Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ 'cóc' xuất hiện tràn lan

10:10, 15/10/2021

Từ ngày 9-10, khi nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được mở trở lại, trên nhiều tuyến đường lớn, đường khu dân cư tại TP.Biên Hòa đã phát sinh tình trạng chợ "cóc" tràn lan trên vỉa hè. Hệ lụy kéo theo là cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Từ ngày 9-10, khi nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được mở trở lại, trên nhiều tuyến đường lớn, đường khu dân cư tại TP.Biên Hòa đã phát sinh tình trạng chợ “cóc” tràn lan trên vỉa hè. Hệ lụy kéo theo là cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Người dân mua rau củ, trái cây các loại tại một điểm bán hàng tự phát trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Thảnh
Người dân mua rau củ, trái cây các loại tại một điểm bán hàng tự phát trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Thảnh

* Nhiều điểm buôn bán tự phát ven đường

Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai trong ngày 14-10 tại TP.Biên Hòa, bên cạnh một số con đường thường bị lấn chiếm làm chợ “cóc” như: đường Nguyễn Văn Tiên (P.Tân Phong), Bùi Trọng Nghĩa (P.Trảng Dài), còn có cả những tuyến đường nội thành, đường khu dân cư (vốn không có chợ “cóc”) cũng xuất hiện nhiều điểm buôn bán ven đường. Điển hình như đường Hà Huy Giáp, Cách Mạng Tháng Tám (P.Quyết Thắng), đường N9 (P.Thống Nhất), đường Nguyễn Du (P.Bửu Long), đường Huỳnh Văn Lũy (P.Quang Vinh)… Quy mô các chợ “cóc” trong tuyến đường nội thành, khu dân cư không quá lớn, chỉ khoảng 2-5 sạp do các hộ dân bày bán ven đường.

Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11-10, quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các chợ truyền thống đều được hoạt động với yêu cầu đảm bảo quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ dịch bệnh từ nguy cơ cao, nguy cơ trung bình và bình thường mới. Riêng cấp độ nguy cơ rất cao, sẽ hoạt động hạn chế do UBND cấp tỉnh quy định điều kiện đảm bảo phòng dịch, bao gồm hạn chế người mua bán cùng lúc.

Mặt hàng được bày bán chủ yếu tại các chợ “cóc” này là thực phẩm như: rau củ, thịt, cá các loại, thực phẩm chế biến sẵn. Ban đầu, các gian hàng được sắp xếp ngay trước hiên nhà các hộ dân ven đường. Lâu dần người bán cũng tràn ra vỉa hè (như các điểm bán trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Huỳnh Văn Lũy), thậm chí đẩy xe ra bán giữa đường để tiện cho người mua (trên đường Nguyễn Văn Tiên). Việc này gây ảnh hưởng lớn cho người và phương tiện giao thông đi lại, nhất là vào các cung giờ cao điểm trong ngày (từ 6-8 giờ, 16-18 giờ). Đáng nói, sau mỗi buổi mua bán, dưới vỉa hè, ven đường lại xuất hiện những đống rác là phế phẩm rau củ, thịt cá, bịch ny-lông trông rất nhếch nhác, nhất là các điểm buôn bán nằm rải rác trên đường Bùi Trọng Nghĩa.

Một số hộ dân bán hàng trước hiên nhà cho biết, trước đây họ buôn bán các mặt hàng khác nhưng từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, họ chuyển qua bán rau củ, thịt cá tại nhà, dần dần thành nguồn thu chính. Hiện nay, mặc dù tỉnh đã nới lỏng giãn cách nhưng nhiều chợ ở TP.Biên Hòa chưa hoạt động trở lại nên người dân vẫn ghé mua hàng của họ.

Một số người ghé mua hàng ở những điểm này cho biết, do phần lớn các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa tạm ngừng hoạt động nên việc mua thực phẩm, nhu yếu phẩm chủ yếu ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa. Trong khi đa phần người dân có thói quen đi chợ nên nhiều người vẫn thích mua hàng ở các chợ “cóc” ở gần nhà cho tiện.

Tuy nhiên, các điểm buôn bán tự phát ven đường vừa không đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, vừa không đảm bảo an toàn phòng dịch do tụ tập không đảm bảo giãn cách.

* Cần mở lại chợ truyền thống

Trước thực trạng này, chính quyền một số địa phương cho hay, trong 3 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh (từ ngày 9-7 đến ngày 8-10), việc các hộ dân ven đường bày bán rau củ, thịt cá trong phạm vi nhà riêng được chấp nhận vì đây là mặt hàng thiết yếu. Cơ quan chức năng đi tuần tra cũng liên tục nhắc nhở và xử phạt khi lấn chiếm vỉa hè hoặc tập trung quá số người cho phép, không đảm bảo khoảng cách an toàn.

Tình trạng các chợ “cóc” chỉ xuất hiện từ ngày 9-10 đến nay, khi Đồng Nai nới lỏng giãn cách, mở cửa hoạt động trở lại nhiều loại hình dịch vụ, thương mại. Lực lượng chức năng tại các địa phương có nhắc nhở nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, các hộ dân lại dọn hàng ra buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Do các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa chưa mở cửa hoạt động trở lại nên các địa phương chỉ mới nhắc nhở và yêu cầu các hộ dân cam kết không tái phạm buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chứ chưa tiến hành xử phạt hành chính.

Chủ tịch UBND P.Thống Nhất Đỗ Thị Thùy Trang cho hay, hiện nay cả ban ngày và ban đêm đều có các tổ tuần tra của phường đi khắp các tuyến đường trong phạm vi quản lý để kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, chú trọng xử phạt việc người dân tập trung đông người, hàng quán cho phép khách ngồi ăn uống tại quán. Đồng thời, liên tục nhắc nhở các chủ cơ sở, chủ cửa hàng không bày bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thời gian tới, khi các chợ truyền thống được hoạt động trở lại, lực lượng chức năng sẽ ra quân dọn dẹp, xử phạt nghiêm các vi phạm lấn chiếm vỉa hè làm chợ “cóc”.

Bà Nguyễn Thị Tuyền (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Để dẹp hẳn vấn nạn chợ “cóc”, cơ quan chức năng cần sớm mở lại chợ truyền thống và buộc các điểm buôn bán ven đường không được lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Nếu để tình trạng này kéo dài, lâu dần sẽ hình thành thêm các chợ tự phát. Việc mua bán thành thói quen của người dân sẽ rất khó dẹp triệt để”.

Minh Thành

Tin xem nhiều