Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo các trụ ATM hoạt động thông suốt dịp Tết

10:01, 27/01/2021

Cận Tết Nguyên đán 2021, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị chi trả lương thưởng cho người lao động nên nhu cầu rút tiền tăng đột biến. Tình trạng phải chờ đợi, xếp hàng rút tiền tại các trụ ATM diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.

Cận Tết Nguyên đán 2021, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị chi trả lương thưởng cho người lao động nên nhu cầu rút tiền tăng đột biến. Tình trạng phải chờ đợi, xếp hàng rút tiền tại các trụ ATM diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.

Người dân chen chúc rút tiền tại cụm ATM trước cổng Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa)
Người dân chen chúc rút tiền tại cụm ATM trước cổng Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Theo một số ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa, dù các ngân hàng đã nỗ lực cao nhất trong việc chủ động tiền mặt, bảo đảm giao dịch ATM thông suốt, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán nhưng rất khó đáp ứng tốt cùng lúc khi nhu cầu rút tiền tăng đột biến. Do vậy, các ngân hàng khuyến khích chủ thẻ nên hạn chế rút tiền, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để “điệp khúc” quá tải không tái diễn.

* Nhu cầu rút tiền tăng

Giống như mọi năm, tại các trụ ATM xung quanh khu vực các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… trong những ngày gần đây, lượng người đến giao dịch đã bắt đầu tăng. Do phải hoạt động liên tục nên tình trạng máy ATM bị lỗi kỹ thuật, hết tiền, nghẽn mạng, chờ đợi lâu... gây bức xúc cho khách hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, cụm ATM đặt ngay cổng Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) vào các giờ cao điểm buổi chiều từ 17 giờ 30 đến 19 giờ có khá đông người ra vào thực hiện giao dịch. Thế nhưng, trong 6 máy ATM đặt tại đây có 2 máy hết tiền, một máy bị lỗi không hoạt động.

Nhiều ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai khuyến khích người dân nên sử dụng chức năng thanh toán qua POS của thẻ ATM thay vì dùng tiền mặt. Ngoài ra, có thể ứng dụng các phương tiện thanh toán khác, như: chuyển khoản, internet banking, mobile banking, QR code, các mô hình ví điện tử... thay cho hình thức sử dụng tiền mặt.

Chị Nguyễn Thị Thương (công nhân Khu công nghiệp Amata) cho biết, công ty của chị vừa mới thưởng tết nên chị tranh thủ đi rút tiền liền để tránh tình trạng phải chờ đợi lâu như những năm trước. Thế nhưng, sau 15 phút chờ tới lượt giao dịch thì máy báo hết tiền nên chị phải quay lại xếp hàng chờ tới lượt ở máy ATM khác. Trong khi đó, một vài người đứng sau chị Phương đã không đủ kiên nhẫn chờ nên đã ra lấy xe đến các điểm ATM khác để rút tiền hoặc chấp nhận trả phí cao hơn vài ngàn đồng để rút tiền tại các máy ATM của ngân hàng khác.

“So với dịp gần Tết năm 2020 thì năm nay các trụ ATM ở Khu công nghiệp Long Thành người đến rút tiền ít chen chúc hơn, máy cũng không thấy xảy ra sự cố” - anh Nguyễn Văn Thành, Công ty Changshin Việt Nam (xã Lộc An, H.Long Thành) nhận xét.

Anh Thành chia sẻ, năm nay lương và thưởng tết công ty chuyển làm 2 đợt, đợt nhận lương ngày 23-1 vừa rồi cụm ATM trước công ty anh không bị quá tải. Người giao dịch chỉ chờ khoảng 15 phút là tới lượt vì các ngân hàng đã bổ sung máy ATM. Ngày 29-1, dự kiến công ty của anh và nhiều công ty khác ở Khu công nghiệp Long Thành chi thưởng tết, nên rất mong các ngân hàng có sự chuẩn bị tiền đầy đủ tại các máy ATM, tránh tình trạng hết tiền hoặc máy bị trục trặc kỹ thuật phải chờ đợi lâu.

* Khuyến khích không dùng tiền mặt

Để đảm bảo hoạt động ATM được thông suốt, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền lớn), phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố không để gián đoạn trong hoạt động ATM. Đồng thời, phải bảo đảm đủ tiền mặt, tiếp quỹ, bảo dưỡng thường xuyên cho các máy ATM hoạt động hiệu quả và thông suốt.

Bà Huỳnh Thị Khách Lộc, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai cho biết ngân hàng đã chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết như: bố trí nhân viên trực 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý sự cố phát sinh, không để thiếu tiền và bảo đảm cho hệ thống ATM thông suốt.

Tương tự, Ngân hàng thương mại CP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại CP Công thương Việt Nam (VietinBank)... đã triển khai nhiều phương án phục vụ ATM dịp Tết như: bảo trì và thay thế thiết bị cho các ATM trước đợt chi lương, thưởng tết; trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường; tăng cường tiếp quỹ đến các máy ATM thường xuyên hơn, nhất là tại trụ ATM đặt ở các khu công nghiệp với lượng người lao động đông; tăng cường máy ATM lưu động...

Đại diện một chi nhánh ngân hàng thương mại có đặt máy tại các khu công nghiệp trên địa bàn cho biết, mỗi một máy ATM chứa hạn mức tối đa là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân rút chỉ trong vòng 3 giờ là hết tiền. Để tiếp quỹ cũng cần có thời gian nhất định, với nhiều khâu bảo vệ và bảo mật, cộng với việc vị trí các máy ATM đặt tại các khu công nghiệp nằm xa trụ sở ngân hàng nên mất thời gian di chuyển... nên đôi khi chủ thẻ phải chờ đợi. Vì vậy, các ngân hàng khuyến khích chủ thẻ hạn chế rút tiền, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để tiện lợi hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quốc Bảo cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng của xã hội hiện đại, nó không đơn giản chỉ là một phương thức thanh toán mà đằng sau nó còn là bao nhiêu vấn đề xã hội khác như: chống gian lận thương mại, tiết kiệm chi phí in tiền cho các hoạt động đầu tư phát triển khác, hạn chế được tình trạng quá tải tại các trụ ATM... nhất là trong thời điểm khuyến khích thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống sự lây truyền của dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Kim Liễu

Tin xem nhiều