Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở khu Trại phong Bình Minh

09:12, 10/12/2020

Những người sống ở đây kể cả mắc bệnh phong hay không mắc bệnh cũng bị cộng đồng miệt thị, xa lánh. Họ không thể ra ngoài buôn bán hay tìm việc làm. Con em họ thậm chí bị ngăn cấm đến trường học chữ… Đó là chuyện từng xảy ra ở khu Trại phong Bình Minh (ấp 5, xã Tân Hiệp, H.Long Thành) hàng chục năm về trước.

Những người sống ở đây kể cả mắc bệnh phong hay không mắc bệnh cũng bị cộng đồng miệt thị, xa lánh. Họ không thể ra ngoài buôn bán hay tìm việc làm. Con em họ thậm chí bị ngăn cấm đến trường học chữ… Đó là chuyện từng xảy ra ở khu Trại phong Bình Minh (ấp 5, xã Tân Hiệp, H.Long Thành) hàng chục năm về trước.

Thân nhân bệnh nhân phong tại Trại phong Bình Minh (xã Tân Hiệp, H.Long Thành) nhận quà từ thiện do mạnh thường quân gửi tặng. Ảnh: Hoàng Lộc
Thân nhân bệnh nhân phong tại Trại phong Bình Minh (xã Tân Hiệp, H.Long Thành) nhận quà từ thiện do mạnh thường quân gửi tặng. Ảnh: Hoàng Lộc

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân nơi đây hoàn toàn đổi khác. Những gia đình 2-3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Ngoài chính sách hỗ trợ về thuốc men, tiền trợ cấp hằng tháng cho người có di chứng bệnh, chính quyền địa phương, các đoàn thể và mạnh thường quân cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

* Ký ức buồn

Tôi đến Trại phong Bình Minh vào một buổi chiều cuối năm 2020, đúng lúc bà con tập trung đông đủ tại khu nhà của Ban điều hành trại phong để nhận quà từ thiện. Trên tay mỗi người đều mang theo túi, giỏ hoặc làn nhựa để đựng “quà” là rau, củ, quả vừa được một xe tải chở đến. Gần 120 người đại diện cho các hộ gia đình có người mắc bệnh phong hoặc con của người mắc bệnh có tên trong danh sách nhận quà. Họ cho biết, đây là hoạt động thường xuyên hằng tháng, thậm chí hằng tuần. Hễ nghe tiếng kẻng đánh liên hồi là cả ấp kéo nhau đi lấy quà từ thiện.

Bà Trần Thị Lâm (74 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, bà mắc bệnh phong từ năm 16 tuổi nhưng không biết để chữa trị. Quá trình làm nông, tay chân bà bị trầy xước và cụt dần khiến người thân, hàng xóm đặc biệt là các em nhỏ sợ hãi, xa lánh. Sau 6 tháng điều trị ở Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM), bà hết vi trùng phong, được cho về nhà. Nhưng vì mặc cảm bệnh tật, vì sự tránh né của mọi người, bà không về quê mà ở lại bệnh viện giúp đỡ các y, bác sĩ. Tại đây, bà quen một người cũng mắc bệnh phong và kết hôn. Họ sinh được 6 người con và may mắn là không ai mắc bệnh như cha mẹ.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, gia đình bà về ở xã Tân Hiệp (H.Long Thành). Vợ chồng bà đi xin việc nhưng không ai nhận, nuôi gà, vịt đưa ra chợ bán cũng không ai mua vì sợ lây vi trùng phong. Con cái đi học bị bạn bè xa lánh, một số phụ huynh còn đòi nhà trường cấm không cho con em khu trại phong vào trường học. Mặc dù vậy, vợ chồng bà Lâm vẫn nỗ lực để cả 6 người con đều học hết lớp 12.

Một người lớn tuổi khác mà tôi trò chuyện là bà Nguyễn Thị Anh (83 tuổi, quê tỉnh Bình Định). Đến tận bây giờ bà Anh vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh về thời gian bệnh tật và hành trình trốn chạy đến Trại phong Bình Minh để sinh sống.

Bà Anh phát bệnh khi đã lập gia đình và sinh con. Tuy nhiên, thời điểm đó, cuộc sống khó khăn, con nhỏ nên bà vẫn làm việc cho đến khi bàn chân, bàn tay dần xuất hiện những vết xước, mụn mủ lở loét. Sợ lây bệnh cho chồng con, sợ mọi người xa lánh, bà bỏ xứ một mình vào TP.HCM chữa bệnh. Tại đây, nghe nói có khu dành cho người cùng chứng bệnh như mình ở H.Long Thành, bà mừng rỡ đến xin nhập trại. Cũng như nhiều người phụ nữ bị phong khác, bà Anh sống nhờ đi xin ăn, các đoàn từ thiện hỗ trợ. Hơn 10 năm nay, bà Anh không phải đi xin nữa vì có tiền hỗ trợ của Nhà nước và các con chăm lo.

