Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nóng" với dịch bệnh sởi...

03:04, 22/04/2014

Sau gần 3 năm vắng bóng, dịch bệnh sởi đã quay lại và bùng phát tại 61/63 tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai. Tính đến ngày 20-4, cả nước có hơn 8.500 trẻ bị mắc bệnh sởi, 111 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, trong đó có 25 ca trẻ tử vong được xác định do bệnh sởi.

 

Sau gần 3 năm vắng bóng, dịch bệnh sởi đã quay lại và bùng phát tại 61/63 tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai. Tính đến ngày 20-4, cả nước có hơn 8.500 trẻ bị mắc bệnh sởi, 111 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, trong đó có 25 ca trẻ tử vong được xác định do bệnh sởi.

Riêng tại Đồng Nai, thời điểm này cũng có khoảng 350 ca bệnh phát ban nghi nhiễm sởi, trong đó có 35 ca xác định mắc sởi, chưa có ca tử vong. Trước những thông tin về tình hình dịch sởi, người dân đang rất lo lắng.

* Đa số trẻ không được tiêm phòng

Những ngày tháng 4 này, cả khoa khám bệnh công lẫn khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tấp nập phụ huynh đưa con đi khám bệnh. Nỗi ám ảnh về bệnh sởi đang khiến nhiều người cứ thấy trẻ sốt, ho, dù trẻ chỉ bị viêm họng hay sốt siêu vi do thay đổi thời tiết là đưa con đi khám. Thậm chí, có người tỏ ra lo lắng khi thấy trên tay trẻ có một vài nốt đỏ do muỗi cắn…

Cặp song sinh con chị Nguyễn Thị Dạ Thảo ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đang điều trị sởi tại khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Cặp song sinh con chị Nguyễn Thị Dạ Thảo ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đang điều trị sởi tại khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Tại khoa nhiễm của bệnh viện, từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 ca bệnh sởi nhập viện điều trị nội trú, cá biệt có ngày lên đến 43 ca (ngày 14-4)... Theo chỉ tiêu, khoa chỉ có khoảng 90 giường, nhưng đến thời điểm này đã là 120 giường (kê ra cả hành lang) vẫn chưa đủ, bệnh nhân phải nằm ghép. Tình trạng quá tải kèm sự nóng bức của thời tiết đã khiến nơi đây càng trở nên ngột ngạt và chật chội hơn.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: “Ở Việt Nam, hiện lượng trẻ mắc sởi rất cao nên số lượng trẻ tử vong là con số không quá bất ngờ. Những ca bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm vaccine. Vì vậy, việc tiêm vaccine là  rất quan trọng, không chỉ ngăn bệnh ở người được tiêm mà nó còn phòng, chống cho cả cộng đồng. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh hiện nay là Bộ Y tế nên đặt tình trạng dịch sởi vào tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng, cần nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình trạng này”.

Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm của bệnh viện, cho biết có đến 95% số trẻ bị mắc sởi đã và đang điều trị tại khoa là đối tượng chưa được tiêm phòng sởi. Phần lớn số ca mắc cũng là trẻ có tiền sử bị bệnh bẩm sinh, trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc hạn chế, môi trường sinh hoạt chưa sạch sẽ và trẻ không được bú sữa mẹ… Chính những yếu tố bất lợi này làm giảm sức đề kháng của trẻ, dẫn đến dễ bị bệnh tật tấn công, trong đó có bệnh sởi.

* Nguy cơ lây nhiễm chéo

Trong số trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, có không ít trẻ bị bệnh do lây nhiễm chéo. Như trường hợp  bé Trần Ngọc Thùy Anh (15 tháng tuổi, ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom) điều trị viêm phổi ở Bệnh viện đa khoa Trảng Bom, và tại đây bé đã bị lây bệnh sởi từ những trẻ khác. Chị Trần Thị Ngọc Diễm, mẹ của bé Thùy Anh cứ nhìn thấy con là khóc, vì bé bị sởi biến chứng viêm phổi nặng đang phải điều trị tích cực và cách ly tại khoa hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện.

Một trẻ bị sởi biến chứng viêm phổi nặng phải điều trị tích cực.
Một trẻ bị sởi biến chứng viêm phổi nặng phải điều trị tích cực.

 Trước tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, không gian chật chội, nguy cơ bệnh viện sẽ trở thành “ổ” bệnh sởi, gây lây nhiễm chéo giữa các trẻ bệnh sởi và những trẻ bệnh khác hoàn toàn có thể xảy ra. Để phòng tránh nguy cơ này, khoa nhiễm của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã yêu cầu phụ huynh giữ vệ sinh chung, cho những trẻ ho nhiều đeo khẩu trang, không cho trẻ bệnh khác sang khu vực bệnh sởi và ngược lại, lau sàn nhà thường xuyên bằng chất sát trùng. Bệnh viện cũng đang lên kế hoạch sắp xếp, tăng cường nhân lực, thiết bị, vật tư để giảm các nguy cơ lây nhiễm chéo cho các bệnh nhân đang điều trị chung khoa.

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cao Trọng Ngưỡng cho biết: “Việt Nam đang trong giai đoạn bệnh sởi lập lại chu trình 3 năm một lần và chưa phát hiện sự biến chủng làm cho virus sởi nguy hiểm hơn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch sởi quay trở lại, là do trong thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng liên quan đến tiêm vaccine khiến nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm phòng. Do đó, để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi, đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch là giải pháp tối ưu nhất”.

Theo bác sĩ Giai, sởi là một bệnh lành tính nhưng dễ lây lan. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như:  tiêu chảy, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, biến chứng mắt gây khô giác mạc và mù lòa… Đến thời điểm này, tại bệnh viện mới chỉ xuất hiện những ca biến chứng gây tiêu chảy, viêm phổi và viêm phổi nặng phải thở máy.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

  

Tin xem nhiều