Báo Đồng Nai điện tử
En

Trừng phạt thích đáng kẻ xâm hại, bạo hành trẻ em

07:08, 25/08/2022

Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em ở mức nghiêm trọng bị phát hiện và xử lý tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến dư luận rất bức xúc. Nhiều ý kiến đề nghị cần có biện pháp xử lý thích đáng đối với hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em ở mức nghiêm trọng bị phát hiện và xử lý tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến dư luận rất bức xúc. Nhiều ý kiến đề nghị cần có biện pháp xử lý thích đáng đối với hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Bảo vệ trẻ em tránh xa những hành vi bạo hành, xâm hại và lời nói gây tổn thương. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh
Bảo vệ trẻ em tránh xa những hành vi bạo hành, xâm hại và lời nói gây tổn thương. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh

Điều đáng nói, thủ phạm bạo hành các em lại là người thân trong gia đình, thậm chí là cha mẹ ruột. Không chỉ bạo hành thể chất bằng những hành động man rợ mà còn có những lời nói gây hại, làm tổn thương tinh thần, cản trở sự phát triển bình thường của trẻ, thậm chí tước đi mạng sống của trẻ…

* Công tác bảo vệ trẻ em cần được quan tâm hơn

Qua báo chí cũng như mạng xã hội, gần đây dư luận rất bức xúc về những vụ việc trẻ bị chính những người thân, người quen bạo hành bằng những hành vi hết sức man rợ. Cụ thể như trường hợp bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị người tình của cha hành hạ kéo dài và tử vong ngày 22-12-2021; bé Đ.N.A. 3 tuổi ở TP.Hà Nội bị người tình của mẹ đóng 10 cây đinh vào đầu gây tử vong ngày 12-3-2022; hay gần nhất là vụ bé  trai 3 tuổi ở tỉnh Hà Nam bị người bán trà sữa đánh đập, thắt cổ rồi cho bé vào tủ cấp đông suýt tử vong…

Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022 đã tăng mức phạt tiền lên từ 10-20 triệu đồng cho các hành vi bạo lực với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em…

Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi những hành vi mất nhân tính ấy diễn ra với người không có khả năng tự vệ, ngay chính trong căn nhà trẻ đang sống; còn kẻ thủ ác lại là những người ruột thịt, thân thiết, quen biết với trẻ và gia đình. Điều đó cho thấy, ngay khi ở trong nhà và sống bên người thân, trẻ vẫn chưa thực sự được an toàn.

Trước thực trạng đáng báo động này, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung vừa có Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 17-8-2022 gửi UBND các tỉnh, thành trong cả nước về tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Một số ý kiến cho rằng, đây là chỉ đạo cần thiết để bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành, xâm hại. Trên thực tế, bảo vệ trẻ em là vấn đề được pháp luật và xã hội quan tâm. Hiện có tới 15 cơ quan liên quan đến hoạt động bảo vệ trẻ em, thế nhưng lâu nay tình trạng trẻ bị xâm hại, bạo hành vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại, tính chất bạo hành, xâm hại các em ngày càng trở nên nặng nề hơn. Điều đó cho thấy, đã đến lúc cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn đối với những kẻ bạo hành thể chất, tinh thần trẻ em và cả những người đã che giấu hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em.

* Xử lý nghiêm các vi phạm

Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa), ThS tâm lý học lâm sàng Nguyễn Công Bình  cho biết, trẻ bị xâm hại, bạo hành sẽ để lại nhiều hệ lụy hơn người ta tưởng. Bạo hành không chỉ làm tổn thương thân thể các em mà còn tác động sâu sắc và nặng nề đến tinh thần, có thể dẫn đến những sang chấn tâm lý nặng nề. Ngoài ra, nó khiến trẻ thiếu tự tin trong cuộc sống hoặc sau này luôn có xu hướng sử dụng bạo lực giải quyết vấn đề.

Do đó, giải pháp chính là sự đồng hành của cả xã hội trong công tác phổ biến, tuyên truyền thông tin về phòng, chống bạo lực, bạo hành trong gia đình, trường học nhằm thay đổi nhận thức cho cha mẹ, thầy cô và những người giáo dục trẻ. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp xâm hại, bạo hành trẻ em và cả những người che giấu hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Ngoài ra, chế tài đối với người xâm hại, bạo hành trẻ em đã có, với mức xử lý rất nghiêm khắc, điều quan trọng là việc thực thi sao cho hiệu quả. Điểm c, Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hình phạt cao nhất có thể là chung thân hoặc tử hình đối với những hành động giết người.

Bà Nguyễn Thị Đức (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, qua theo dõi các thông tin liên quan đến các vụ trẻ bị bạo hành dã man, thậm chí bị giết, bà thật sự rất sốc và đau lòng. Bà không thể tin được những người lớn, thậm chí là cha mẹ, người thân ruột thịt lại có hành vi tàn độc như vậy đối các cháu nhỏ. Mong rằng, pháp luật sẽ trừng trị thật nghiêm khắc để răn đe những kẻ ích kỷ, nhẫn tâm, thích sử dụng bạo lực trong xử sự với con trẻ.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh NGUYỄN THỊ KIỀU OANH: Trẻ bị xâm hại, bạo hành, nỗi đau không chỉ của người trong cuộc

Bản thân tôi cũng rất đau lòng khi nghe thông tin trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Sở LĐ-TBXH thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ trẻ em ở các huyện, thành phố, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp về phòng, chống bạo hành, xâm hại trẻ em; phối hợp với một số sở, ngành liên quan để tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em; đồng thời, hỗ trợ và kịp thời can thiệp khi có trẻ bị xâm hại, bạo hành.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Cần trang bị kỹ năng ứng phó, phòng chống nạn bạo hành cho trẻ

Có thể thấy một thực trạng đáng lo ngại về sự thiếu năng lực và kỹ năng ứng phó khi bị xâm hại và bạo hành của trẻ em hiện nay. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ, mọi hành vi bạo lực phải bị lên án và tích cực loại bỏ. Do đó, trẻ em phải được hướng dẫn cách gửi thông tin cho những người, những cơ quan chức năng khi có nguy cơ hoặc bị xâm hại, bạo hành, chẳng hạn qua Tổng đài 111. Hiện nay, công tác trang bị kỹ năng và hướng dẫn cách thức để trẻ chống lại các hình thức bạo lực cũng được tổ chức thường xuyên hơn trong các trường. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự đủ để giúp các em ứng phó khi lâm vào nguy cơ hay khi đã bị xâm hại, bạo hành. Điều này cần phải được đưa vào chương trình học một cách xuyên suốt ngay từ bậc học mầm non.

Phương Liễu

Tin xem nhiều