Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp

03:09, 30/09/2022

Năm 2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu tích cực khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ lao động có tay nghề và lao động kỹ thuật cao.

Năm 2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu tích cực khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ lao động có tay nghề và lao động kỹ thuật cao.

Lao động kỹ thuật cao đang được các doanh nghiệp trọng dụng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom) trong giờ sản xuất
Lao động kỹ thuật cao đang được các doanh nghiệp trọng dụng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom) trong giờ sản xuất. Ảnh: L.MAI

Hội thảo liên kết đào tạo kỹ năng nghề nghiệp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và DN do Sở LĐ-TBXH phối hợp Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29-9 đã nêu ra thực trạng cũng như giải pháp, mô hình để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển đổi số trong GDNN và trang bị kỹ năng cho đội ngũ nguồn lực chất lượng cao.

Thiếu hụt lao động có kỹ thuật

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, hiện tổng số lao động tại các KCN Đồng Nai trên 618 ngàn người. Với tỷ lệ trình độ tay nghề: từ trung cấp trở lên 20%, lao động đã qua đào tạo (kể cả DN đào tạo) 40%, lao động chưa qua đào tạo 40%. Trung bình hằng năm, các DN trong KCN có nhu cầu tuyển dụng 40-60 ngàn lao động. Các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều ở lĩnh vực dệt may, giày da và điện tử. Về nhu cầu tuyển dụng qua đào tạo tập trung các ngành nghề: kỹ sư cơ khí CNC, kế toán, thợ hàn, thợ vận hành máy…

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ MỘNG THU cho hay, hội thảo liên kết đào tạo kỹ năng nghề nghiệp giữa cơ sở GDNN và DN là hình thức phối hợp giữa 3 nhà (Nhà nước - nhà trường - DN) để đạt hiệu quả cao trong đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.

Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tăng lên 39 KCN theo quy hoạch đã được phê duyệt, mở ra không gian kinh tế và có tiềm năng để thu hút lao động. Ngoài ra, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang trong quá trình xây dựng sẽ cần số lượng lớn lao động có tay nghề. Trong khi đó, các nhà đầu tư vào Đồng Nai đang tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất sản phẩm theo công nghệ cao. Do đó, định hướng của tỉnh thời gian tới phát triển và thu hút các ngành công nghiệp có trình độ khoa học hiện đại, sử dụng ít lao động, không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là cơ hội và thách thức cho nguồn lực lao động trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Theo Phó trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Lê Thị Nguyệt, nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển các KCN đã và đang trở thành yêu cầu cấp bách. Trong đó, xác định được nhu cầu tuyển dụng về chuyên môn và kỹ năng của DN chính là kim chỉ nam cho đào tạo nguồn nhân lực theo thị trường lao động, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dự báo, các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trong thời gian tới sẽ tăng như: cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ thông tin…

Vì vậy, nhân lực lao động phải có chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật và ngoại ngữ. Với những yêu cầu khắt khe trên, các cơ sở GDNN cần hoạch định chương trình đào tạo kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu của các DN.

Thời gian qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã liên kết với DN trong việc đào tạo lao động theo đúng ngành nghề, lĩnh vực các DN cần. Qua đó, cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, hiện nguồn lực lao động kỹ thuật cao trong tỉnh vẫn thiếu hụt, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng lao động. Do đó, các cơ sở GDNN cần đổi mới công tác đào tạo, có những mô hình đào tạo theo ngành nghề và ứng dụng chuyển đổi số trong GDNN, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Trần Quốc Nghị cho hay, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có khoảng 550 thành viên là các DN lớn, nhỏ. Hiện nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật, chất lượng cao của các DN đều cao nhưng các cơ sở đào tạo nghề vẫn chưa có mô hình thuận lợi nhất để lao động được đào tạo ra có thể sử dụng ngay. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai mong thời gian tới, các cơ sở GDNN sẽ có mô hình đào tạo ngành nghề phù hợp vị trí tuyển dụng của DN. Hội DN trẻ đang đồng hành với các trường nghề chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng của cộng đồng DN để làm sao sinh viên ra trường có việc làm phù hợp, đáp ứng sự đổi mới DN.

Đổi mới đào tạo nghề

Tại hội thảo liên kết đào tạo kỹ năng nghề nghiệp giữa cơ sở GDNN và DN, Trưởng văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI tại TP.HCM Bùi Thị Ninh cho hay, trong bối cảnh thiếu hụt lao động kỹ năng, tác động của kinh tế - xã hội và nhu cầu lên thị trường lao động, yêu cầu của thị trường lao động thay đổi không ngừng và chưa có mô hình gắn kết hiệu quả giữa DN và cơ sở GDNN một cách chính thống và bền vững.

Ngoài ra, sinh viên ra trường chưa đáp ứng tốt yêu cầu của DN, còn các DN phải đào tạo lại lao động lại cần mô hình gắn kết các bên liên quan một cách hiệu quả. Trong đó, gồm nhà trường, DN, cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành nghề VCCI để hỗ trợ DN trong cung ứng lao động có tay nghề.

Thời gian qua, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ các cơ sở GDNN tại Đồng Nai về công tác phát triển kỹ năng nghề nhằm thực hiện mục tiêu nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới. Đại diện Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) cho hay, từ khi GIZ hỗ trợ trường trong các mô hình đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động tại DN, hầu như lao động tiếp thu nhanh kiến thức, tay nghề kỹ thuật cao và ứng dụng vào làm việc thực tế tại DN. Từ đó cho thấy việc liên kết đào tạo nghề giữa cơ sở GDNN và DN đã mang lại hiệu quả, nâng tầm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu việc làm và thị trường lao động. Bên cạnh đó, các DN không tốn chi phí cao để đào tạo lại lao động.

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí và thủy lợi Phạm Duy Đông cho rằng, mô hình liên kết giữa DN và cơ sở GDNN rất cần thiết trong việc đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cung ứng cho DN. Ngoài ra, việc thành lập hội đồng GDNN của tỉnh cần thực hiện sớm để kết nối nhà trường và DN hiểu nhau nhằm đào tạo đúng ngành nghề tuyển dụng vừa đáp ứng được cung - cầu thị trường lao động. Hội GDNN sẽ tư vấn cho các trường nghề về nhu cầu ngành nghề của DN để đào tạo phù hợp. Chẳng hạn DN cần nghề gì, dự báo thị trường lao động để nhà trường có căn cứ tổ chức đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN.

Bà Afsana Rezaie, Phó giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho hay, nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của DN, từ đó nâng cao năng suất lao động cho DN. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới thực hiện rộng rãi. GEZ sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở GDNN tại Đồng Nai đổi mới nội dung giáo dục, phương pháp dạy và học trên môi trường số. Nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự GDNN, xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo nhu cầu đào tạo, chương trình đào tạo tại DN. Đồng thời, đảm bảo chất lượng kết quả học tập trên môi trường trực tuyến. 

Lan Mai


Bà BÙI THỊ NINH, Trưởng văn phòng Giới sử dung lao động VCCI tại TP.HCM:

Cần thành lập hội đồng GDNN cấp tỉnh và hội đồng kỹ năng nghề

Để đáp ứng nguồn lưc chất lượng cao cho các DN, cần thành lập hội đồng GDNN cấp tỉnh và hội đồng kỹ năng nghề để hỗ trợ, tư vấn, giám sát, xác định nhu cầu thị trường lao động để liên kết cơ sở GDNN và DN. Đồng thời, xây dựng dự báo nhu cầu kỹ năng và nhu cầu nguồn lực của từng ngành. Đây là giải pháp đảm bảo đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. DN phối hợp với cơ sở GDNN để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động.

Ông PHẠM BÁ LỰC, Giám đốc Công ty CP Thiết kế xây dựng và bất động sản Hoàn Hảo:

Cần đổi mới đào tạo nghề gắn với chuyển đổi số

Cùng với sự đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần đổi mới đào tạo nghề gắn với chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong GDNN là giải pháp quan trọng nhằm cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết chặt chẽ với DN trong xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ hiện đại. Qua đó, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng được đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.   

Thảo My (ghi)


 

Tin xem nhiều