Báo Đồng Nai điện tử
En

Vi phạm về phòng cháy, chữa cháy: Không để "đánh trống bỏ dùi"

07:09, 12/09/2022

Cảm thấy bàng hoàng, xót xa… là tâm trạng chung của nhiều người theo dõi các thông tin liên quan đến vụ cháy quán karaoke An Phú tại TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) vào tối 6-9 khiến 32 người thiệt mạng.

Cảm thấy bàng hoàng, xót xa… là tâm trạng chung của nhiều người theo dõi các thông tin liên quan đến vụ cháy quán karaoke An Phú tại TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) vào tối 6-9 khiến 32 người thiệt mạng.

Công an TP.Biên Hòa kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Võ Thị Sáu vào khuya 7-9. Ảnh: Đăng Tùng
Công an TP.Biên Hòa kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Võ Thị Sáu vào khuya 7-9. Ảnh: Đăng Tùng

Chia sẻ với Báo Đồng Nai nhiều bạn đọc (BĐ) nhận định đây là một “thảm họa” đau lòng và cũng là hồi chuông cảnh báo về công tác giám sát, quản lý, vận hành quán karaoke hiện nay. Cơ quan chức năng cần sớm xác định nguyên nhân và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.

* Còn lơ là phòng cháy

Ngay khi vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương xảy ra, lực lượng chức năng tại Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra bất ngờ công tác PCCC tại các quán karaoke đang hoạt động trong toàn tỉnh. Kết quả phát hiện lập biên bản xử lý 47/115 cơ sở vi phạm quy định an toàn PCCC.

“Tỷ lệ vi phạm gần 41% là con số không nhỏ cho thấy việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke chưa được quan tâm đúng mức. Sự dễ dãi trong công tác PCCC là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường” - BĐ Lê Văn Trung (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, BĐ Nguyễn Xuân Hoàng (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Theo dõi các thông tin liên quan đến diễn biến các vụ cháy xảy ra trong thời gian gần đây như vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội làm 3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy hy sinh ngày 1-8-2022; hay mới nhất là vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương với hàng chục người thương vong tôi thấy rất đau lòng”. “Đây chính là hồi chuông cảnh báo về công tác giám sát, quản lý, vận hành quán karaoke hiện nay. Cơ quan chức năng cần sớm xác định nguyên nhân và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả” - ông Hoàng kiến nghị.

Hiện nay, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động PCCC ở các cơ sở kinh doanh karaoke đã cơ bản đầy đủ, trong đó có quy định rõ phải có hệ thống thoát hiểm, PCCC... thế nhưng theo kết quả kiểm tra mới đây của lực lượng chức năng cho thấy, một số cơ sở ở Đồng Nai có cửa thoát nạn, lối thoát nạn… không đủ kích thước, số lượng theo quy định của pháp luật; không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ theo quy định… Đáng nói, một số quán đi vào hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định.

“Trong khi nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ở các quán bar, vũ trường, karaoke khá cao vì đặc thù của các cơ sở này đều có kết cấu không gian kín, bố trí nhiều thiết bị điện công suất lớn dễ dẫn tới chập điện, quá tải điện; trang trí bằng nhiều vật liệu dễ bắt lửa… Nếu thiết kế không đảm bảo an toàn về PCCC như trên rất dễ xảy ra hỏa hoạn” - BĐ Nguyễn Văn Long (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) lo lắng nói.

Một số ý kiến nhận định, nguy cơ cháy không chỉ xuất phát từ sự lơ là của chủ cơ sở trong thực hiện các tiêu chuẩn quy định về thực hiện đúng các tiêu chuẩn quy định của cơ quan chức năng về an toàn PCCC mà một phần xuất phát từ sự chủ quan của khách khi đến hát tại các quán karaoke. Thực tế nhiều phòng karaoke có ghi bản cấm hút thuốc nhưng nhiều khách vẫn hút trong phòng làm gia tăng nguy cơ hỏa hoạn vì trong phòng hát có nhiều vật liệu rất dễ bắt lửa.

Trong khi đó, không phải khách nào cũng có kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra…, cộng với việc thiếu quan sát dẫn đến không biết các lối thoát nạn ở đâu khi có sự cố nên không thể xử lý kịp thời, an toàn cho chính bản thân mình khi “bà hỏa” viếng thăm bất ngờ.

* Rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm

BĐ bày tỏ sự đồng tình với chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh về việc giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các điều kiện kinh doanh về văn hóa, xây dựng, PCCC và cứu nạn, cứu hộ, an ninh trật tự đối với 100% cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường hoàn thành trước ngày 15-9. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu trên địa bàn quản lý còn tồn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường... không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không bị xử lý và vẫn hoạt động kinh doanh.

“Các cơ quan chức năng phải rà soát lại ngay tại địa bàn mình để kiểm tra, đánh giá lại, xem đơn vị nào không đủ tiêu chuẩn phải đóng cửa ngay bởi đây là mạng sống của con người, tài sản của người dân” - BĐ Võ Thành Lương (xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) đề xuất.

Theo ông Lương, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, với các điều kiện nghiêm ngặt, mức độ an toàn về cháy đối với hoạt động karaoke, vũ trường vì có như vậy mới hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ. Khi phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý, thu hồi giấy phép kinh doanh, tuyệt đối không du di trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Không chỉ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, BĐ Ngô Thanh Sang (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đề xuất: “Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu bảo kê, bao che hoặc dung túng cho các cơ sở vi phạm cần xử lý nghiêm theo pháp luật, không chờ xảy ra hậu quả mới vào cuộc xử lý” - ông Sang đề xuất.

Để không xảy ra những sự việc đau lòng như trên, một số BĐ cho rằng, công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường nên được cơ quan chức năng tiến hành thường xuyên chứ không phải chỉ thực hiện sau mỗi vụ hỏa hoạn chết người, không nên “đánh trống bỏ dùi” rồi một thời gian lại lơ là.

Kim Liễu

Tin xem nhiều