Báo Đồng Nai điện tử
En

Không "đánh trống bỏ dùi"...

11:09, 14/09/2022

Tiếng Anh từ lâu đã là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, đây là ngôn ngữ không thể thiếu trong hành trang của mỗi người. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng về tiếng Anh cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường là hết sức cần thiết.

Tiếng Anh từ lâu đã là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, đây là ngôn ngữ không thể thiếu trong hành trang của mỗi người. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng về tiếng Anh cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường là hết sức cần thiết.

Trước tầm quan trọng của việc trang bị tiếng Anh cho học sinh, Bộ GD-ĐT đã sớm đưa vào giảng dạy môn Tiếng Anh ở ngay bậc tiểu học. Tiếng Anh cũng là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông cùng với 2 môn Toán và Ngữ văn. Không ít trường học trong cả nước còn phối hợp, liên kết với các trung tâm ngoại ngữ mở các lớp tăng cường nhằm giúp học sinh có cơ hội giao tiếp với giáo viên người nước ngoài ngay từ nhỏ để củng cố khả năng nghe - nói vốn được đánh giá là còn yếu của học sinh Việt Nam.

Tại Đồng Nai, ngoài giảng dạy chương trình tiếng Anh theo khung Bộ GD-ĐT ban hành, vài năm trước, rất nhiều trường phổ thông triển khai chương trình liên kết với các trung tâm ngoại ngữ mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy. Chi phí những buổi học này do phụ huynh đóng góp và ban đầu nhận được sự đồng tình rất cao. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chương trình này bộc lộ những bất cập, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là về chất lượng giáo viên. Rất ít giáo viên tham gia giảng dạy những chương trình này là người bản ngữ, do đó nhiều trung tâm tuyển dụng cả giáo viên một số nước trong khu vực tham gia (phổ biến nhất là người Philippines), khả năng sư phạm còn hạn chế… Chính vì vậy, chất lượng giảng dạy không cao và đến nay mô hình liên kết đào tạo này còn rất ít trường phổ thông thực hiện.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh trong trường phổ thông, theo các chuyên gia giáo dục, cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là từ đội ngũ giáo viên. Hiện nay, nhìn tổng thể, đội ngũ giảng dạy môn học này vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy với 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết thành thạo cho học sinh. Vì thế, hầu hết học sinh phổ thông khi muốn giỏi ngoại ngữ hay thi các chứng chỉ quốc tế đều phải học thêm ở các trung tâm.

Từ thực tế dạy và học môn Tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay, việc Đồng Nai xây dựng đề án tăng cường giảng dạy bộ môn này nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh là rất cần thiết, nhất là tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào vận hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc xây dụng đề án ra sao, có khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều này đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng để không xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, gây lãng phí công sức, tiền bạc…   

Minh Ngọc

Tin xem nhiều