Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

06:11, 19/11/2022

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp. Những tháng cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra cao và lây lan trên diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp. Những tháng cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra cao và lây lan trên diện rộng.

Tổ chức tiêm phòng dịch cúm cho đàn gia cầm trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên
Tổ chức tiêm phòng dịch cúm cho đàn gia cầm trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên

Là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai có tổng đàn chăn nuôi heo, gia cầm lớn nhưng vẫn kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Đồng Nai không lơ là mà tiếp tục tập trung thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi.

* Không để phát sinh ổ dịch lớn

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn cả nước, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Cụ thể, cả nước có 40 ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 21 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 93 ngàn con gia cầm. Tại 51 tỉnh, thành phố xuất hiện hơn 1.150 ổ dịch tả heo châu Phi, buộc tiêu hủy trên 53 ngàn con heo. Với chăn nuôi đại gia súc, cả nước xuất hiện 240 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 16 tỉnh, với 2.255 con trâu, bò mắc bệnh, 442 con bị chết và tiêu hủy. Dịch bệnh lở mồm long móng cũng xuất hiện 16 ổ dịch tại 7 tỉnh với 518 con gia súc mắc bệnh.

Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030; ban hành Kế hoạch năm 2022 của Sở về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

Nguy hiểm hơn, cả nước có 135 ổ dịch bệnh dại động vật, buộc tiêu hủy 174 con chó, mèo tại 16 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, bệnh dại đã làm 52 người tử vong tại 21 tỉnh, thành phố. Tại tỉnh Phú Thọ đã có 1 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm chủng
A/H5.

So với cả nước, Đồng Nai tuy có tổng đàn chăn nuôi lớn nhưng kiểm soát tốt, hạn chế không để dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng ở đàn vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, đã tiêu hủy 4,4 ngàn con vịt ở 2 huyện Trảng Bom và Cẩm Mỹ. Toàn tỉnh chỉ xảy ra 5 hộ bị dịch tả heo châu Phi trên địa bàn H.Nhơn Trạch và H.Long Thành, tiêu hủy 64 con heo. Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 2 hộ trên địa bàn H.Định Quán với 2 con bò bị bệnh. Dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 3 hộ trên địa bàn H.Nhơn Trạch với 11 con bò bị bệnh. Nhìn chung, quy mô và phạm vi dịch bệnh trên vật nuôi có giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Các ổ dịch tả heo châu Phi cũng như dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau khi phát sinh ổ dịch, các địa phương đã thực hiện ngay các biện pháp xử lý môi trường, không để dịch bệnh lây lan. Ngành chăn nuôi đang tập trung công tác tiêm phòng, kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các địa phương. Hiện một số địa phương đang triển khai tiêm phòng đại trà cho đàn gia cầm.

* Không lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh

Cũng theo dự báo của Cục Thú y, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay, nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên phạm vi rộng là rất cao. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người. Vì kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi… còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương. Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên cả nước là rất lớn. Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm gia cầm, để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, Sở NN-PTNT đã có tờ trình lên UBND tỉnh xem xét, ban hành văn bản tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm vào các tháng cuối năm 2022. Nội dung yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Khi xảy ra ổ dịch cúm gia cầm, các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức tiêm vaccine bao vây ổ dịch cúm gia cầm. Phối hợp ngành thú y lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, xác định nguyên nhân gây bệnh, kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh…

Bình Nguyên

Tin xem nhiều