Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh tay xử lý tin nhắn, cuộc gọi 'rác'

09:12, 25/12/2019

Trong thời gian qua, dù các nhà mạng đã triển khai những giải pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi "rác" từ phản ảnh của khách hàng nhưng trên thực tế vẫn không ngăn được tin nhắn, cuộc gọi "rác" hoành hành.

Trong thời gian qua, dù các nhà mạng đã triển khai những giải pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi “rác” từ phản ảnh của khách hàng nhưng trên thực tế vẫn không ngăn được tin nhắn, cuộc gọi “rác” hoành hành.

Hằng ngày, người dùng điện thoại vẫn thường xuyên nhận các tin nhắn “rác” quảng cáo sản phẩm, dịch vụ
Hằng ngày, người dùng điện thoại vẫn thường xuyên nhận các tin nhắn “rác” quảng cáo sản phẩm, dịch vụ

Nhiều bạn đọc phản ảnh đến Báo Đồng Nai, họ thường xuyên bị làm phiền bởi tin nhắn, cuộc gọi từ các số máy lạ, nhất là vào dịp cuối năm với nội dung chủ yếu là quảng cáo sản phẩm, dịch vụ; trong đó nhiều nhất là bán bảo hiểm, bán đất nền, bán sim số, cho vay tiêu dùng, mời dự hội thảo, học ngoại ngữ…

* Liên tục bị làm phiền

Bất kể giờ giấc và không cần biết người nhận có nhu cầu hay không, các thuê bao cứ liên tục gửi tin, điện thoại đến theo kiểu “dội bom” gây bức xúc cho người nhận. Chị Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) bức xúc khi thường xuyên nhận được cuộc gọi từ nhân viên các công ty bảo hiểm tư vấn các gói dịch vụ. Các cuộc gọi “rác” thường “quấy rối” bất kể ngày đêm, từ giờ họp, lúc đang nghỉ trưa, thậm chí cả buổi tối... khiến chị thấy rất phiền phức.

Tương tự, chị Thu Huyền (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) ngày nào cũng nhận được tin nhắn từ các số máy lạ với các nội dung: “Bạn được hỗ trợ vay từ 10-40 triệu đồng…”,  “Chào anh/chị em muốn mua hoặc cầm sim này với giá cao”… Chị Huyền cho biết, mỗi khi thấy tin nhắn hiện lên chị xóa luôn, nhưng “bực” nhất là các cuộc gọi điện thoại trong giờ cao điểm.

“Phiền phức nhất là cuộc gọi đến lúc đang chạy xe trên đường. Do tôi buôn bán, kinh doanh nên buộc phải nghe điện thoại vì tưởng khách hàng gọi đến, thế nhưng khi dừng xe tấp vào lề đường để nghe thì đầu dây bên kia chào mời dự hội thảo tư vấn du học. Đi được một lúc lại chuông điện thoại lại reo, lần này là mời mua đất nền của một dự án ở tận Hà Nội” - chị Huyền nói.

Để chấn chỉnh tình trạng này, các nhà mạng đã triển khai giải pháp ngăn chặn số điện thoại đã “làm phiền” khách hàng. Cụ thể, khi bị làm phiền bởi một số điện thoại nào đó, người dùng có thể gọi điện lên số tổng đài chăm sóc khách hàng, hoặc đến các trung tâm dịch vụ của mạng mình đang dùng để phản ảnh. Người bị quấy rối phải trưng ra các bằng chứng về cuộc gọi, hoặc tin nhắn bằng chứng để các nhà mạng có căn cứ xử lý.

Cụ thể, nếu khách hàng cho rằng bị làm phiền, quấy rối từ thuê bao khác với tần suất từ 3 tin nhắn hoặc cuộc gọi/ngày kèm các cơ sở bằng chứng như: nội dung SMS, thông tin về cuộc gọi... nhà mạng sẽ tiếp nhận để nhắc nhở người có hành vi quấy rối/làm phiền khách hàng. Sau 3 lần cảnh báo nhắc nhở mà bên bị khiếu nại vẫn tiếp tục có hành vi quấy rối/làm phiền khách hàng thì nhà mạng sẽ chặn chiều gọi đi/SMS từ thuê bao quấy rối để bảo vệ khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, giải pháp này vẫn chưa hiệu quả vì khi nhà mạng chặn số điện thoại này thì lại có số điện thoại khác nhắn tin, gọi điện đến làm phiền. Mặt khác, người dùng cũng ngại phản ảnh vì phải mất thời gian tới lui để khiếu nại.

* Cần giải pháp mạnh tay hơn

Hiện nay, Bộ Thông tin - truyền thông đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về chống tin nhắn “rác”, thư điện tử “rác”, cuộc gọi “rác” và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi. Người dùng điện thoại kỳ vọng rằng với các giải pháp cụ thể được nêu trong dự thảo này sẽ ngăn chặn được các tin nhắn, cuộc gọi “rác” gây phiền phức.

Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ KP.1, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, anh đã xem nội dung dự thảo trên mạng và rất đồng tình với các nội dung đề xuất như: tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký không chấp nhận tất cả tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đối với số điện thoại thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình; chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận... “Mong nghị định sớm được ban hành để vấn nạn tin nhắn “rác” bị xử lý dứt điểm” - anh Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Đồng Thương, Phó trưởng phòng Công nghệ thông tin - viễn thông, Sở Thông tin - truyền thông, thời gian qua Bộ Thông tin - truyền thông đã có nhiều quy định nhằm siết chặt công tác quản lý đối với các nhà mạng. Trong đó quy trách nhiệm cụ thể lãnh đạo công ty viễn thông phải chịu trách nhiệm khi còn để tình trạng bán sim kích hoạt trước, sim không đầy đủ thông tin thuê bao hoặc thông tin thuê bao không đúng. Nhờ đó các nhà mạng cũng tích cực trong việc xử lý sim rác, dùng công nghệ để chặn lọc theo từ khóa nên số lượng tin nhắn quảng cáo đã giảm.

“Dự thảo Nghị định về chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi “rác” có quy định cụ thể nguyên tắc quảng cáo qua việc gửi tin nhắn, thư điện tử, gọi điện. Nếu không chấp hành các nguyên tắc này sẽ vi phạm luật và có các chế tài xử lý cụ thể. Đây là một trong những động thái mạnh mẽ trong việc chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi “rác” từ cơ quan quản lý nhà nước. Hy vọng sẽ giúp người dùng điện thoại tránh được các tin nhắn, cuộc gọi làm phiền” - ông Thương nói.

Dự thảo Nghị định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi nêu rõ mức phạt áp dụng với hành vi vi phạm các quy định đối với cuộc gọi quảng cáo. Cụ thể phạt 20-40 triệu đồng đối với các hành vi thực hiện cuộc gọi quảng cáo ngoài khoảng thời gian quy định từ 9-22 giờ hằng ngày mà không có thỏa thuận khác với người nhận; thực hiện quá một cuộc gọi quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người nhận…

Kim Liễu

Tin xem nhiều