Với gia đình chỉ có cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh còn may mắn, những gia đình mà thế hệ sau cũng mắc bệnh như bà Trần Thị Ngọc thì nỗi buồn vẫn hiện hữu. Bà Ngọc là người mắc bệnh phong, vì không thể kết hôn được với một người hoàn toàn bình thường bà chấp nhận kết hôn với một người cùng chứng bệnh ở trại và sinh ra 3 người con. Điều không may xảy ra, có 2 người con của bà bị mắc bệnh như cha mẹ. Tuy được phát hiện và chữa trị sớm nhưng 2 con của bà cũng ít nhiều bị di chứng.

* Hòa nhập cuộc sống

Nhiều người đang sống tại khu Trại phong Bình Minh cho biết, so với hơn 10 năm trước, cuộc sống hiện tại tốt hơn nhiều. Những người mắc bệnh phong không còn bị xa lánh, hắt hủi nữa. Nhiều gia đình 2-3 thế hệ, trong đó có cả người mắc bệnh phong cùng chung sống. Con em khu vực trại phong được đến trường học mà không bị phân biệt đối xử. Nhiều người sau khi đi học được vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, xí nghiệp và có cuộc sống khá giả. Những người mắc bệnh phong được Nhà nước hỗ trợ thuốc men, tiền sinh hoạt hằng tháng; được chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mạnh thường trao quà hỗ trợ thường xuyên.

Nghề làm than ở khu Trại phong Bình Minh dần bị xóa sổ theo quy hoạch. Ảnh: Hoàng Lộc
Nghề làm than ở khu Trại phong Bình Minh dần bị xóa sổ theo quy hoạch. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Trần Duy Được, y sĩ từng chữa trị cho các bệnh nhân phong, nay là Trưởng ban Đại diện Trại phong Bình Minh cho biết, những năm trước, việc kết hôn, tìm việc làm, xin học cho con, thậm chí đi chợ mua thực phẩm của những người ở khu Trại phong Bình Minh rất khó khăn bởi sự xa lánh của mọi người. Vì lý do đó, nhiều bệnh nhân đã nên duyên vợ chồng, họ sinh con đẻ cái và các thế hệ F1, F2 ra đời khiến dân số ở trại phong ngày càng tăng. Quá trình tìm việc ở bên ngoài không được, một số người không còn khả năng làm việc chọn đi xin ăn, những người lành lặn thì đi làm công hoặc tự đào lò, mua cây thanh lý về đốt than bán kiếm tiền.

“Trẻ em trong trại phong đi học hiện tại không còn bị kỳ thị. Gần 100% người trẻ đi làm ở các cơ quan, xí nghiệp trong và ngoài huyện, cả khu không còn hộ nghèo” - ông Được cho hay.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp chia sẻ, từng sinh sống trong Trại phong Bình Minh, ông là một trong những nạn nhân bị xa lánh thời tiểu học, tuy nhiên điều đó không làm ông nản chí mà cố gắng học hành. Sau khi ra trường, ông chọn về công tác tại địa phương với mong muốn giúp những người dân nơi đây có một cuộc sống ổn định và được đối xử bình thường.

“Hiện sự phân biệt đối xử gần như không còn, tuy nhiên, trong thâm tâm của người dân nơi đây vẫn còn chút tự ti, mặc cảm với địa danh ấp 5, xã Tân Hiệp hoặc tên gọi khu Trại phong Bình Minh. Theo quy hoạch, đầu năm 2021, ấp 5, nơi có 2/3 dân số là con em gia đình có người từng mắc bệnh phong sẽ được sáp nhập với ấp 1 thành ấp 1. Như vậy, địa danh ấp 5 không còn. Việc làm này vừa đảm bảo tiêu chí dân số của đơn vị hành chính ấp vừa bỏ đi tên gọi của ấp mà người dân nơi đây không tự tin. Các ngành chức năng của huyện, xã cũng đang tính toán di dời hoặc chuyển đổi công năng các lò than để tránh ô nhiễm môi trường khu dân cư” - ông Tuấn chia sẻ.

Hiện Trại phong Bình Minh có 118 hộ gia đình, 89 người mắc bệnh phong, trong đó hơn 70 người có di chứng tàn tật và được nhận trợ cấp hằng tháng. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, các đoàn thể thường xuyên có các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Ban điều hành trại phong cũng kết nối với các giáo xứ, các tổ chức thiện nguyện đến thăm và tặng quà cho các gia đình. Người dân sống đoàn kết, yêu thương nhau.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều