Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ khắc phục bất cập của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

10:11, 13/11/2020

Sau gần 14 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Để khắc phục những hạn chế này, Quốc hội đang lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (gọi tắt là dự án Luật sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS).

Sau gần 14 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Để khắc phục những hạn chế này, Quốc hội đang lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (gọi tắt là dự án Luật sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS). Trao đồi với phóng viên Báo Đồng Nai xung quanh vấn đề này, ThS-BS Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết:

Ths-BS Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế
Ths-BS Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế

- Luật Phòng, chống HIV/AIDS thực hiện từ năm 2006 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần kéo giảm số người nhiễm mới, số người chuyển sang AIDS, số người tử vong có liên quan đến HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. Tuy nhiên, sau gần 14 năm thực hiện, luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nên cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới,

* Như ông vừa nói, Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện hành đang nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Vậy cụ thể những hạn chế đó là gì?

- Luật Phòng, chống HIV/AIDS đang tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, liên quan đến việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV mới được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, nhưng chưa quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người biết mình nhiễm nhưng vẫn truyền HIV cho người khác. Hoặc quy định người dưới 16 tuổi khi thực hiện xét nghiệm HIV phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ là không phù hợp với thực tiễn vì hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, làm mất cơ hội phát hiện và điều trị sớm HIV.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), toàn tỉnh hiện có khoảng 6 ngàn người nhiễm HIV, trong đó 89,3% bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV. Hiện nay, tình trạng lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục có xu hướng tăng cao, chiếm tỷ lệ lớn so với các đường nhiễm khác. Điều đáng chú ý, đối tượng nhiễm HIV đang trẻ hóa khi nhóm nguy cơ cao chuyển từ độ tuổi 25-49 tuổi sang nhóm 15-24 tuổi. Tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nam giới, đặc biệt là nhóm đối tượng đồng giới nam (MSM).

Cũng theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 quy định, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV sẽ được miễn phí, nhưng Nhà nước lại không bảo đảm đủ nguồn lực. Hoặc phụ nữ mang thai khi sinh hay trước khi mổ bắt con cần được xét nghiệm HIV nhưng lại không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế. 

Ngoài ra, tại Điều 42, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 quy định tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị xử lý hình sự, hành chính khi ở giai đoạn cuối (giai đoạn 4) của bệnh AIDS là không còn phù hợp với thực tế diễn biến bệnh. Bởi trong điều trị bệnh AIDS, với tiến bộ kỹ thuật y tế hiện nay, nhất là khi thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) được triển khai điều trị rất sớm hoặc điều trị ngay cho người được chẩn đoán nhiễm HIV, thì người bệnh có thể chuyển từ giai đoạn AIDS trở lại giai đoạn HIV rất nhanh. Điều này dẫn đến khó xác định thời điểm tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt, hoặc khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định rồi thì sức khỏe đối tượng có thể tiến triển tốt lên giai đoạn 3 hoặc 2...

* Những hạn chế, tồn tại nêu trên có được điều chỉnh tại dự án Luật sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS hay không, thưa ông?

- Dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS đề xuất nhiều quy định mới sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Cụ thể như, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí. Phụ nữ mang thai tham gia BHYT khi xét nghiệm HIV được quỹ  BHYT chi trả. Phụ nữ mang thai chưa tham gia BHYT khi xét nghiệm HIV được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Phụ nữ nhiễm HIV được tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Theo đó, dự thảo tăng 2 nhóm đối tượng được thông báo kết quả nhiễm HIV dương tính là người chuẩn bị kết hôn hoặc người chung sống như vợ chồng với người nhiễm HIV. Đồng thời, dự thảo luật bãi bỏ Điều 42 Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 quy định tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị xử lý hình sự, hành chính khi ở giai đoạn cuối. Theo đó, dự thảo quy định tiến hành áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.

* Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS đang lấy ý kiến lần này còn có những đề xuất mới nào khác đáng chú ý?

- Một số điểm mới đáng chú ý khác là đề xuất bổ sung quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV, người bệnh AIDS có BHYT. Lâu nay, những người có HIV/AIDS được xem là đối tượng tệ nạn xã hội nên có những chi phí trong điều trị HIV/AIDS chưa được quỹ BHYT chi trả. Vì thế, ngành Y tế đã đề xuất bổ sung quy định xem HIV/AIDS là bệnh mạn tính và cần được đối xử bình đẳng như những người có bệnh lý khác.

Bác sĩ Vũ Thị Ngọc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) khám bệnh định kỳ cho bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV. Ảnh T.T
Bác sĩ Vũ Thị Ngọc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) khám bệnh định kỳ cho bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV. Ảnh T.T

Một điểm mới trong dự án luật này còn quy định về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em không nơi nương tựa. Bảo đảm quyền học tập của trẻ em nhiễm HIV ở lứa tuổi mầm non và tiểu học được học như những trẻ khác, không quy định việc tổ chức trường, lớp riêng cho đối tượng này, bởi sẽ làm tăng thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội. Ngoài ra, có những đề xuất bổ sung phạm nhân nhiễm HIV là đối tượng được điều trị HIV/AIDS miễn phí.

* Bên cạnh những điểm mới nêu trên, theo ông còn những nội dung đáng chú ý nào trong dự thảo Luật sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS cần tiếp tục làm rõ?

- Dự án Luật sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên 2 chính sách là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Theo tôi, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, để dự án luật hoàn thiện hơn cần tiếp tục làm rõ một số nội dung như: công tác phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con, cần làm rõ nguồn cấp kinh phí xét nghiệm đối với phụ nữ mang thai cụ thể là những nguồn nào. Tôi cũng đề xuất bổ sung quy định về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; giảm độ tuổi xét nghiệm từ 16 xuống 15 tuổi và bỏ quy định xét nghiệm HIV cho trẻ cần phải có văn bản đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, nhằm giúp trẻ nhiễm HIV được sớm tiếp cận với các dịch vụ điều trị và chăm sóc sức khỏe.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều