Báo Đồng Nai điện tử
En

Nét đẹp Tết cổ truyền

03:02, 06/02/2021

Đối với nền văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước như Việt Nam, các ngày lễ, Tết được phân bố đều theo thời gian trong năm, đan xen vào các khoảng thời gian trống trong lịch thời vụ. Chẳng phải vì thế mà chữ "Tết" là biến âm từ chữ "Tiết" (trong "thời tiết") mà ra.

Đối với nền văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước như Việt Nam, các ngày lễ, Tết được phân bố đều theo thời gian trong năm, đan xen vào các khoảng thời gian trống trong lịch thời vụ. Chẳng phải vì thế mà chữ “Tết” là biến âm từ chữ “Tiết” (trong “thời tiết”) mà ra.

Người dân sắm Tết tại chợ Biên Hòa. Ảnh: Lâm Viên
Người dân sắm Tết tại chợ Biên Hòa. Ảnh: Lâm Viên

Trải qua bề dài lịch sử hàng ngàn năm, phong tục về lễ tết của dân tộc ta vẫn luôn được gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp, để rồi ăn sâu vào đời sống người dân, được đại đa số người dân thừa nhận và làm theo. 

* Trọn vẹn bản sắc Tết cổ truyền

GS-TS Trần Ngọc Thêm trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, một công trình nghiên cứu công phu, tổng quát về văn hóa Việt Nam, có nêu nhận định: “Trong năm, quan trọng nhất là Tết đầu năm, xưa người Việt Nam gọi là Tết Cả (cả = lớn) để phân biệt với các tết nhỏ còn lại; thời giao lưu với Trung Hoa, nó được gọi theo âm Hán - Việt là Tết Nguyên đán (nguyên = bắt đầu, đán = buổi sáng; nguyên đán = buổi sáng đầu năm), đến thời giao lưu với phương Tây, nó được gọi là Tết Ta để phân biệt với Tết Tây (đầu năm theo lịch dương)”.

Tuy vậy, GS-TS Trần Ngọc Thêm cũng chỉ ra những đặc trưng văn hóa truyền thống trong Tết cổ truyền của người Việt Nam. Theo đó, điển hình nhất của Tết cổ truyền thể hiện rõ ở nếp sống cộng đồng. Ngay từ 23 tháng Chạp (Ngày ông Công ông Táo về chầu Trời), người dân nô nức rủ nhau đi chợ Tết, có người đi chợ để sắm Tết, có người đi chợ Tết nhằm mục đích để chơi chợ Tết. Cảnh đi chợ Tết vui như đi hội. Đoàn Văn Cừ đã kịp vẽ lại bức tranh chợ Tết ở làng quê Việt vào đầu thế kỷ XX đầy màu sắc, sinh động và trữ tình: “Trên con đường trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc...”.

Chợ Tết được xem là một trong những thước đo sự ấm no của cả cộng đồng trong năm. Sau khi cùng nhau đi sắm Tết, đi chơi chợ Tết, một số làng quê, gia đình cùng nhau mổ heo, bắt gà, người trong làng lại cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét và quây quần cùng nhau bên bếp lửa bập bùng canh nồi bánh những ngày cuối năm.

Nếp sống cộng đồng của người Việt còn thể hiện ở chỗ Tết cổ truyền là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Bởi tết là dịp đại đoàn viên của gia đình, dòng họ. Con cháu dù có đi làm ăn phương xa, ngày Tết cũng cố gắng về đón tết với gia đình, hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng được thành kính dâng hương mời về, các vị thần phù hộ cho gia đình được chăm lo cúng bái...

Ngoài ra, tục mừng tuổi cũng là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. Theo đó, khi Tết đến xuân về, tất cả mọi người đều thêm một tuổi mới, nên đi kèm với việc lì xì, mọi người còn chúc nhau những lời thăm hỏi chân tình, đi kèm với những chúc tốt đẹp để mừng tuổi mới.

* Trao truyền và gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của ngày tết

Du xuân. Ảnh: Vĩnh Huy
Du xuân. Ảnh: Vĩnh Huy

Tết trong dòng chảy của thời gian vẫn có sự tiếp biến để thích nghi với cộng đồng. Chẳng hạn, ngày xưa, ông bà ta làm nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc nông vụ thì bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đến khi Tết đến thì có tâm lý ăn uống, vui chơi bù những ngày làm lụng đầu tắt mặt tối. Tết là phải ăn, nên nhiều người vẫn nói là “ăn tết”. Tục ngữ xưa còn có câu Tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc hoặc Tháng giêng là tháng ăn chơi là vậy.

Nhưng ngày nay, khi đời sống ngày càng khấm khá hơn, đa phần người dân không còn phải lo cái ăn cái mặt từng bữa, nhiều gia đình đón tết theo xu hướng đơn giản hơn ở phần nghi lễ chuẩn bị mâm cỗ, giảm bớt phần mâm cao cỗ đầy, mâm trên mâm dưới cả 3 ngày Tết 7 ngày xuân. Việc “ăn Tết” được chọn lọc khoa học hơn theo hướng tốt cho sức khỏe, văn minh như: chị em nội trợ còn chia sẻ bí quyết ăn uống giữ gìn vóc dáng, trẻ em cũng được cha mẹ hạn chế nước có gas, thịt mỡ... đề phòng tình trạng thừa cân, béo phì, còn với đàn ông thì hạn chế các cuộc vui rượu bia quá chén kéo dài, ảnh hưởng đến không khí vui vẻ đầu năm mới...

* Người ta dành nhiều thời gian “thưởng Tết”, “vui Tết”, “chơi Tết” thay vì chỉ “ăn Tết” như trước đây

Bên cạnh đó, cuộc sống ngày càng phát triển, để phù hợp với  nhịp sống đô thị bận rộn và nhiều áp lực, hình thức đón Tết ngày nay đa dạng và phong phú hơn. Chẳng hạn, đi chợ Tết có thêm nhiều hình thức, ngoài chợ truyền thống thì người dân có thể sắm Tết ở siêu thị, trung tâm mua sắm hoặc có thêm chợ Tết trực tuyến cũng vô cùng sôi động. Phong tục chúc Tết có nhiều hình thức hơn bằng công nghệ, thông qua điện thoại video. Việc lì xì mừng tuổi cũng linh động hơn...

Dù vậy, về cốt lõi, người Việt vẫn giữ được tinh thần của Tết, đó chính là sự sum họp, quan tâm lẫn nhau từ trong gia đình đến các mối quan hệ ngoài xã hội. Ấy tất nhiên là biểu hiện của sự gắn kết cộng đồng của người Việt Nam được vun đắp bao đời... Cụ thể, những phong tục cơ bản ngày Tết vẫn luôn được duy trì ở nhiều gia đình như: đưa ông Công ông Táo về chầu Trời ngày 23 tháng Chạp, đi chợ Tết, trang trí bàn thờ gia tiên, họp mặt chung vui cùng gia đình trong bữa cơm ngày 30 Tết, lì xì chúc Tết mừng tuổi đầu năm mới...

Chính vì giữ gìn được trọn vẹn những nét văn hóa đặc trưng, nên ngày Tết cổ truyền luôn gợi cho mỗi người niềm mong mỏi, sự thôi thúc đoàn viên gia đình. Tết Nguyên đán năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo phòng, chống dịch, nhiều người đi làm ăn phương xa đã quyết định hủy, hoãn lại chuyến đi về quê đã được đặt trước đó nhiều ngày. “Hủy chuyến đi về đón Tết sum vầy bên gia đình sau một năm xa quê bôn ba mưu sinh, tất nhiên tôi không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Điều đó khiến tôi càng yêu thêm gia đình, làng quê nhiều hơn nữa. Tôi đã gửi quà mừng tuổi cho các thành viên trong gia đình và ngay sáng mùng 1 Tết, tôi sẽ điện thoại video để chúc Tết từng người thân...” - anh Nguyễn Hoàng Khâm, (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Không chỉ ngày đầu năm, mà cả tháng đầu năm cũng có tầm quan trọng đặc biệt. Thêm vào đó, trong nền kinh tế hoàn toàn nông nghiệp trước đây của ông bà ta, tháng này vốn là tháng nông nhàn nên số lượng ngày Tết trong tháng Giêng nhiều hơn hẳn các tháng khác như: Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết Thầy; dịp rằm tháng Giêng có Tết Nguyên tiêu.

Lâm Viên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích