Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề cao ý thức tuân thủ pháp luật trong thời dịch

08:09, 09/09/2021

Để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có không ít cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch...

Để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có không ít cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn tiềm ẩn.

Công an P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) phát hiện một nhóm người tụ tập đánh bài trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Khắc Thiết
Công an P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) phát hiện một nhóm người tụ tập đánh bài trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Khắc Thiết

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia) cho rằng, điều này thể hiện ý thức tôn trọng cộng đồng, cũng như tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao.

* Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người dân chưa cao

Theo Công an tỉnh, chỉ tính hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ ngày 9-7 đến 9-8), lực lượng công an trong tỉnh đã xử phạt 13 ngàn trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Các vi phạm phổ biến vẫn là ra đường khi không thực sự cần thiết, vứt khẩu trang không đúng nơi quy định, không đeo khẩu trang… Ngoài ra, vẫn còn không ít người vô tư đi bộ, đạp xe tập thể dục ngoài đường, tụ tập ăn nhậu, đánh bài…

Đến nay, UBND P.Trảng Dài lập đã biên bản vi phạm hành chính hàng chục trường hợp ra đường tập thể dục trong thời gian giãn cách xã hội. Phần lớn những người này ra các trục đường lớn trên địa bàn phường chạy bộ, tập thể dục, thậm chí không đeo khẩu trang. Trước tình trạng đó, người dân đã báo cho lực lượng chức năng của phường đến kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khác thường xảy ra trong thời gian qua là: chống người thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng dịch; làm giả giấy tờ để được đi qua chốt; đăng, chia sẻ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh…

Cụ thể như mới đây, Công an TP.Biên Hòa lập hồ sơ, xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với Nguyễn Minh Tiến (27 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) vì có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về tiêm vaccine phòng Covid-19 trên mạng xã hội.

Trước đó, ngày 1-9, thấy trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về một người bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm, Nguyễn Minh Tiến đã vào trang Facebook này bình luận: “Ở khu 8, chích xong rút kim ra giãy đành đạch”. Sau đó, nhận thấy thông tin không chính xác nên Tiến đã gỡ bỏ bình luận nói trên. Tại cơ quan công an, Tiến đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật và tỏ ra ăn năn, hối lỗi vì đăng tải những thông tin này.

* Cần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật

Luật gia Vòng Khiềng cho rằng, một số nguyên nhân dẫn đến các lỗi vi phạm nói trên là do thiếu ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người vi phạm chưa cao; hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Trong khi những vi phạm này có thể làm dịch bệnh lây lan rộng hơn, công tác truy vết F0 sẽ khó khăn hơn cho cơ quan có thẩm quyền, gánh nặng cho xã hội.

Theo luật gia Vòng Khiềng, để nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch cho người dân, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm Chỉ thị 16 cũng như quy định về phòng dịch. Tùy mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính hoặc hình sự. Nhất là đối với những hành vi vi phạm các quy định phòng dịch, làm lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị xử phạt từ 1-12 năm tù theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để người dân tuân thủ pháp luật qua đó nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch bệnh; trong đó, cần chú ý phân tích thiệt hơn khi vi phạm để người dân hiểu rõ, hạn chế các hành vi vi phạm do lỗi chủ quan, thiếu kiến thức vì hiểu biết pháp luật hạn chế.

“Một khi người dân nhận thức được hậu quả của hành vi mình gây ra thì họ sẽ hình thành ngay ý thức, sự tự giác, tuân thủ chấp hành pháp luật. Chính ý thức, trách nhiệm công dân, tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ tạo thành “lá chắn” vững chắc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới” - luật gia Vòng Khiềng nhấn mạnh.

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng cộng đồng là đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng, chấp hành pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; lối sống văn hóa, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân… Đây là việc rất quan trọng cần được các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa; nhất là đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền sâu rộng kiến thức pháp luật đến người dân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều