Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh tâm lý 'trước sau gì cũng mắc Covid-19'

10:03, 06/03/2022

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, theo thống kê của Bộ Y tế số ca mắc mới Covid-19 trung bình tuần qua trên cả nước là hơn 100 ngàn ca/ngày, tại Đồng Nai số ca nhiễm mới cũng có chiều hướng tăng mạnh, chủ yếu là biến chủng Omicron. Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay nhiều người chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, theo thống kê của Bộ Y tế số ca mắc mới Covid-19 trung bình tuần qua trên cả nước là hơn 100 ngàn ca/ngày, tại Đồng Nai số ca nhiễm mới cũng có chiều hướng tăng mạnh, chủ yếu là biến chủng Omicron. Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay nhiều người chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.

Tổ công tác của UBND P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) kiểm tra, nhắc nhở công tác phòng, chống dịch tại một tiệm game trên địa bàn phường. Ảnh: Kim Liễu
Tổ công tác của UBND P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) kiểm tra, nhắc nhở công tác phòng, chống dịch tại một tiệm game trên địa bàn phường. Ảnh: Kim Liễu

Trước thực trạng không ít người có tâm lý buông lỏng việc phòng dịch bởi suy nghĩ "trước sau gì cũng mắc Covid-19" hay “đã tiêm đủ vaccine bệnh sẽ không đáng lo ngại”, nhiều bạn đọc (BĐ) đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền cảnh báo về quan điểm chủ quan này; đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh, đơn vị… không chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

* Phải chi đừng chủ quan…

Từng suy nghĩ trước sau gì cũng trở thành bệnh nhân Covid-19, nên chị H. (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) đã tham gia các buổi họp mặt, tụ tập cùng bạn bè và tất nhiên trong lúc ăn, uống tiếp xúc chung mọi người đều không đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... Hậu quả là sau Tết Nguyên đán 2022 chị H. bị nhiễm Covid-19, với đủ các triệu chứng sốt cao, khó thở, mệt mỏi…

“Đến nay, dù đã test kết quả âm tính với Covid-19 nhưng sức khỏe tôi vẫn chưa hồi phục như trước. Khi đến bệnh viện khám, tôi gặp rất nhiều trường hợp đến khám, điều trị di chứng liên quan đến tim, phổi và sang chấn tâm lý sau bệnh Covid-19 giống tôi. Không biết bao giờ sức khỏe mới phục hồi được như trước, phải chi tôi đừng chủ quan thì đâu đến nỗi” - chị H. bày tỏ tiếc nuối.

Giống như chị H., nhiều BĐ chia sẻ, khi bị nhiễm Covid-19 dù không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ hay nặng cũng từng gặp phải "hội chứng Covid-19 kéo dài" hoặc "hội chứng hậu Covid-19" với nhiều tác động xấu đến sức khỏe như: rụng tóc, khó thở, bị hụt hơi, thường xuyên đau đầu, mệt mỏi… Ngoài ra, khi nhiễm bệnh phải tốn thời gian cách ly điều trị, làm gián đoạn công việc của bản thân và tập thể.

“Dù hiện nay việc tiêm ngừa vaccine đã được bao phủ diện rộng, nhưng dù có tiêm đủ 3 liều rồi thì người mắc cũng có thể lây lan cho người khác khi tiếp xúc. Lo nhất là những người bị nhiễm thuộc diện có bệnh nền, người già, người suy giảm miễn dịch... thì khả năng bệnh chuyển nặng, thậm chí là tử vong sẽ rất lớn. Vì vậy, mọi người phải nâng cao ý thức phòng dịch không được chủ quan” - ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) bộc bạch.

Theo ông Tiến, báo chí thời gian gần đây đưa khá nhiều thông tin về tình trạng nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh hậu Covid-19 phải điều trị lâu dài, khiến cho chất lượng cuộc sống giảm sút…Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh Covid-19 bằng việc tuân thủ nguyên tắc 5K ngay cả khi được tiêm phòng đầy đủ vẫn được xem là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện nay nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

* Nâng ý thức phòng dịch, xử lý nghiêm các vi phạm

Trong giai đoạn hiện nay, mọi người không nên quá lo sợ dịch Covid-19, nhưng điều đó không có nghĩa là được phép chủ quan. Quan điểm “trước sau cũng mắc Covid-19” rồi lơ là giải pháp 5K là không đúng, cần nâng cao ý thức phòng dịch để giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình và những người xung quanh. Vì chỉ khi có sức khỏe tốt mọi người mới có thể làm việc hiệu quả và tham gia các hoạt động xã hội khác.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trịnh Minh Quyên (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, cần chấn chỉnh ngay lối suy nghĩ chủ quan, sai lầm xem việc nhiễm Covid-19 là đương nhiên hoặc xem vaccine là “bùa hộ mệnh” đã tiêm đủ 3 mũi rồi thì không lo bệnh. Đây chính là một trong những tác nhân làm gia tăng số ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Đồng Nai trong thời gian gần đây.

“Hiện nay tình trạng chủ quan, lơ là, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định đang diễn ra hằng ngày, rất dễ bắt gặp ở nhiều nơi, nhất là ở một số trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cơ sở kinh doanh vụ quán ăn, nhà hàng, spa, karaoke… việc sát khuẩn tay, khai báo y tế, giữ khoảng cách bị nhiều người “quên” thực hiện và cũng không ai nhắc nhở. Thậm chí không ít người rất vô tư mở khẩu trang khi giao tiếp với nhau. Vì vậy, ngoài tăng cường kiểm tra xử phạt nghiêm việc vi phạm quy định 5K và các biện pháp phòng dịch để răng đe” - bà Quyên kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phú (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) cho rằng, bên cạnh thực hiện kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng chống dịch của người dân, thực hiện nghiêm 5K; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết, tự theo dõi sức khỏe…

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều