Báo Đồng Nai điện tử
En

Có thể bị phạt tù khi không cấp dưỡng nuôi cha mẹ già, nuôi con

09:02, 20/02/2022

Cấp dưỡng nuôi cha mẹ già, nuôi con… được xem là nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện. Thế nhưng nhiều người đã cố tình phớt lờ trách nhiệm này kể cả khi có quyết định của tòa án tuyên về nghĩa vụ phải thực hiện dẫn đến phát sinh các tranh chấp không đáng có.

Cấp dưỡng nuôi cha mẹ già, nuôi con… được xem là nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện. Thế nhưng nhiều người đã cố tình phớt lờ trách nhiệm này kể cả khi có quyết định của tòa án tuyên về nghĩa vụ phải thực hiện dẫn đến phát sinh các tranh chấp không đáng có.

Sau ly hôn các đương sự phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con theo quyết định của tòa án Trong ảnh: TAND TP.Biên Hòa tiến hành hòa giải một cặp vợ chồng làm thủ tục ly hôn. Ảnh minh họa: Tố Tâm
Sau ly hôn các đương sự phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con theo quyết định của tòa án Trong ảnh: TAND TP.Biên Hòa tiến hành hòa giải một cặp vợ chồng làm thủ tục ly hôn. Ảnh minh họa: Tố Tâm

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi vi phạm nêu trên có thể bị chế tài cả về hành chính lẫn hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng…

* “Né” cấp dưỡng nuôi con, nuôi cha mẹ…

Chị T.N.B. (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) trình bày, chị và anh L. (chồng cũ) ly hôn vào năm 2017. Theo phán quyết của tòa án, chị nuôi 2 con (1 tuổi và 11 tuổi) còn anh T. phải có trách nhiệm chu cấp 2 triệu đồng/tháng để phụ chị nuôi con đến khi các cháu tròn 18 tuổi. Thế nhưng từ ngày ly hôn cho đến nay, anh T. thỉnh thoảng có điện thoại thăm con nhưng phớt lờ chuyện cấp dưỡng.

“Gần một năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 công việc gặp khó khăn, một mình không thể xoay xở lo cho con nên tôi có điện thoại đề nghị chồng gửi tiền cấp dưỡng nhưng anh ấy cứ khất hết lần này đến lần khác” - chị T.N.B. kể.

Thực tế có không ít trường hợp người có trách nhiệm đã phớt lờ nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn giống như trường hợp của chị T.N.B. Khi rơi vào hoàn cảnh này, có người sau khi nhiều lần yêu cầu “đối phương” thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng không thành nên đã quyết định tuyệt giao, tự mình gồng gánh nuôi con. Nhưng cũng có nhiều trường hợp yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp. Đơn cử như trường hợp của chị L. (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) đã nhờ cơ quan thi hành án dân sự huyện ra quyết định cưỡng chế thi hành án cấp dưỡng nuôi con đối với chồng cũ là anh T.

“Cơ quan này đã xác minh nơi làm việc và thu nhập của anh T. và yêu cầu khấu trừ lương hằng tháng rồi chuyển cho đơn vị thi hành án. Nhờ vậy mà mỗi tháng, tôi chỉ cần lên thi hành án nhận tiền nuôi con, không phải điện thoại nhắc nhở chuyện tiền bạc vốn tế nhị, tránh phát sinh thêm những mâu thuẫn không đáng có giữa 2 người” - chị L. chia sẻ.

Không chỉ “trốn” cấp dưỡng nuôi con, có trường hợp người có trách nhiệm còn “quên” cấp dưỡng cho cha, mẹ. Điều này không chỉ gây khó khăn về kinh tế mà còn gây buồn lòng không ít đối với đấng sinh thành. Đến Báo Đồng Nai nhờ tư vấn, bà M. (65 tuổi, ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) trình bày, bà làm mẹ đơn thân khá vất vả, bao nhiêu tiền của đều đầu tư lo cho người con trai duy nhất ăn học, mua nhà, mua xe… Đến khi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, con bà đã tự cưới vợ và không hề quan tâm thăm hỏi, chăm sóc bà.

Do dịch bệnh không thể đi làm, cộng với sức khỏe không tốt, thường xuyên ốm đau, bà M. đã chi dùng hết số tiền ít ỏi dành dụm được. Nhiều lần bà liên hệ nhờ giúp đỡ nhưng bị con trai từ chối và cắt liên lạc. Hiện cuộc sống bà M. rất khó khăn, phải đi làm giúp việc nhà để kiếm sống nhưng công việc không ổn định vì thường xuyên bị bệnh đau khớp hoành hành.

* Có thể bị phạt tù đến 2 năm

Đối với các trường hợp trên, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo quy định có thể khởi kiện theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bởi sau khi ly hôn, cha mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Riêng trường hợp bà M. có thể khởi kiện con trai yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ.

“Trong quan hệ giữa con với cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra đối với con đã thành niên và không sống chung với cha, mẹ. Tương tự, điều kiện đối với bên được nhận cấp dưỡng là cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” - luật sư Định nhấn mạnh.

Theo luật sư Định, hơn 20 năm làm nghề luật sư, ông chưa tham gia vụ kiện nào liên quan đến việc cha mẹ yêu cầu con cấp dưỡng. Trường hợp bà M. cũng không ngoại lệ, sau khi nghe luật sư tư vấn các thủ tục pháp lý bà cho biết mình không nỡ kiện con, bà chỉ muốn đến để chia sẻ câu chuyện của mình và chịu đựng sự bất hiếu của con trong tủi hờn, bất lực với quan niệm “nước chảy xuôi”… 

Việc con phải chăm lo cho cha mẹ lúc về già không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình thương, sự hiếu thảo đối với đấng sinh thành.

Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình” có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Nghị định quy định rõ người nào từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu… hoặc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng.

Việc từ chối hoặc trốn tránh cấp dưỡng làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì người từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử lý hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt của tội này là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Kim Liễu

Tin xem nhiều