Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cao mức phạt kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay

10:10, 26/10/2020

Trước tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gọi tắt là Nghị định 98, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2020.

Trước tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gọi tắt là Nghị định 98, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2020. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những điểm mới của Nghị định 98, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Văn Tỉnh cho biết:

- Theo Nghị định 98, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu không chỉ bị xử lý với mức phạt tiền cao mà còn phạt dựa trên giá trị thực của hàng hóa nhập lậu. Như vậy, buôn hàng lậu số lượng càng lớn, sẽ bị phạt càng nhiều. Việc tăng mức xử phạt của Nghị định 98 sẽ tăng tính giáo dục, răn đe mạnh hơn, khiến các cá nhân, tổ chức buôn bán hàng lậu, hàng giả phải tính toán, cân nhắc.

* Ngoài điểm mới nêu trên, Nghị định 98 còn có những điểm mới nổi bật nào thưa ông?

- Nghị định 98 thay thế cho Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 141/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Nghị định 98 gồm 4 chương, 91 điều, với những điểm mới nổi bật sau: quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

Cụ thể, đối với cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1-70 triệu đồng (phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật). Riêng đối với hành vi cá nhân sản xuất hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, mức phạt tăng gấp đôi, cụ thể là 200 triệu đồng.

Như vậy, so với trước đây, Nghị định 98 quy định mức xử phạt tăng rất cao và tích hợp đầy đủ các hành vi vi phạm hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.

* Một trong những điểm mới của Nghị định 98 được nhiều người quan tâm là quy định rất chặt chẽ về hàng xách tay. Một số người cho rằng, với những quy định mới này, sắp tới hoạt động mua bán hàng xách tay sẽ được quản lý rất chặt. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Đúng là thời gian qua, việc kinh doanh hàng xách tay rất phổ biến. Nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hàng xách tay, bởi theo quảng cáo của những người bán hàng thì do “xách tay về” nên những hàng hóa này có giá thành rẻ hơn vì không phải chịu thuế, nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu đó, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay hàng cấm diễn ra tràn lan dẫn đến không ít người tiêu dùng bị lừa, mua phải hàng lậu được gắn mác hàng xách tay.

Hiện nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết quy định về hàng xách tay cũng như mua bán hàng xách tay thế nào để không bị xử phạt. Thực ra, việc xử phạt đối với các hành vi kinh doanh hàng xách tay đã có từ trước, nhưng trong Nghị định 98 đã tăng mức xử phạt hành vi kinh doanh loại hàng xách tay dưới hình thức nhập lậu theo hướng tăng nặng.

Cụ thể, mức phạt thấp nhất trong Nghị định 98 là 500 ngàn đồng và mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra, hàng hóa (trong trường hợp xác định là vi phạm thì được coi là tang vật) cũng sẽ bị tịch thu.

* Một thực tế, có những người đi du lịch, công tác ở nước ngoài mang về một số hàng hóa nhưng không có nhu cầu sử dụng, họ đem bán lại thì có bị phạt theo Nghị định 98 không? Hàng xách tay trong trường hợp này có phải là hàng nhập lậu?

- Có thể phân biệt giữa hành vi thương mại và hành vi tiêu dùng đối với hàng xách tay. Hành vi thương mại là hành vi của thương nhân trong đầu tư sản xuất, trong trao đổi hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích lợi nhuận; còn hành vi tiêu dùng là suy nghĩ, cảm nhận của con người trong quá trình mua sắm và tiêu dùng.

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Văn Tỉnh (thứ hai từ trái qua) kiểm tra hàng hóa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Văn Tỉnh (thứ hai từ trái qua) kiểm tra hàng hóa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Như vậy, không phải tất cả hàng hóa xách tay đều là hàng nhập lậu. Do đó, người dân cần phân biệt rõ hành vi tiêu dùng và hành vi thương mại để không bị xử lý theo Nghị định 98.

* Thời gian tới, ngành có những giải pháp gì để lập lại trật tự thương mại? Người dân cần làm gì để cùng chung tay, đẩy lùi tình trạng hàng gian, hàng giả, thưa ông?

- Ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định, xử lý nghiêm khắc để răn đe các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng lậu; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý hành vi vi phạm. Ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý những hành vi gian lận trong thương mại, ngành cũng yêu cầu các doanh nghiệp phát huy vai trò bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình, đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu thì chủ động gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng để được xem xét xử lý. Đồng thời, các nhà sản xuất cần liên kết với nhau trong đấu tranh chống hàng gian, hàng giả một cách tích cực hơn nữa.

Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua việc nâng cao cảnh giác, chủ động báo tin khi phát hiện những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu và không tiếp tay tiêu dùng những loại hàng hóa bị pháp luật cấm... Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn chống lại hành vi có tính chất phá hoại sản xuất, làm lũng đoạn sự phát triển kinh tế đất nước.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều