Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Việt từ Nepal "đang lo lắng lắm!"

08:05, 08/05/2021

"Tôi và mọi người bên này đang lo lắng lắm, lo lắng hơn bao giờ hết. Nhiễm Covid-19 gia tăng ở Nepal do làn sóng lây nhiễm các chủng virus đột biến mới từ Ấn Độ tràn qua biên giới sang Nepal" - chị Võ Thị Kim Cương từ thủ đô Kathmandu (Nepal) bày tỏ với Đồng Nai cuối tuần ngày 6-5.

“Tôi và mọi người bên này đang lo lắng lắm, lo lắng hơn bao giờ hết. Nhiễm Covid-19 gia tăng ở Nepal do làn sóng lây nhiễm các chủng virus đột biến mới từ Ấn Độ tràn qua biên giới sang Nepal” - chị Võ Thị Kim Cương từ thủ đô Kathmandu (Nepal) bày tỏ với Đồng Nai cuối tuần ngày 6-5.

Các thành viên trong gia đình thương tiếc một nạn nhân qua đời vì Covid-19 tại thủ đô Kathmandu (Nepal) tuần đầu tháng 5- 2021. Ảnh: Navesh Chitrakar/Reuters
Các thành viên trong gia đình thương tiếc một nạn nhân qua đời vì Covid-19 tại thủ đô Kathmandu (Nepal) tuần đầu tháng 5- 2021. Ảnh: Navesh Chitrakar/Reuters

Liên lạc trở lại sau lần đầu hồi tháng 10-2020, chị Kim Cương cho biết tình hình hiện nay ở Nepal còn căng thẳng hơn nhiều so với thời dịch bệnh “diễn biến phức tạp” năm 2020. “Tất cả các chuyến bay quốc tế đi và đến Nepal hiện đều bị cấm vô thời hạn. Tôi đã đặt mua vé bay về Việt Nam dự định vào ngày 19-5 tới nhưng cũng bị hủy vé luôn rồi” - chị Kim Cương buồn bã nói.

Nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Vương quốc Nepal có đường biên giới với nước láng giềng phía Nam Ấn Độ dài 1.751km. Biên giới từng đóng cửa một thời gian hồi năm ngoái khi đợt dịch bệnh đầu tiên xảy ra, nhưng sau đó nó đã được mở lại. Và khi Ấn Độ bùng phát dịch trở lại, Nepal ngay lập tức bị ảnh hưởng mạnh và lãnh hậu quả nặng nề. Quá nhiều người lao động Nepal sang Ấn Độ lao động quay trở lại quê nhà do bên Ấn bùng dịch và họ trở thành nguồn siêu lây nhiễm cộng đồng.

“Kathmandu hiện tại là một thành phố buồn bã, bởi người dân chỉ được phép ra đường từ 6 giờ đến 10 giờ sáng để tranh thủ mua nhu yếu phẩm. Xong là phải trú ngụ trong nhà luôn” - chị KIM CƯƠNG nói từ Nepal.

Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh và dịch bệnh của Nepal chính thức tiết lộ đất nước có dãy núi Himalaya này đã phát hiện ra biến thể virus ở Anh lẫn biến thể đột biến kép được phát hiện ở Ấn Độ, và tình hình đang trở nên “vô phương kiểm soát”. Số ca tử vong vì Covid-19 tăng chóng mặt trong khi nền y tế mong manh của nước này không đủ sức chống lại dịch bệnh tràn lan như hiện nay.

* Cựu vương cũng dính virus

 “Ngay cả cựu quốc vương Nepal Gyanendra Shah (làm vua giai đoạn 2001-2008) và bà Komal Shah, cựu hoàng hậu cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh Covid-19 và đang phải điều trị ở Kathmandu. Họ dính Covid-19 sau khi trở về từ Ấn Độ, nơi họ tham dự một lễ hội tôn giáo. Cuối tháng 4 vừa qua, ông Bahadur Rayamajhi - Bộ trưởng Năng lượng, tài nguyên nước và thủy lợi, cũng nhiễm Covid-19 và phải nhập viện điều trị cách ly” - chị Kim Cương cho biết.

Tại thủ đô Kathmandu, số nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 tăng nhanh khiến các trung tâm hỏa táng và lò thiêu quá tải. Dẫn đến việc buộc phải thực hiện nhiều ca hỏa táng thi thể nạn nhân lộ thiên trong sự đau buồn của người thân. Nhiều lễ hỏa táng ngoài trời đã diễn ra bên bờ sông Bagmati gần đền Pashupatinath (đền thờ đạo Hindu lớn nhất ở Kathmandu). Những nhân viên hỏa táng cho biết họ kiệt sức vì phải hỏa táng quá nhiều thi thể gia tăng đột biến gần đây.

“Nepal ban bố tình trạng lockdown khẩn cấp từ ngày 29-4 đến nay. Một lần nữa, nhà hàng, khách sạn, quán bar, rạp chiếu phim, phòng gym phải đóng cửa hết. Việc tụ tập đông người bị cấm tuyệt đối. Việc cách ly lại giáng tiếp đòn vào nền kinh tế Nepal vốn đã chịu cảnh lần đầu tiên suy thoái sau 4 thập niên qua do phải đóng cửa kéo dài nhiều tháng để ngăn chặn đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái” - chị Kim Cương nói.

Chị Kim Cương tiết lộ lệnh cách ly, phong tỏa kỳ này “có điểm mới là Chính phủ cho người dân thời gian 5 ngày để dự trữ thức ăn, thu xếp công việc. Tôi cũng kịp trữ gạo và ít rau, thịt cho cô con gái nhỏ Amira trong nhà”.

“Hàng trăm ngàn người lao động thu nhập thấp đã “tháo chạy” khỏi thủ đô Kathmandu để ra ngoại thành, trở về các vùng quê “trốn” dịch bệnh rồi. Mấy hôm trước nhiều nẻo đường về tỉnh diễn ra tình trạng kẹt xe kinh khủng” - người phụ nữ Việt ở Nepal tường thuật. Nếu sau nửa tháng tính từ 29-4, tình hình dịch bệnh suy giảm thì chính phủ có thể gỡ biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên những ngày đầu tháng 5 này, số ca nhiễm và tử vong đều tăng vọt. Virus thậm chí “không chừa đối tượng nào” khi lây nhiễm từ người già sang đến thanh niên lẫn trẻ em.

* Đỉnh dịch mới

Nếu ngày 21-10-2020, Nepal có gần 5.743 ca nhiễm mới - được xem là “đỉnh dịch” của nước này trong năm ngoái, sau đó giảm dần thì đến cuối tháng 4-2021 số ca nhiễm mới tăng không phanh. Ngày 4-5 Nepal có kỷ lục buồn về số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất trong một ngày từ trước đến nay: 7.587 ca nhiễm (thủ đô Kathmandu chiếm xấp xỉ phân nửa số ca nhiễm mới). Số ca nhiễm trên toàn quốc nay đã vượt qua 350 ngàn ca (khoảng 3,5 ngàn người thiệt mạng), theo số liệu chính thức được công bố. Nhưng ước đoán số người nhiễm Covid-19 ở Nepal sẽ vượt qua nửa triệu người trong thời gian tới.

Tất cả người Nepal khi ra đường thời điểm này đều đeo khẩu trang. Ảnh: KIM CƯƠNG
Tất cả người Nepal khi ra đường thời điểm này đều đeo khẩu trang. Ảnh: KIM CƯƠNG

Đợt phong tỏa mới lập tức ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của nhiều người Kathmandu. Chị Kim Cương phải đóng cửa cả ba tiệm ăn uống của mình và “giữ lại khoảng 20 nhân viên giúp cho họ chỗ tá túc ăn ở, đợi đến hết phong tỏa rồi tính tiếp”.

Về việc tiêm chủng, chị Kim Cương cho hay: “Kể từ tháng 1-2021, Nepal đã khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 với tất cả vaccine đều do Ấn Độ và Trung Quốc sản xuất (chủ yếu là AstraZeneca và Sinopharm). Nước này đã kịp tiêm chủng mũi đầu tiên cho hơn 2 triệu người, tuy nhiên chương trình tiêm chủng buộc phải đình lại vào tháng trước khi nước này không được cung cấp thêm các lô vaccine mới từ Ấn Độ và Trung Quốc”.

Trong khi đó, Nepal cần ít nhất 1,6 triệu liều vaccine AstraZeneca khẩn cấp để tiêm mũi thứ hai trong thời gian quy định. Trên truyền hình, Thủ tướng K.P.Sharma Oli kêu gọi “các nước láng giềng, các quốc gia thân thiện và các tổ chức quốc tế giúp đỡ cung cấp vaccine và thuốc men chăm sóc cho người bệnh nguy kịch”. Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, giới chức Nepal còn liên lạc với Nga để có thêm nguồn cung vaccine. Điều này có thể ngăn chặn sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn của đất nước nhỏ bé và tiếp thêm sức cho quốc gia này chống lại đại dịch...

Dashrath Saru Magar: “Mong Covid-19 mau kết thúc”

Trao đổi với Đồng Nai cuối tuần, anh Dashrath Saru Magar (ảnh - sinh viên ngành khách sạn và du lịch Trường ĐH Kathmandu, Nepal) cho biết: “Tôi rất mong dịch bệnh Covid-19 mau chóng kết thúc để còn đi học lại ở trường cũng như tiếp tục đi làm thêm kiếm tiền gửi về quê phụ ba mẹ”.

“Ở dưới quê ngoài ba mẹ tôi còn 4 đứa em cũng đang còn đi học. Trước khi Covid-19 ập đến, tôi đi học từ 6 giờ đến 10 giờ sáng mỗi ngày. Sau đó tôi sẽ đến tiệm ăn để làm công việc thu ngân đến 21 giờ. Dịch bệnh quán xá đóng cửa, tôi không làm thêm được như trước. Cũng may là ông bà chủ quán tốt bụng ứng trước lương 10 ngàn rupee (tương đương khoảng 2 triệu đồng tiền Việt) cho tôi gửi về cho ba mẹ dưới quê” - Dashrath kể.

Chàng sinh viên ở Kathmandu nói thêm: “Tôi cũng mong ba mẹ dưới quê được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vì hai người cao tuổi rồi. Lỡ có mệnh hệ gì (nhiễm virus) thì ắt khó qua khỏi và đau đớn lắm”.

L.K

Long Khánh

Tin xem nhiều