Báo Đồng Nai điện tử
En

Cử tri gửi gắm kỳ vọng vào các dự án luật

07:10, 04/10/2022

Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.

Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.

Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: H.Thảo
Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: H.Thảo

Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, đây là kỳ họp có khối lượng dự án luật được xem xét nhiều nhất so với các kỳ họp trước đó. Đặc biệt là còn có nhiều luật liên quan trực tiếp đến cơ sở, người dân, được cử tri rất quan tâm và nêu nhiều ý kiến đóng góp.

* Nhiều luật liên quan trực tiếp đến người dân

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội cho biết, nổi bật trong 7 dự án luật sẽ được thông qua phải kể đến là dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, bởi đây là luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến 3 lần, đưa ra thảo luận tại hội nghị ĐBQH chuyên trách. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp đóng góp cho dự án luật này.

Bày tỏ phấn khởi khi biết luật sẽ được xem xét thông qua, cử tri Tạ Đình Trung (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho rằng, đây là dự án luật thể hiện rất rõ bản chất dân chủ, lấy người dân làm trung tâm của Đảng và Nhà nước ta. Là một cử tri, cũng là cán bộ Mặt trận ở cơ sở, theo ông Trung, thời gian qua, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chưa thật sự hiệu quả. “Tôi mong Luật Thực hiện dân chủ cơ sở được ban hành tới đây sẽ có quy định chặt chẽ, rõ ràng để Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thật sự phát huy quyền làm chủ của dân” - cử tri Trung nói.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 và bế mạc vào ngày 18-11. Cùng với nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp nói trên, Quốc hội cũng sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Theo các ĐBQH tỉnh, một trong những dự án luật khác được xem xét thông qua tại kỳ họp này cũng rất sát với cử tri và người dân là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Các ĐBQH cho rằng, đây là dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19, hệ thống y tế đang có rất nhiều vấn đề, đặc biệt là trong công tác khám, chữa bệnh ở cấp cơ sở. Dự án luật sẽ hướng tới mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cũng là dự án luật gần gũi với từng gia đình, người dân, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chuẩn bị được xem xét thông qua nhận được nhiều kỳ vọng của cử tri. Dẫn một số vụ việc cụ thể liên quan đến bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, cử tri Nguyễn Hoàng Vĩnh (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng về sự suy thoái đạo đức đang diễn ra.

“Tôi cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được ban hành là rất cần thiết; đồng thời, cần sớm được ban hành, bám sát diễn biến thực tiễn cuộc sống và có quy định cụ thể, rõ ràng để góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Vĩnh nói.

* Mong sớm ban hành Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngoài 7 dự án luật nói trên, kỳ họp này Quốc hội xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật khác.

Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, trong 7 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới, có những luật được Quốc hội đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ này. Đặc biệt trong đó phải kể đến là Luật Đất đai (sửa đổi). “Đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến từng địa phương, từng cấp chính quyền, từng người dân, có nhiều nội dung mới, mang lại tác động lớn, nhất là đối với các địa phương đặc thù về đất đai như Đồng Nai” - đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Tại buổi tiếp xúc giữa cử tri với ĐBQH mới đây, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của cử tri liên quan đến lĩnh vực đất đai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chia sẻ: “Với vai trò lãnh đạo tỉnh, đồng thời cũng là một cử tri, tôi mong muốn Quốc hội sớm xem xét nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai cũng như các luật có liên quan. Qua đó, tạo được sự đồng bộ, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; tránh tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư…”.

Nhấn mạnh tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho biết các ĐBQH tỉnh luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu và sẽ tích cực đưa tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri Đồng Nai đến với nghị trường Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều