Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo lắng về bệnh hoại tử xương sọ, xương hàm

08:07, 20/07/2022

Gần đây xuất hiện nhiều ca bệnh bị nấm cơ hội gây hoại tử xương sọ, xương hàm rất nặng nề, phải phẫu thuật, điều trị tích cực tại những bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Gần đây xuất hiện nhiều ca bệnh bị nấm cơ hội gây hoại tử xương sọ, xương hàm rất nặng nề, phải phẫu thuật, điều trị tích cực tại những bệnh viện lớn ở TP.HCM. Tuy chưa có kết luận chính xác tổn thương trên là do biến chứng của hậu Covid-19, nhưng ghi nhận tất cả những bệnh nhân bị bệnh này đều là người đã từng nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám tầm soát sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19 cho một bệnh nhân. Ảnh: Phương Liễu
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám tầm soát sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19 cho một bệnh nhân. Ảnh: Phương Liễu

Đợt dịch Covid-19 nặng nề nhất đi qua, song đã để lại nhiều hệ lụy cho những người từng nhiễm Covid-19 khiến người dân đang rất lo lắng về hậu quả của nó. Đặc biệt là các biến chứng nguy hiểm.

* Người từng nhiễm Covid-19 lo lắng

Chị Trần Ngọc Thương (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có cô ruột là bà T.L.A. (53 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đang điều trị tình trạng hoại tử xương hàm ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) kể, bà A. bị Covid-19 vào tháng 11-2021. Mới đây, bà bị đau răng, sưng mặt nên vào một bệnh viện điều trị nha khoa. Sau đó, răng bớt đau nhưng mặt vẫn còn sưng. Bà được giới thiệu sang chuyên khoa tai mũi họng phẫu thuật viêm xoang rồi tiếp tục điều trị áp xe hàm, nhưng vẫn không khỏi. Kết quả chụp CT ghi nhận xương bị hoại tử nên bà A. được giới thiệu chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để phẫu thuật.

Một kết quả khảo sát đánh giá tình trạng hậu Covid-19 đối với người lao động trẻ do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa công bố cho thấy, có đến 68% “cựu F0” còn tồn tại triệu chứng hậu Covid-19 sau 2-5 tháng, 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 nhiều hơn 5 tháng và gần 5% vẫn còn những triệu chứng sau 10-12 tháng.

“Ban đầu gia đình cứ nghĩ bệnh đơn giản, đến lúc được các bác sĩ giải thích mới biết đây là bệnh lạ và hiếm gặp. Tất nhiên, các bác sĩ cũng chưa khẳng định đó có phải biến chứng nặng của hậu Covid-19 hay không. Hiện cơ quan chuyên môn vẫn đang tiếp tục theo dõi để có kết luận chính xác. Song, gia đình tôi rất lo lắng vì ai cũng đã từng nhiễm Covid-19, thậm chí có người nhiễm 2-3 lần” - chị Thương cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hoài (52 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây, do không tin vào hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 nên bà từ chối tiêm. Khi bị nhiễm Covid-19, sức khỏe của bà đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy sống sót sau đợt điều trị tích cực ở bệnh viện dã chiến trở về nhưng đến nay các triệu chứng hậu Covid-19 khiến bà rất mệt mỏi.

Theo bà Hoài, tình trạng khó thở đến nay vẫn còn đeo đẳng. Thời gian trước khi nhiễm Covid-19, bà tập thể dục ở nhà khoảng 1 giờ/ngày thì nay chỉ tập được 30 phút/ngày là mệt thở không nổi. Làm việc cũng phải liên tục nghỉ tay để thở. Tóc bà trước đó khá dày, sau thời gian nhiễm, mỗi khi ngủ dậy, tóc rụng rất nhiều trên gối. Điều đáng nói là chứng hậu Covid-19 đã khiến chân tóc của bà bị teo nên dù đã cạo trọc, tóc chỉ mọc lưa thưa vài sợi. Hiện bà Hoài đang khá lo lắng khi thấy các triệu chứng nhức đầu, mỏi hàm, răng lung lay.

“Đọc các thông tin về các ca hoại tử xương sọ, xương hàm nghi là biến chứng của Covid-19 tôi rất lo lắng. Người thân đang khuyên tôi nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy để khám” - bà Hoài cho biết.

Theo một kỹ thuật viên công tác tại một bệnh viện tuyến tỉnh, thời gian gần đây có nhiều người từng bị nhiễm Covid-19 đến bệnh viện yêu cầu được chụp CT hoặc MRI để xem xương sọ, xương hàm của mình có vấn đề không, vì lo sợ bị tình trạng hoại tử xương sọ, xương hàm.

* “Cựu F0” cần bình tĩnh

Theo khảo sát của Bộ Y tế, những người đã từng bị  F0 thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu Covid-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ…) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở). Tuy nhiên, bệnh hoại tử xương sọ và xương hàm mặt có phải là biến chứng của hậu Covid-19 hay không thì chưa thể kết luận.

Mới đây, khi trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, BS CKII Nguyễn Trung Cấp cho biết, thời gian gần đây, các bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận hơn trăm trường hợp bệnh nhân được mô tả có tình trạng nhiễm nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng hoại tử xương sọ, xương hàm. Nguyên nhân có phải do Covid-19 hay không thì chưa thể xác định.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, hiện có giả thuyết cho rằng đây là một biến chứng hậu Covid-19, bởi tất cả những bệnh nhân bị bệnh này đều là người đã từng mắc Covid-19. Về lý thuyết, Covid-19 gây rối loạn miễn dịch của cơ thể. Với một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng, giai đoạn sau Covid-19 có thể nhiễm vi khuẩn hoặc nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến nặng hơn.

Giải thích vì sao có giả thuyết bệnh liên quan đến hậu Covid-19, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, vì trong khối xương có chứa nhiều mạch máu li ti để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào xương. Hoại tử xương thường do nguyên nhân là tắc nghẽn các mạch máu này dẫn đến các tế bào xương chết đi, làm cho mô bị hoại tử. Trong khi đó, các nghiên cứu về hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu Covid-19, giới chuyên môn cũng thấy rằng, nguyên nhân chính có thể là do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu.

Trao đổi về vấn đề nêu trên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TS-BS Trần Minh Hòa cho biết, từ những thông tin của Bộ Y tế cũng như từ các bệnh viện tuyến trên, chưa đủ bằng chứng để khẳng định tình trạng hoại tử xương này có liên quan đến hậu Covid-19 hay không.

Thông tin từ Sở Y tế, hiện trên địa bàn tỉnh cũng chưa xuất hiện ca hoại tử xương sọ, xương hàm nào. Việc cần làm hiện nay là mỗi người dân cũng như các “cựu F0” nên bình tĩnh và phòng bệnh tốt, tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, định kỳ. Đặc biệt là tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần; bởi khám định kỳ sẽ phát hiện bệnh sớm và kết quả điều trị khả quan hơn.

“Người dân cần nhận biết sớm và đi khám kịp thời khi thấy các triệu chứng đau nhức xương vùng mặt, chảy mủ từ xương má, hàm, tổn thương răng và lợi. Không nên quá hoang mang, lo lắng đổ xô đi tầm soát xương sọ, xương hàm bằng chụp MRI hoặc CT gây tốn kém không cần thiết, bởi tỷ lệ bệnh xảy ra rất thấp” - BS Trần Minh Hòa khuyến cáo.

Theo PGS-TS-BS TRẦN MINH TRƯỜNG, Chủ tịch Hội Phẫu thuật đầu cổ TP.HCM (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy), cốt tủy viêm xương là bệnh lý hiếm gặp nên việc chẩn đoán bệnh rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác như: viêm xoang, bệnh lý về mắt hoặc các bệnh lý răng hàm mặt khác. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị về bệnh lý này nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, ngay cả khi đã chẩn đoán đúng bệnh.

Phương Liễu

Tin xem nhiều