Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi trâu đàn ở Nhơn Trạch

04:02, 06/02/2021

Hiện tại trên địa bàn H.Nhơn Trạch còn khoảng chục đàn trâu (mỗi đàn từ 50-100 con). Nghề nuôi trâu đàn ở đây không còn phát triển như 7-8 năm về trước vì đồng ruộng bị thu hẹp và các bãi đất trống ven các khu, cụm công nghiệp không còn nhiều. Nghề nuôi trâu đàn cũng vất vả hơn trong việc tìm nơi chăn thả, cũng như tìm cỏ cho trâu ăn.

Hiện tại trên địa bàn H.Nhơn Trạch còn khoảng chục đàn trâu (mỗi đàn từ 50-100 con). Nghề nuôi trâu đàn ở đây không còn phát triển như 7-8 năm về trước vì đồng ruộng bị thu hẹp và các bãi đất trống ven các khu, cụm công nghiệp không còn nhiều. Nghề nuôi trâu đàn cũng vất vả hơn trong việc tìm nơi chăn thả, cũng như tìm cỏ cho trâu ăn.

Bà Hai Thảo (ngụ xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) từ đôi bàn tay trắng gầy dựng được đàn trâu 70 con. Ảnh: Đoàn Phú
Bà Hai Thảo (ngụ xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) từ đôi bàn tay trắng gầy dựng được đàn trâu 70 con. Ảnh: Đoàn Phú

Để đỡ tốn công chăm đàn trâu nhà, một số người chăn trâu ở Nhơn Trạch còn cho người khác “ghé” (gửi) trâu với tiền công 200 ngàn đồng/con/tháng hoặc nuôi “rẻ” (ăn chia). Đàn trâu càng đông, người chăn vừa đỡ công chăn thả, lại có thêm tiền từ công chăn trâu và bán phân trâu.

* Chăn trâu thời... công nghệ

Tiết trời vào xuân se lạnh, 9 giờ sáng, ông Bảy Kèo (người có đàn trâu gần 100 con ở ấp Vũng Gấm, xã Phước An) mới mở cổng cho đàn trâu gần 90 con đi ăn cỏ. Thói quen này được ông Bảy Kèo “thống nhất” với đàn trâu mấy chục năm nay. Dù trước đó, vài con trâu trong đàn kêu rống đòi ăn nhưng ông Bảy Kèo cũng “mặc kệ”.

Trước khi thả đàn trâu đi ăn, bao giờ ông Bảy Kèo cũng phải sạc chiếc điện thoại thông minh đầy pin để tranh thủ lúc trâu ăn cỏ, ông ngồi gốc cây nghe nhạc, đọc tin tức trên web, lên mạng xã hội “chat” với bạn bè hoặc cập nhật thông tin về sức khỏe, tình trạng trâu “ghé” gửi cho chủ của nó biết. Tiện nhất là khi cần bán con trâu nào, ông Bảy Kèo chỉ cần chụp hình con trâu muốn bán đưa lên mạng, ngay lập tức 4-5 “cò” trâu điện thoại trả giá và thỏa thuận mua bán, không như lúc trước phải mất vài ba ngày mới có người lân la tìm tới mua trâu khi cần bán. 

“Nhờ chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng 3G nên người chăn trâu đàn như tụi tui nắm được tình hình thời tiết, giá thịt trâu, cách phòng bệnh, bán hoặc mua thêm trâu đều rất thuận tiện. Nhất là nắm bắt được thông tin thời sự từ kinh tế, chính trị đến cả tình hình an ninh trật tự trong tỉnh khi đang chăn trâu” - ông Bảy Kèo vui vẻ cho biết.

Nghề chăn trâu thường đưa đàn trâu đi nhiều nơi trong vùng. Nhờ huấn luyện đàn trâu 70 con “chấp hành” kỷ luật nghiêm, cộng thêm 2 con chó phụ coi trâu giúp, ông Tư Tiến (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) có thêm nghề “cò” đất. Trong lúc dắt trâu ra bãi thả, ông thường lân la hỏi chuyện nhiều người quen nên biết họ đang cần mua bán đất. Hễ thấy ai có nhu cầu bán đất là ông đăng thông tin lên Facebook giới thiệu hoặc làm mối dẫn dắt. Nhờ vậy thỉnh thoảng ông trúng được tiền cò đất khoảng vài chục triệu đồng, bằng bán 1 con trâu nặng trên 400kg mà ông nhọc công chăm sóc suốt nhiều tháng liền.

