Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

09:11, 22/11/2022

Bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng bí thư được chọn in trong cuốn sách cùng tên. Nội dung của tác phẩm là sự phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo những câu hỏi lớn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam dưới góc nhìn từ thực tiễn của Việt Nam.

Bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng bí thư được chọn in trong cuốn sách cùng tên. Nội dung của tác phẩm là sự phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo những câu hỏi lớn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam dưới góc nhìn từ thực tiễn của Việt Nam như: CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng CNXH ở Việt Nam?

Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: tapchicongsan.org.vn
Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: tapchicongsan.org.vn

* Sự lựa chọn đúng đắn

Để trả lời cho câu hỏi vì sao Việt Nam chọn con đường đi lên CNXH, Tổng bí thư đã đưa ra 5 lý do như sau: 1, Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. 2, Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. 3, Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số cá nhân và các phe nhóm. 4, Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. 5, Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

Với những thông tin, số liệu dẫn chứng thực tế cùng sự phân tích, lý giải thấu đáo, Tổng bí thư đã giúp cho chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về bản chất của chủ nghĩa tư bản với những mặt trái của nó, về CNXH và những giá trị tiến bộ, nhân văn là đích đến của CNXH trong tương lai. Qua đó hiểu được rằng việc lựa chọn con đường đi lên CNXH giúp Việt Nam tránh được những mặt trái của chủ nghĩa tư bản, rằng CNXH sẽ đem lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Từ đó, Tổng bí thư đi đến khẳng định: Đảng ta, nhân dân ta sẽ kiên định, kiên trì với sự lựa chọn đó.  

* Sự phát triển, hoàn thiện về tư duy lý luận

Nội dung tác phẩm còn thể hiện rõ sự hoàn thiện về tư duy lý luận của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Theo đó, tác phẩm đã xác định 8 đặc trưng của CNXH ở Việt Nam hiện nay: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Có thể thấy, những đặc trưng của CNXH, đồng thời cũng là mục tiêu, phương hướng của CNXH ở Việt Nam bao quát toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Không chỉ khẳng định sự kiên định, kiên trì con đường đi lên CNXH, tác phẩm còn khẳng định quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam là “một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp”.

Về điều này, Tổng bí thư viết: “Việt Nam đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”. Đặc biệt, Tổng bí thư đã luận giải rất rõ sự “bỏ qua” này: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”.

* Vũ khí sắc bén phản bác các quan điểm sai trái

Để phản bác quan điểm cho rằng Việt Nam đã sai khi lựa chọn con đường đi lên CNXH, Tổng bí thư đã thẳng thắn trình bày: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Từ đó, họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí, có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”. Và Tổng bí thư đã trả lời những câu hỏi này một cách thuyết phục trên cơ sở phân tích sâu sắc bản chất của chủ nghĩa tư bản thông qua những mặt trái của chủ nghĩa tư bản đang bị phơi bày; về những giá trị tiến bộ và nhân văn mà CNXH hướng tới cùng những thành tựu mà công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam đã đạt được trong thực tiễn là minh chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.

Có thể thấy, những phân tích, luận, giải, chứng minh bằng những dữ liệu cụ thể trong tác phẩm, Tổng bí thư đã cung cấp những luận cứ sắc bén cả về lý luận và thực tiễn để phản bác các luận điệu ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản, hoài nghi, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, tác phẩm Mt s vn đề lý lun và thc tin v CNXH và con đường đi lên CNXH Vit Nam của Tổng bí Thư còn là vũ khí sắc bén góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào con đường mà chúng ta đã chọn.

Sao Khuê

Tin xem nhiều