Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu trạm trung chuyển chất thải đạt chuẩn

07:11, 24/11/2022

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 43 trạm trung chuyển chất thải sinh hoạt (CTSH) nhưng chỉ có 14 trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng và môi trường, còn lại chưa đảm bảo lưu giữ chất thải sau phân loại.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 43 trạm trung chuyển chất thải sinh hoạt (CTSH) nhưng chỉ có 14 trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng và môi trường, còn lại chưa đảm bảo lưu giữ chất thải sau phân loại.

Điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu
Điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Mai

Hiện các địa phương đã quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển CTSH nhưng để đầu tư xây dựng phải cập nhật đồng bộ với các quy hoạch khác, bố trí nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa.

* Chỉ hơn 30% trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu

Huyện Trảng Bom mỗi ngày phát sinh khoảng 170 tấn CTSH. Trước đây, CTSH thu gom từ hộ gia đình được chở thẳng đến nhà máy xử lý, không qua trạm trung chuyển chất thải. Nhưng từ năm 2020 đến nay, rác của huyện phải đưa về H.Thống Nhất xử lý nên phải có nơi lưu trữ, chuyển giao chất thải. Huyện đã quy hoạch 2 trạm trung chuyển rác và đặt mục tiêu hoàn thành đầu tư năm 2022, nhưng đến nay chưa thực hiện.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho rằng, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phân loại, lưu trữ, chuyển giao CTSH trên địa bàn chưa hoàn thiện. Huyện đã quy hoạch và dự kiến đầu tư 2 trạm trung chuyển CTSH nhưng do các năm trước tập trung phòng, chống dịch Covid-19, năm 2022 mới cập nhật đồng bộ các quy hoạch. Sắp tới, huyện sẽ triển khai xây dựng để đảm bảo hạ tầng cho phân loại, thu gom, xử lý rác.

Theo Sở TN-MT, hiện cả tỉnh có 14/43 trạm trung chuyển CTSH cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và môi trường. Trong đó có 6 trạm tại H.Long Thành, 4 trạm tại H.Định Quán, 2 trạm tại H.Cẩm Mỹ, 1 trạm tại TP.Long Khánh và 1 trạm tại H.Vĩnh Cửu. Sở TN-MT đặt mục tiêu cuối năm 2023 chuẩn hóa hết các trạm trung chuyển chất thải.

Huyện Nhơn Trạch hiện có 3 trạm trung chuyển CTSH tại các xã: Long Thọ, Phú Hội và Phước Khánh, nhưng cả 3 đều không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và môi trường. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030, huyện sẽ đầu tư 8 trạm trung chuyển CTSH theo quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu lưu trữ, chuyển giao chất thải và hoàn thiện tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhưng hiện còn phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2045 để đảm bảo đồng bộ các quy hoạch.

Tại H.Cẩm Mỹ có 2 trạm trung chuyển CTSH, theo đánh giá của ngành chức năng là đáp ứng yêu cầu xây dựng nhưng người dân xung quanh phản ánh nhiều mùi hôi, làm rác rơi ra đường. Đại diện địa phương cho rằng, vì khu xử lý chất thải trên địa bàn ngưng tiếp nhận CTSH mới phát sinh trạm trung chuyển. Nếu khu xử lý này khắc phục sự cố để tiếp nhận và xử lý rác cho huyện vừa không phải đầu tư trạm, vừa không ảnh hưởng đến người dân mà còn tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Theo Sở TN-MT, hiện cả tỉnh có 43 trạm trung chuyển CTSH, trong đó 14 trạm đảm bảo lưu giữ và chuyển giao chất thải, còn lại chỉ mang tính chất tạm thời, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về xây dựng, môi trường.

Nguyên nhân là trước đây tỉnh có 7 khu xử lý CTSH nhưng hiện chỉ còn 4 khu, các huyện không có khu xử lý trên địa bàn nên phải đầu tư trạm trung chuyển. Để xây dựng trạm trung chuyển rác phải đảm bảo đồng bộ các quy hoạch, bố trí được kinh phí. Hơn nữa, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, tiêu chí môi trường với hạ tầng lưu trữ chất thải ngày càng cao.

* Từng bước hoàn thiện hạ tầng môi trường

Đồng Nai nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Mọi hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đều làm phát sinh chất thải. Để hạn chế nguy cơ ô nhiễm do CTSH gây ra, hằng năm tỉnh đều bố trí 2% ngân sách dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, đồng thời huy động các nguồn lực tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Riêng hạng mục trạm trung chuyển cấp huyện thì căn cứ vào khối lượng rác, nhu cầu trạm và xây dựng kế hoạch đầu tư.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, trạm trung chuyển CTSH phải có tường bao, mái che, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống lọc và khử mùi đảm bảo không phát tán chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh, có khu vực chứa chất thải sau phân loại. Đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu với nhà dân.

Theo Sở TN-MT, hiện các địa phương đã xác định mạng lưới trạm trung chuyển, rà soát và điều chỉnh vị trí cho đồng bộ với quy hoạch xây dựng và sử dụng đất. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, làm việc với Sở Tài chính để bố trí kinh phí hoặc huy động nguồn vốn xã hội hóa làm trạm trung chuyển rác. Công trình đầu tư mới phải đáp ứng yêu cầu kỹ thật xây dựng (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021 của Bộ Xây dựng) và yêu cầu môi trường (theo Thông tư số 02 của Bộ TN-MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).

 Riêng TP.Biên Hòa chưa có trạm trung chuyển chất thải, thành phố đã bổ sung vị trí khoảng 10ha tại P.Phước Tân vào quy hoạch cần nhanh chóng triển khai để chấm dứt các điểm tập kết rác tạm quá tải, không đảm bảo môi trường.

Tại hội nghị sơ kết thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về phân loại CTSH tại nguồn mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện phân loại CTSH tại nguồn. Muốn chương trình đạt hiệu quả, người dân tin tưởng phải hoàn chỉnh hạ tầng từ điểm tập kết, xe chở rác, trạm trung chuyển đến công nghệ xử lý. Quy trình và tần suất thu gom rác phải thống nhất. Chỉ cần một khâu, một yếu tố không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến kết quả chương trình.

Trạm trung chuyển tại xã Bình An, H.Long Thành nhưng rác thải chất đầy bên ngoài
Trạm trung chuyển tại xã Bình An, H.Long Thành nhưng rác thải chất đầy bên ngoài

Bên cạnh trách nhiệm chuẩn hóa phương tiện, công nghệ của đơn vị dịch vụ môi trường, các địa phương căn cứ khối lượng rác phát sinh, xây dựng kế hoạch cải tạo trạm cũ, đầu tư trạm mới đáp ứng lưu trữ, vận chuyển chất thải. Điều này không chỉ giúp địa phương cải thiện cảnh quan môi trường, chất lượng cuộc sống người dân mà còn từng bước hoàn thiện tiêu chí hạ tầng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ban Mai

Tin xem nhiều