Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa hát bội đến gần với cộng đồng dân cư

07:09, 13/09/2022

Từng là một trong những bộ môn nghệ thuật rất thịnh một thời ở Nam bộ, hát bội (còn được gọi là tuồng) rất được cộng đồng dân cư yêu thích. Tuy nhiên, theo thời gian, loại hình sân khấu này ngày càng ít người thưởng thức, có nguy cơ bị mai một.

Từng là một trong những bộ môn nghệ thuật rất thịnh một thời ở Nam bộ, hát bội (còn được gọi là tuồng) rất được cộng đồng dân cư yêu thích. Tuy nhiên, theo thời gian, loại hình sân khấu này ngày càng ít người thưởng thức, có nguy cơ bị mai một.

Các thành viên trong đoàn hát bội P.An Hòa (TP.Biên Hòa) biểu diễn phục vụ người dân trên địa bàn. Ảnh: L.Na
Các thành viên trong đoàn hát bội P.An Hòa (TP.Biên Hòa) biểu diễn phục vụ người dân trên địa bàn. Ảnh: L.Na

Để giữ lửa nghệ thuật truyền thống, một số nghệ sĩ hát bội trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay đã và đang ra sức gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này.

* Giữ lửa đam mê hát bội

Trong số những nghệ sĩ đam mê hát bội, giữ lửa nghệ thuật này tại TP.Biên Hòa phải kể đến ông Bùi Văn Ích, 67 tuổi, Trưởng đoàn hát bội P.An Hòa. Ông Ích cho biết, đoàn hát bội của P.An Hòa có từ năm 1976, do ông bầu Làm (tên thật là Nguyễn Văn Làm) thành lập. Ông bầu Làm mặc dù không trải qua trường lớp đào tại nghệ thuật nào nhưng rất giỏi hát bội, ông vừa là biên kịch, vừa làm đạo diễn. Đối với các loại tuồng cổ, ông đều dịch sang tiếng Việt một cách bài bản. Sau khi ông mất, đoàn hát vẫn duy trì, tham gia tích cực trong các hội diễn, lễ hội tổ chức tại P.An Hòa.

“Thời điểm mới thành lập, đoàn hát bội có 30 người, chủ yếu người đã có tuổi sinh sống ở P.An Hòa (người nhỏ nhất gần 60, người lớn nhất cũng hơn 80 tuổi). Từ năm 1979, đoàn đi hát, phục vụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Trong đó, đoàn chủ yếu phục vụ cho các hoạt động cúng đình, nhất là trong lễ hội kỳ yên hằng năm. Điều đặc biệt của đoàn hát bội P.An Hòa là anh em tham gia làm nghệ sĩ, diễn viên đa phần là nông dân tại địa phương. Ban ngày thì làm ruộng, ban đêm các thành viên tranh thủ thời gian luyện tập, biểu diễn” - ông Ích chia sẻ.

Chị NGUYỄN THỊ HƯỜNG (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay: “Hằng năm, Đình thần An Hòa đều tổ chức lễ hội kỳ yên và 3 năm/lần tổ chức lễ hội Trai đàn 3 năm đáo lệ Đền ông Quan thánh đế quân. Ở những lễ hội này đều có biểu diễn hát bội. Trong không gian văn hóa đình làng, chúng tôi vừa được tìm hiểu thêm những giá trị di sản văn hóa mà ông cha để lại, vừa được thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Đây là những trải nghiệm quý giá, đặc biệt là đối với những người trẻ”.

Theo ông Ích, khi có lễ hội trên địa bàn, đoàn hát bội lại tiến hành chuẩn bị trước cả tháng. Mặc dù UBND xã có hỗ trợ song kinh phí hạn hẹp nên các thành viên trong đoàn tự nguyện mua sắm trang phục, các đạo cụ để luyện tập và biểu diễn.

Là thành viên tích cực tham gia luyện tập và biểu diễn của đoàn hát bội P.An Hòa, bà Trần Thị Ngưu cho hay, hát bội đặc biệt từ nội dung đến hình thức (cử chỉ, điệu bộ, trang phục, hóa trang). Cái khó nhất của hát bội là vừa phải hóa trang, vừa hát và múa sao cho phù hợp với từng vai diễn, bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt, phản ánh tính cách nhân vật. Đoàn hát bội thường diễn một số vở tuồng tích dân gian như: Thạch Kim Huê đả hổ, Tống tửu ô hắc lợi, Song kiếm uyên ương, Tứ tử đậu tân khoa, Phá âm dương trận…

“Thời ông bầu Làm còn sống, đoàn hát gặp rất nhiều thuận lợi, bởi ông hỗ trợ, giúp đỡ các anh chị em trong đoàn từ luyện tập, đến cách hóa trang, biểu diễn. Chính từ tình yêu và đam mê hát bội của ông đã khơi dậy và truyền lửa cho các thành viên trong đoàn. Nhờ vậy, đoàn hát mới hoạt động cho đến ngày hôm nay” - bà Ngưu nói.

* Nguy cơ bị mai một…

Vài năm trở lại đây, đoàn hát bội ở An Hòa không đào tạo được lớp trẻ để tiếp tục nối nghiệp. Lý do được các nghệ sĩ đưa ra là hiện nay người trẻ ở địa phương không còn mặn mà với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Thay vào đó, họ tìm đến với âm nhạc hiện đại và các phương thức giải trí khác thông qua mạng xã hội. Mặt khác, hát bội là loại hình nghệ thuật khó, từ ca đến diễn phải học và luyện tập bài bản mới có thể tự tin biểu diễn trên dân khấu.

Cũng theo bà Trần Thị Ngưu, để thu hút được nhiều người tham gia vào đoàn hát bội, các thành viên vừa biểu diễn, vừa vận động thêm bà con, bạn bè, anh em ủng hộ đoàn hát. Nếu như trước đây đoàn hát luyện tập, biểu diễn đều vào các dịp lễ hội hằng năm thì nay được chuyển sang hình thức sinh hoạt như câu lạc bộ. Đây không chỉ là nơi để các thành viên trong đoàn hát luyện tập, biểu diễn mà còn là nơi những người yêu hát bội, đặc biệt là những người trẻ đến tìm hiểu, học hỏi, lưu giữ và phát huy loại hình âm nhạc truyền thống.

Để giới thiệu hát bội đến cộng đồng, chị Nguyễn Liên (cháu nội ông bầu Làm) thường xuyên ghi hình, đăng tải các clip biểu diễn của đoàn lên mạng xã hội. Hơn ai hết, chị mong muốn qua các bài đăng tải góp phần lưu giữ truyền thống, giúp bà con hiểu được giá trị nghệ thuật của hát bội để cùng nhau quan tâm nhiều hơn, phát huy trong đời sống hiện nay.

“Mặc dù rất đam mê và nhiệt huyết song các cô, chú trong đoàn hát bội đã lớn, sức khỏe có hạn. Bởi vậy, tôi tha thiết kêu gọi các bạn trẻ có đam mê nghệ thuật hát bội gia nhập vào đoàn để có thể cùng nhau góp công, góp sức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của làng Bến Gỗ nói riêng, nghệ thuật của vùng đất Nam bộ nói chung” - chị Liên chia sẻ.

Ly Na

Tin xem nhiều