Báo Đồng Nai điện tử
En

Để sự "ưu tiên" với hàng Việt là bền vững

03:10, 19/10/2022

"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đến nay là cuộc vận động có quy mô lớn bậc nhất, dài hơi nhất, sâu rộng nhất với "bề dày" 13 năm và cho đến nay vẫn là cuộc vận động được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm đặc biệt.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay là cuộc vận động có quy mô lớn bậc nhất, dài hơi nhất, sâu rộng nhất với “bề dày” 13 năm và cho đến nay vẫn là cuộc vận động được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm đặc biệt. Tại mỗi tỉnh, thành phố từ lâu đã thành lập ban chỉ đạo riêng cho cuộc vận động này nhằm kết nối, tạo điều kiện, vận động người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) và mọi tầng lớp nhân dân tham gia một cách sâu sát nhất.

Không thể phủ nhận, so với thời gian đầu khi cuộc vận động mới được khởi xướng, nhận thức, nhận diện và cả sự ưu tiên hàng Việt trong tư duy người tiêu dùng, DN đã có sự thay đổi rất lớn. Trên kệ hàng của mọi thành phần tham gia vào hệ thống phân phối hiện nay - từ sạp chợ ở thôn quê đến các trung tâm thương mại hay các siêu thị hiện đại - vị trí của hàng Việt Nam đã khác rất nhiều.

Cùng với những nỗ lực lớn lao của nhiều tập đoàn, DN trong nước, chất lượng và mẫu mã của nhiều mặt hàng Việt Nam ngày nay đã tương đương, thậm chí đôi lúc “nhỉnh” hơn cả hàng hóa cùng loại của các DN nước ngoài. Người tiêu dùng cũng không còn quá băn khoăn khi chọn mua hàng Việt, bởi chất lượng cũng như các khâu bảo hành, hậu mãi đã tốt hơn xưa rất nhiều. Những thương hiệu “đầu đàn” như: Vinamilk, Masan, Việt Tiến… ngày càng lớn mạnh hơn, chiếm nhiều vị trí “đẹp” hơn trên các kệ hàng lẫn trong giỏ hàng của người tiêu dùng Việt.

Tuy nhiên, nhìn ở những góc độ khác, khá nhiều cơ sở, DN (đặc biệt là các DN quy mô nhỏ và vừa) vẫn đang “hụt hơi” trong quá trình cạnh tranh và phát triển. Những điểm yếu cố hữu về vốn liếng, công nghệ, hệ thống phân phối, kỹ năng bán hàng, bảo hành, hậu mãi… vẫn chưa thực sự được cải thiện ở nhiều DN.

Trong khi đó, những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết trong suốt 15 năm qua đã và đang đặt thị trường 100 triệu dân vào sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Đến lúc này, gần như hàng hóa của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ đều đã hiện diện ở thị trường trong nước. Các hàng rào về thuế, phí được gỡ bỏ dần, hàng ngoại cũng dần được các nhà sản xuất điều chỉnh cho thích nghi dần với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và tiếp tục đặt thêm áp lực cạnh tranh lên vai của nhiều DN “thuần Việt”.

Ở bối cảnh này, chỉ có con đường duy nhất để tồn tại và phát triển, đó là cải thiện nội lực, cải tiến hàng hóa và dịch vụ về mọi mặt để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng một cách lâu dài. Với bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nhiều DN thừa nhận khó mà dựa vào sự “ưu tiên” được mãi, bởi người tiêu dùng cũng sẽ có lựa chọn của chính họ và họ sẽ “ưu tiên” những mặt hàng đẹp, tốt, hợp túi tiền, uy tín về bảo hành và hậu mãi. Cao hơn nữa, sẽ “ưu tiên” cho những DN, hàng hóa vì môi trường, có tính nhân văn, có trách nhiệm xã hội, có tư duy phát triển bền vững thay vì chỉ chăm chú bán hàng tìm lợi nhuận. Vậy cho nên, chỉ có cách cải thiện mình mới khiến hàng Việt luôn được ưu tiên lựa chọn, nhưng không phải ưu tiên vì là hàng Việt, mà ưu tiên vì chính chất lượng sản phẩm và vì những “giá trị mềm” khác.           

  V.L

Tin xem nhiều