Đặc điểm của trâu hiền lành, “tuân thủ” kỷ luật nên người chăn trâu đàn bớt phải chạy tới chạy lui. Tuy vậy, bà Hai Thảo (ngụ ấp 5, xã Long Thọ) vẫn cho rằng, nghề chăn trâu là “nghề năn nỉ”. Bà Hai Thảo giải thích, vì trâu thèm cỏ tươi ngon nằm lẫn trong đám mì hoặc trong khuôn viên công ty. Do đó, chỉ cần người chăn trâu tập trung chơi điện thoại, lơ là không để ý là một vài con sẽ “lẻn” vào trong vườn của dân hoặc vào trong khuôn viên công ty ăn cỏ. Khi bị phát hiện, người chăn trâu phải năn nỉ xin chủ vườn hoặc bảo vệ công ty bỏ qua, chứ cự cãi lại sẽ bị người ta bắt đền.

* Vui buồn với trâu

Khi các khu, cụm công nghiệp, dân cư được lấp đầy thì bãi thả trâu của người nuôi trâu đàn bị thu hẹp. Đó là nguyên nhân nghề nuôi trâu đàn ở H.Nhơn Trạch không còn “thịnh” như chục năm về trước nên tổng đàn giảm mạnh. Tuy vậy, ông Hai Bình (ngụ ấp 5, xã Long Thọ) vẫn không lấy làm buồn vì đó là quy luật tất yếu. Điều ông buồn nhất là xuất hiện tình trạng trộm trâu.

Đàn trâu trên 60 con của ông Ba Nhu (ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch) vẫn béo tốt vì được chăm sóc, theo dõi kỹ lưỡng. Ảnh: Đoàn Phú
Đàn trâu trên 60 con của ông Ba Nhu (ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch) vẫn béo tốt vì được chăm sóc, theo dõi kỹ lưỡng. Ảnh: Đoàn Phú

“4 năm trước tui bị trộm 2 con trâu, trong đó có 1 con được người ta “ghé” vào. Tiền công tui giữ chỉ 200 ngàn đồng/con/tháng nhưng phải đền 20 triệu đồng/con. May được người “ghé” trâu thông cảm chỉ bắt tui đền 2/3 giá trị con trâu” - ông Hai Bình kể lại.

Trong khi đó, ông Ba Nhu (ngụ ấp Vũng Gấm, xã Phước An) có đàn trâu 50 con thì bày tỏ: “Xưa trâu thả ở ruộng, càng quậy càng tơi đất nên chủ ruộng thường xuề xòa bỏ qua; còn nay chủ ruộng cấm, thậm chí rượt đuổi vì sợ trâu giẫm hư bờ. Riêng lực lượng bảo vệ công ty thì thẳng tay xua đuổi vì sợ trâu húc đổ tường rào”.

Đó cũng là cái khó của nghề chăn trâu đàn khi nhiều đồng cỏ trước đây đã “mọc lên” các nhà máy, xí nghiệp hoặc các khu trồng trọt theo mô hình nhà lưới. Tuy vậy, người chăn trâu đàn ở Nhơn Trạch cũng nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi lớn này, họ chịu khó dẫn trâu đi thả ở các bãi đất trống xa hơn. Ngoài giờ chăn thả trâu, họ còn đi cắt cỏ về “bồi bổ” thêm cho đàn trâu. Nhờ đó, có hộ gia đình chỉ từ vài con trâu ban đầu đã gầy dựng thành đàn trâu vài chục con.

Tết này ông Hai Phong (ngụ ấp 3, xã Phú Thạnh) rất vui vì nhờ nuôi trâu đàn mà gia đình ông đã có đời sống sung túc hơn. Sau khi kinh doanh thất bại, ông đã gầy dựng lại cơ nghiệp từ 6 con trâu, đến nay, đàn trâu của ông có tổng cộng 50 con. Do vượt qua những tháng ngày gian nan nên ông có tâm nguyện làm việc thiện, giúp trên 15 con trâu giống cho các hộ nghèo trong xã để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

“Xưa con trâu là đầu cơ nghiệp, nay con trâu là tài sản của người nghèo. Do đó, giúp được trâu cho người khác và nhờ con trâu đó mà họ thoát nghèo thì tui vui hơn là bán vài con trâu thu về cả trăm triệu đồng” - ông Hai Phong bày tỏ.

“Thời xưa, con trâu chỉ dùng làm sức kéo nên người nuôi chăm sóc kỹ lắm. Ngày nó ăn chưa no thì đêm về lo cắt cỏ tươi để bỏ vào chuồng cho nó ăn. Trâu đói, bệnh, người chăn trâu đều bị chủ la mắng thậm tệ. Người chăn trâu như tui được người ta gọi là kẻ ở chứ không được xem như người nhà giống bây giờ. Vì có tin tưởng họ mới giao toàn bộ tài sản của họ cho mình” - anh Út Chí (người chăn trâu thuê cho ông Hai Phong, ngụ xã Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch) tâm sự.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều