Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp xoay xở hoạt động mùa cuối năm

07:10, 29/10/2022

Cuối năm là mùa tăng tốc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Khác với mọi năm, năm nay càng về cuối năm, nhiều yếu tố bất lợi như: lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng DN, từ lĩnh vực sản xuất đến tiêu dùng.

Cuối năm là mùa tăng tốc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Khác với mọi năm, năm nay càng về cuối năm, nhiều yếu tố bất lợi như: lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng DN, từ lĩnh vực sản xuất đến tiêu dùng.

Cuối năm là mùa sản xuất cao điểm nhưng hiện cộng đồng doanh nghiệp đang chịu nhiều tác động bất lợi. Ảnh: V.Gia
Cuối năm là mùa sản xuất cao điểm nhưng hiện cộng đồng doanh nghiệp đang chịu nhiều tác động bất lợi. Ảnh: V.Gia

Bên cạnh đó là các yếu tố khác như: chi phí lưu động cho sản xuất, chuẩn bị nguồn tiền để trang trải lương thưởng dịp cuối năm... cũng là các vấn đề mà DN phải căng sức tính toán.

* Nhiều tác động bất lợi

Trước hết là lạm phát tại nhiều quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu sụt giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trong nước làm hàng xuất khẩu.

Công ty TNHH Thương mại quốc tế Eco (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất, cung ứng sợi cho các DN chuyên làm sản phẩm chăn, drap, gối nệm, gỗ nội thất xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng, DN cung cấp cho các đối tác hơn 1 ngàn tấn sợi bông gòn. Những tác động bất lợi từ thị trường thế giới lên lĩnh vực đồ gỗ của Việt Nam gần đây khiến DN này, dù là đơn vị cung ứng nguyên liệu cũng bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc công ty cho hay, nhiều DN đối tác trong lĩnh vực sản xuất sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, từ đó kéo theo sức tiêu thụ đối với nguyên liệu cũng giảm. So với năm ngoái, thời điểm này sức tiêu thụ chỉ khoảng 60-70%. Mới đây, một đối tác trước khó khăn của mình đã trả lại khối lượng nguyên liệu bông gòn lớn nên công ty đang tích cực chào bán lượng hàng tồn này.

Không chỉ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu mà lĩnh vực thương mại trong nước, tình hình cũng không có nhiều tín hiệu lạc quan. Hệ thống điện máy Gia Vĩnh có chuỗi gần 20 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng điện máy, xe máy, phụ tùng ô tô... ở Đồng Nai và một số tỉnh khác, sức mua đang trong cảnh đìu hiu.

Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Điện máy nội thất Gia Vĩnh Bùi Đức Vĩnh nhận định, thời điểm này có thể còn khó khăn hơn cả năm ngoái khi đang còn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19. DN kỳ vọng giáp Tết, khi có nguồn thu nhập tốt hơn, doanh số kinh doanh sẽ nhích dần lên.

Bên cạnh sức tiêu thụ của thị trường thì vấn đề dòng vốn lưu động cũng đang là nỗi âu lo của không ít DN. Đại diện một DN chuyên về lĩnh vực xây dựng các công trình lớn, nhà xưởng công nghiệp cho hay, thời gian này ông phải vất vả thu hồi các công nợ cũ. Lĩnh vực xây dựng chi phí ban đầu lớn nhưng trong bối cảnh cạnh tranh và nhu cầu sụt giảm thì phải có những ưu đãi nhất định với khách hàng, nhưng công nợ dồn về cuối năm khiến dòng tiền của DN rất khó khăn. Cuối năm cũng là khoảng thời gian không chỉ ông mà các DN khác cũng đang phải tìm nguồn thu để đảm bảo chi trả mức lương và thưởng Tết cho người lao động nên sẽ phải tính toán thật chi li.

* Lo ảnh hưởng dài hạn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, khó khăn của DN trong nước không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh căng thẳng, xung đột ở một số nơi trên thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ, xăng dầu thế giới diễn biến khó lường. Những tác động từ bên ngoài như: đồng tiền của nhiều nước giảm giá mạnh, lạm phát tăng cao, mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, giá nguyên vật liệu tăng cao… có thể khiến DN gặp khó khăn nếu không chủ động có những giải pháp ứng phó.

Cục Thống kê Đồng Nai đánh giá, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 10 vẫn đang gặp khó khăn như các tháng gần đây, chưa có dấu hiệu cải thiện. Nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng, sức mua toàn cầu giảm. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của các nước cũng giảm mạnh nên hợp đồng xuất khẩu các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu giảm đáng kể. Đa phần mức tăng trưởng về xuất khẩu hiện vẫn do sự cộng hưởng từ các đơn hàng cũ, đã ký kết từ đầu và giữa năm. Các DN có quy mô lớn thuộc các ngành giày da, may mặc, dệt, sản xuất sản phẩm gỗ… đã điều chỉnh quy mô sản xuất, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật do chưa có nhiều đơn hàng mới.

Đối với cộng đồng DN, do “sống chung với lũ” đã vài năm nay nên trước những tác động bất lợi dồn dập, họ đã phần nào có sức chống chọi nhất định nhưng cũng rất khó khăn. Ông Đinh Đức Điền, Giám đốc Công ty TNHH Cửa Gia An (H.Nhơn Trạch) cho biết, nguồn vật liệu chính của công ty là nhôm chất lượng cao nhập khẩu từ Đức. Trong bối cảnh cả châu Âu đang vật lộn với lạm phát tăng chóng mặt, giá nguyên liệu nhập về không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm, điều ông lo lắng là các tác động bất lợi này có nguy cơ còn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và chi phí của DN. Dù đã có các giải pháp để tiết giảm các khâu trung gian, tối ưu hóa chi phí sản xuất và ứng dụng công nghệ nhưng sức chịu đựng của các DN nói chung cũng có giới hạn.

 Văn Gia

Tin xem nhiều