Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi khổ... 'siêu phường'

03:10, 24/10/2022

P.Trảng Dài (TP. Biên Hòa) hiện có 128 ngàn dân, được xếp vào hàng 'siêu phường' vì có lượng dân đông nhất so với các địa phương khác trong tỉnh.

P.Trảng Dài (TP. Biên Hòa) hiện có 128 ngàn dân, được xếp vào hàng “siêu phường” vì có lượng dân đông nhất so với các địa phương khác trong tỉnh.

Bài 1: Trăm dâu đổ đầu cán bộ

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc với Đảng bộ P.Trảng Dài để nắm bắt những khó khăn của phường. Ảnh: P.HẰNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc với Đảng bộ P.Trảng Dài để nắm bắt những khó khăn của phường. Ảnh: P.HẰNG

Áp lực tăng dân số tại P.Trảng Dài đã khiến hạ tầng giao thông, trường học, y tế… trở nên quá tải khá nghiêm trọng. Những vấn đề này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người dân nơi đây.

Dân số đông nhưng chỉ tiêu biên chế về đội ngũ cán bộ, công chức P.Trảng Dài cũng giống như các phường, xã chỉ vài ngàn dân. Vì thế, áp lực công việc luôn đè nặng lên đội ngũ cán bộ, công chức nơi đây.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Trảng Dài Nguyễn Thị Trà chia sẻ, trước Đại hội MTTQ phường nhiệm kỳ 2019-2024, cơ quan Ủy ban MTTQ phường có 5 người (1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 2 ủy viên) nhưng từ khi hoàn thành đại hội đến nay, do yêu cầu nhiệm vụ công tác và tinh giản biên chế nên hiện nay cơ quan này chỉ còn 2 người (1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch).

Làm không hết việc

Theo bà Trà, phó các đoàn thể ở cơ sở là người hoạt động không chuyên trách, chỉ yêu cầu làm việc một buổi/ngày nhưng với một phường đông dân như Trảng Dài, nhất là thời điểm dịch bệnh thì không chỉ riêng bà mà cán bộ, công chức ở đây đều làm hết ngày mà chưa hết việc. Có hôm 1 giờ sáng, người dân gọi điện thoại cho bà, hỏi tại sao chỉ cho gạo, rau mà không có thịt, cá. Rồi có trường hợp khi được hỗ trợ gạo thì lấy gạo đổi rượu và tụ tập trong dãy trọ ăn nhậu, say xỉn rồi đánh nhau, Công an phường lại phải xuống giải quyết tình hình.

Theo lãnh đạo P.Trảng Dài, hiện nay phường có diện tích 1.456,4ha; 31.442 hộ thường trú; 392 tổ dân phố thuộc 11 khu phố. Đảng bộ phường có gần 2 ngàn đảng viên, sinh hoạt ở 22 chi bộ trực thuộc. Với đặc điểm địa bàn rộng, dân số đông, phần lớn diện tích đất tự nhiên là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng; nhiều dự án, công trình của tỉnh và thành phố được quy hoạch trên địa bàn phường nhưng chậm triển khai; cơ sở hạ tầng, như hệ thống giao thông, nước máy, trường học, trạm y tế… chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức là những nguyên nhân nhạy cảm, dễ nảy sinh vấn đề mới, phức tạp ở Trảng Dài.

Với phường đông dân như Trảng Dài, cán bộ, công chức ở đây không ai phân biệt công việc đó là của riêng ai mà ai thạo việc gì thì xắn tay cùng làm. Trong quá trình làm, có lúc chưa bao quát được hết nhu cầu của người dân, nhiều người đã không thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn vất vả của cán bộ, công chức mà còn có những lời nói xúc phạm nặng nề cán bộ, công chức.

Không chỉ vất vả trong chống dịch mà cán bộ, công chức của phường còn phải thực hiện rất nhiều công việc khác cho dân. Như bà Trà, từ tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đều đến tay cán bộ Mặt trận. Rồi mỗi khi cưỡng chế công trình xây dựng không phép hay trong dân có xích mích, bạo lực gia đình… cán bộ Mặt trận cũng phải đến để hòa giải, giải thích cho dân hiểu.

Do không có đủ đội ngũ cán bộ, vừa qua bà Trà còn phải kiêm thêm chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường. “Mình làm vì tâm huyết, trách nhiệm, thương dân chứ không phải vì lương. Lương của tôi chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, nếu không có sự hậu thuẫn của gia đình thì không ai yên tâm làm việc với chế độ chính sách như vậy. Tuy nhiên sức người có hạn, nếu cứ kéo dài thực trạng này thì rất khó” - bà Trà bộc bạch.

Bà Trương Nguyễn Thùy Ngân, phụ trách lĩnh vực văn thư của phường chia sẻ, P.Trảng Dài có hàng trăm ngàn dân nhưng chưa đầy 30 cán bộ, công chức nên cán bộ, công chức của phường luôn phải chịu áp lực công việc quá lớn. Chỉ tính riêng xác nhận hồ sơ cho con em trong phường đi học, đi làm nơi này, nơi kia đã chiếm hết thời gian trong ngày của cán bộ, công chức. Rồi thủ tục hành chính đã được niêm yết và hướng dẫn cụ thể nhưng nhiều người khi thực hiện các thủ tục này vẫn hỏi đi hỏi lại khiến cán bộ, công chức phải tốn nhiều thời gian giải thích…

P.Trảng Dài hiện có 128 ngàn dân với 11 khu phố. Số dân ở mỗi khu phố trung bình hơn 10 ngàn người, nhiều hơn số dân của một phường, xã khác.

Theo lãnh đạo UBND P.Trảng Dài, dân số của phường được chia làm 11 khu phố, trong đó có 3 khu phố khoảng 20 ngàn dân/khu phố, các khu phố còn lại cũng khoảng 10 ngàn dân/khu phố.

Do hiện nay chỉ tiêu biên chế vẫn được phân bổ theo kiểu “cào bằng” nên dù Trảng Dài có dân số đông gấp nhiều lần nơi khác nhưng theo quy định của Trung ương, phường loại 1 chỉ tối đa 23 cán bộ, công chức. Song, hiện Trảng Dài được phân bổ 26 cán bộ, công chức. Tuy nhiên không phải lúc nào ở Trảng Dài cũng đủ 26 người làm việc, vì đội ngũ cán bộ, công chức phường thường xuyên có sự thay đổi do yêu cầu của công việc.

Phải tách phường

Thông tin thêm về những khó khăn của địa phương, Bí thư Đảng ủy P.Trảng Dài Tạ Khắc Tiệp cho hay, dân số ở Trảng Dài bằng với dân số của nhiều huyện khác và số đảng viên của phường cũng gần 2 ngàn người, gần bằng số đảng viên ở một số huyện khác trong tỉnh. Trong khi ở huyện có đầy đủ bộ máy ban, ngành với hàng trăm cán bộ, công chức; còn ở Trảng Dài không có cơ chế, chính sách đặc thù nên với 26 cán bộ, công chức mà phải “gánh” việc cho hàng trăm ngàn dân thì rất khó khăn.

Cán bộ, công chức  P.Trảng Dài giải quyết thủ tục hành chính cho dân
Cán bộ, công chức P.Trảng Dài giải quyết thủ tục hành chính cho dân

Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh cho biết, để đáp ứng yêu cầu công việc, Ban thường vụ Thành ủy thường xuyên củng cố, kiện toàn lãnh đạo các đơn vị trực thuộc thành phố, trong đó có P.Trảng Dài. Theo đó, bí thư Đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch UBND cũng như kế toán của phường đều là cán bộ, công chức mới được thành ủy điều động về công tác tại phường.

Tới đây, Thành ủy cũng sẽ xem xét tính đến phương án chia tách P.Trảng Dài, nếu để như hiện nay thì không cách nào quản lý được.

Song song với chia tách P.Trảng Dài thì cũng phải tách khu phố, một khu phố của P.Trảng Dài có số dân hơn nhiều phường, xã khác. Tỉnh đang thực hiện chủ trương bí thư chi bộ ấp, khu phố đồng thời là trưởng ấp, khu phố. Chủ trương này phù hợp với những nơi dân số ít, còn ở Trảng Dài sẽ phải tách bí thư và trưởng khu phố riêng. Khi có con người thì mới đảm bảo việc triển khai nhiệm vụ xuống từng người dân được.

Vừa qua, khi làm việc với lãnh đạo P.Trảng Dài, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh ghi nhận, thời gian qua với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức P.Trảng Dài và sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Ban thường vụ Thành ủy Biên Hòa nên tình hình kinh tế - xã hội và nhiều mặt công tác khác của phường cơ bản đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, suốt một quá trình, địa phương đã phát triển “nóng”, công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp nhu cầu của xã hội, tất yếu xảy ra những hạn chế, bất cập. Trong đó như ở Trảng Dài, chưa làm quy hoạch đã xây dựng nhà cửa, công trình rất nhiều dẫn đến mất kiểm soát. Nay đã lỡ rơi vào tình trạng này phải tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Giải pháp là phải quy hoạch lại phường; không làm quy hoạch, dứt khoát không thể phát triển bền vững.

Đồng thời để địa phương phát triển ổn định, phải quan tâm công tác cán bộ. Nơi nào địa bàn phức tạp mà công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền có hiệu quả thì đội ngũ cán bộ ở đó mới thực sự có năng lực. Do đó, muốn đánh giá cán bộ đúng, phải đưa vào nơi khó để thử sức cán bộ.

Phương Hằng

Bài 2: Chuyện trường, trạm ở “siêu phường”

Tin xem nhiều