Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý tài sản tạo lập được khi sống chung không đăng ký kết hôn

07:11, 22/11/2022

Nhiều người chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn nhưng trong quá trình chung sống có tài sản chung. Đến khi "đường ai nấy đi" lại gặp vướng mắc trong phân chia tài sản.

Nhiều người chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn nhưng trong quá trình chung sống có tài sản chung. Đến khi “đường ai nấy đi” lại gặp vướng mắc trong phân chia tài sản.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa, bìa phải) tư vấn cho người dân về quyền tài sản đồng sở hữu, tài sản riêng của cá nhân
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa, bìa phải) tư vấn cho người dân về quyền tài sản đồng sở hữu, tài sản riêng của cá nhân. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, pháp luật không công nhận vợ chồng khi nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn, nhưng tài sản được tạo lập chung trong giai đoạn chung sống vẫn phải chia theo công sức đóng góp của từng người.

* Vợ bỏ đi có cần gọi về chia tài sản?

Ông N.V.K. (70 tuổi, ngụ xã Núi Tượng, H.Tân Phú) trình bày, ông và bà L.T.L. lấy nhau vào năm 1986, nhưng không có đăng ký kết hôn. Trong quá trình chung sống, vợ chồng ông có 1 con trai (nay đã 36 tuổi) và 5 sào đất rẫy đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đứng tên ông.

Năm 2000, do vợ chồng bất hòa nên bà L. bỏ ông và con đi nơi khác làm ăn. Nay ông muốn tặng cho con trai số đất trên, ông băn khoăn không biết có cần tìm gặp bà L. để ký giấy cho tài sản?

Thắc mắc của ông K. được luật sư Thanh trả lời như sau, ông và bà L. lấy nhau vào năm 1986 không có đăng ký kết hôn, nhưng pháp luật vẫn công nhận đó là hôn nhân hợp pháp như những cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn khác. Trong quá trình chung sống, cả 2 có tài sản chung là 5 sào đất mà số đất đó được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ do ông là người đại diện đứng tên nên bà L. vẫn có quyền đầy đủ về phần đất này.

Luật sư VŨ VĂN TĂNG (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng, không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của họ được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bởi theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3-1-2021 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Tư pháp, trường hợp nam và nữ mặc dù không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn nhưng lại sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987, quan hệ của họ vẫn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng ngay từ thời điểm họ chung sống với nhau.

Đồng thời, 5 sào đất đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng xác lập, tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, nếu ông muốn làm thủ tục tặng cho con trai thì bắt buộc phải được bà L. đồng ý, chứ ông không được quyền tự quyết định. Hoặc ông có quyền yêu cầu tòa án xử ly hôn, chia tài sản chung, sau đó tặng cho con trai phần tài sản của mình sau khi chia.

“Do đó, muốn thực hiện việc tặng cho con trai thửa đất trên đúng pháp luật, ông phải tìm gặp và hỏi ý kiến bà L. Khi được bà L. đồng ý bằng việc ký xác nhận vào hợp đồng tặng cho QSDĐ thì con trai ông mới làm thủ tục sang tên được” - luật sư Thanh lưu ý thêm.

* Xác định tài sản chung và riêng

Trong quá trình lao động, ông T.C.B. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) dành dụm được số tiền trên 300 triệu đồng gửi tiết kiệm. Năm 2016, ông và bà T.T.N. (quê tỉnh Trà Vinh) về sống chung như vợ chồng (khi cả 2 đã ly hôn vợ, ly hôn chồng). Quá trình sống chung, cả 2 người mua được căn nhà cấp 4 cũ, tọa lạc trên diện tích 300m2 tại KP.11, P.Trảng Dài và đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Cuối tháng 10-2022, bà N. phát hiện ông B. có sổ tiết kiệm riêng nên yêu cầu ông rút ra để sửa nhà. Ông B. không đồng ý thì bà N. đòi chia tay, về quê ở với con riêng.

“Bà N. nói tôi ích kỷ, không muốn gắn bó nên yêu cầu chia tay. Việc chia đôi phần nhà đất như vậy có đúng không?” - ông B. hỏi.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Bên Hòa) giải đáp, thời điểm năm 2016, ông bà chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn nên theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc chung sống này không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng. Do đó, ông bà không bị ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống cả 2 có tài sản đồng sở hữu là nhà đất nên mỗi bên đều có quyền ngang nhau. Vì vậy, việc bà N. yêu cầu ông bán nhà và đất chia đôi khi chia tay là đúng pháp luật.

“Do ông bà không phải là vợ chồng nên quan hệ tài sản của đôi bên được xác định khi phát sinh tranh chấp là giữa cá nhân này với cá nhân kia. Đồng thời, bà N. không có quyền ép buộc ông rút tiền tiết kiệm để sửa chữa nhà đồng sở hữu của 2 người” - luật gia Phạm Đình Đức giải thích.

Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, pháp luật về dân sự cho phép cá nhân được dùng tài sản riêng hợp pháp của mình tặng cho bất kỳ ai. Còn pháp luật về hôn nhân và gia đình thì cho phép vợ hoặc chồng dùng tài sản riêng của mình sáp nhập vào khối tài sản chung hoặc tặng riêng vợ hoặc chồng để vợ hoặc chồng làm tài sản riêng.

“Do ông B. và bà N. không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp nên cả 2 dù có tạo lập được tài sản trong quá trình chung sống, pháp luật vẫn xem đó là tài sản đồng sở hữu giữa 2 cá nhân. Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp thì cả 2 có quyền tự thỏa thuận phân chia hoặc yêu cầu tòa án phân chia theo pháp luật về dân sự” - luật gia Đức giải thích thêm.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều