thức đúng đắn và phát huy mạnh mẽ hơn. Mọi người đều có quyền được tự do sản xuất, kinh doanh ở tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm; quyền sở hữu hợp pháp tài sản và quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ; quyền dân chủ trong bầu cử, ứng cử, đề cử; trong thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật; được sinh hoạt dân chủ trong các cơ quan dân cử, các đoàn thể xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được đổi mới và có những tiến bộ đáng kể. Quốc hội hoạt động ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, thiết thực hơn. Tổ chức, hoạt động và điều hành của Chính phủ từng bước được đổi mới, tập trung vào công việc quản lý vĩ mô, chỉ đạo tổ chức thực hiện tương đối sâu sát, nhanh nhạy các vấn đề của đất nước. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có nhiều đổi mới, từng bước được xác định rõ và cụ thể hơn, có chất lượng và hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện cho việc kiện toàn, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước…

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam"; coi đây "là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị" ở nước ta; đồng thời, đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Do đó, Hội nghị Trung ương 6 lần này cần nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những kết quả, thành tựu đã đạt được và hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, từ đó bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước để đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được thực hiện trong thời gian tới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Phương Hằng

Tin xem nhiều