Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

07:11, 26/11/2022

Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản và phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, Đồng Nai đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển khâu chế biến, bảo quản.

Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản và phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, Đồng Nai đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển khâu chế biến, bảo quản.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón tại H.Long Thành
Doanh nghiệp sản xuất phân bón tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian qua, doanh nghiệp (DN) đầu tư kinh doanh, sản xuất, chế biến nông sản gặp nhiều khó khăn do biến động về chi phí sản xuất, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sở NN-PTNT đang tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vượt khó.

* Vùng nguyên liệu lớn

Đồng Nai có trên 287 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 7,6 ngàn ha nuôi trồng thủy sản. Thổ nhưỡng ở Đồng Nai khá phong phú, phù hợp với việc sản xuất nhiều loại nông sản khác nhau. Trong đó, đất đai màu mỡ chiếm phần lớn diện tích, thích hợp phát triển các cây công nghiệp, cây ăn trái nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Khí hậu cũng ôn hòa, tài nguyên nước dồi dào, đáp ứng đủ cho sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, các loại cây trồng ở Đồng Nai khá đa dạng và phong phú. Chỉ tính riêng cây ăn trái có khoảng 11 loại cây có quy mô lớn, chất lượng cao nổi tiếng cả nước. Cụ thể, diện tích cây công nghiệp lâu năm hơn 94,5 ngàn ha; cây ăn trái đạt hơn 74,7 ngàn ha.

Đồng Nai đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ). Mục tiêu nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh theo hướng chế biến sâu, bền vững.

Ngành chăn nuôi hiện có tổng đàn heo khoảng 2,56 triệu con, gia cầm khoảng 27,5 triệu con. Ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm tỉ trọng cao trong tổng đàn gia súc, gia cầm của cả nước. Chăn nuôi trang trại chiếm tỉ trọng lớn. Ngành chăn nuôi đã hình thành các chuỗi sản xuất từ thức ăn, con giống, thuốc thú y, chế biến và tiêu thụ. Sản lượng thịt hằng năm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và là nguồn cung cấp chính cho thị trường tiêu dùng TP.HCM, và các tỉnh.

Tuy nhiên, hiện DN đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt còn rất hạn chế. Tính liên kết giữa DN, HTX, hộ nông dân chưa phổ biến, hiệu quả thấp. Chưa có DN lớn, đủ mạnh làm đầu tàu liên kết sản xuất với hộ nông dân, dẫn đến vùng nguyên liệu không ổn định, hạn chế trong áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao một cách đồng bộ. Chưa tạo được thương hiệu cho nông sản, việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn, hoạt động xúc tiến thương mại thiếu chuyên nghiệp.

* Nhiều hỗ trợ cho nhà đầu tư

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng Nai có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cơ sở hạ tầng những năm qua đã được tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ, đây là những tiền đề cho phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với trình độ quản lý, khoa học công nghệ tương đối tiên tiến đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nhất là chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc và một số nông sản khác. Tuy nhiên, chế biến nông sản vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ chưa gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. DN chưa liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu ổn định.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ, hiện nay tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: Nghị định số 57 về cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tiếp cận tín dụng, đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Chính sách liên kết theo Nghị quyết 143 khi DN tham gia liên kết được hỗ trợ trang thiết bị máy móc phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như nhà xưởng, kho bãi…

Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập với các nội dung: hỗ trợ các DN nghiên cứu đầu tư, đổi mới, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường, an toàn lao động; hỗ trợ DN xây dựng website nhằm quảng bá và giới thiệu hình ảnh của DN; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu.

Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều chính sách hỗ trợ, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại với sản phẩm nông sản, chăn nuôi…

Bình Nguyên

Tin xem nhiều