Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập trong hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện

07:11, 08/11/2022

Theo Quy định 208-QĐ/TW ngày 8-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện thì đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, biên chế từ 4-6 người…

Theo Quy định 208-QĐ/TW ngày 8-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện thì đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, biên chế từ 4-6 người…

Trung tâm Chính trị H.Trảng Bom trao giấy chứng nhận cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị năm 2022. Ảnh: P.Hằng
Trung tâm Chính trị H.Trảng Bom trao giấy chứng nhận cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị năm 2022. Ảnh: P.Hằng

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này trên địa bàn Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ từ cấp trên.

* Đơn vị sự nghiệp nhưng không có thu

Quy định 208 nêu rõ, TTCT cấp huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện (không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị cấp tỉnh). Đồng thời tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử Đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.

Về tổ chức bộ máy, TTCT cấp huyện có từ 4-6 biên chế gồm: giám đốc (do trưởng ban tuyên giáo cấp ủy huyện kiêm nhiệm); một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách. Biên chế của trung tâm do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét quyết định.

Đối chiếu với Quy định 208, ở Đồng Nai hiện chỉ có TTCT TP.Biên Hòa và TTCT H.Long Thành có 4 biên chế; các trung tâm còn lại chỉ có 2-3 biên chế, thậm chí có trung tâm chưa có phó giám đốc, chỉ có 1 giảng viên kiêm giáo vụ và 1 kế toán.

Chia sẻ về những bất cập ở TTCT cấp huyện, Phó giám đốc TTCT H.Trảng Bom Hoàng Thị Xuân cho rằng, công tác giáo dục lý luận chính trị là một trong những mặt trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay - khi Đảng ta xác định giáo dục lý luận chính trị là một trong những giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đây cũng là giải pháp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị các cấp, trong đó có đội ngũ cán bộ TTCT cấp huyện đã hết sức cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, hiện hay hầu hết các TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm đầu tư xây dựng rất to, đẹp nhưng chỉ có 2-3 người làm việc tại các trung tâm…

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, TTCT cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong Quy định 208, TTCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp nên đội ngũ cán bộ của trung tâm là viên chức, vì thế cán bộ của TTCT cấp huyện không được hưởng 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp công tác Đảng, trong khi TTCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp nhưng không có nguồn thu nào khác ngoài ngân sách nhà nước cấp 100% cho các hoạt động của trung tâm. Do đó, so với các cơ quan, đơn vị khác của huyện, thu nhập của cán bộ TTCT thấp hơn rất nhiều.

Điều nghịch lý nữa là trước khi trở thành cán bộ TTCT cấp huyện, bà Xuân cũng như các cán bộ của trung tâm thi công chức đầu vào, rồi có quyết định tuyển dụng công chức, nhưng khi Huyện ủy phân công công tác ở TTCT thì lại trở thành viên chức (do TTCT cấp huyện được Trung ương quy định là đơn vị sự nghiệp).

“Với 20 năm công tác trong cơ quan nhà nước, tính cả 30% phụ cấp đứng lớp; 0,2% phụ cấp chức vụ và một số phụ cấp khác, tổng thu nhập của tôi hơn 7 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này, cuộc sống của cán bộ TTCT cấp huyện hết sức khó khăn, không có điều kiện để tái tạo sức lao động và lo cho con ăn, học” - bà Xuân bộc bạch.

* Việc giảng dạy thường bị động

Theo Hướng dẫn 05-HD/BTCTW ngày 19-5-2021 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện một số nội dung của Quy định 208-QĐ/TW, TTCT cấp huyện có giám đốc, phó giám đốc và một số giảng viên chính. Như vậy, so với Quyết định 1853 của Ban Tuyên giáo Trung ương trước đây, hiện TTCT cấp huyện không còn chức danh giáo vụ, kế toán nên giảng viên phải kiêm nhiệm công việc này.

Mặt khác, trước đây TTCT cấp huyện gọi là trung tâm bồi dưỡng chính trị nhưng cho đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc đổi tên dấu của trung tâm theo quy cách nào, vì vậy cùng một tỉnh nhưng vẫn tồn tại 2 mẫu dấu của TTCT cấp huyện.

Bà Trịnh Thị Ngọc Nga, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc TTCT H.Vĩnh Cửu cho biết, hiện ở TTCT H.Vĩnh Cửu có 2 biên chế: 1 giảng viên chuyên trách kiêm giáo vụ và 1 kế toán. Quy định 208 của Trung ương quy định giám đốc TTCT cấp huyện do trưởng ban tuyên giáo cấp huyện kiêm nhiệm, do vậy bắt buộc phải có phó giám đốc. Nhưng đến nay, TTCT H.Vĩnh Cửu chưa có phó giám đốc. Nguyên nhân là do Trung ương quy định phó giám đốc TTCT cấp huyện phải là chuyên viên chính, mà phó giám đốc TTCT cấp huyện tương đương phó trưởng ban Đảng, trong khi phó trưởng ban Đảng chỉ yêu cầu là chuyên viên. Do đó, huyện chưa tìm được nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện cho chức vụ phó giám đốc TTCT huyện.

Khó khăn nữa là do trung tâm chưa đủ biên chế giảng viên chuyên trách theo quy định nên phải mời giảng viên kiêm chức, vì thế việc giảng dạy ở trung tâm thường bị động do phải phụ thuộc vào lịch công tác của cơ quan, đơn vị nơi giảng viên kiêm chức đang làm việc.

Theo bà Nga, việc thiếu biên chế của TTCT cấp huyện không phải vì không tuyển được người mà tổng biên chế khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện chỉ được 35 người. Từ tổng biên chế này, Ban Thường vụ Huyện ủy phân bổ về từng cơ quan, đơn vị nên không thể cơ quan nào cũng được đáp ứng đủ biên chế theo mong muốn.

Trước việc thực hiện nhiệm vụ ở các TTCT cấp huyện rất nặng nề, hằng năm phải mở hàng chục lớp bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác được giao nhưng mỗi trung tâm chỉ 2-3 biên chế, tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá kỹ hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các TTCT cấp huyện trong bối cảnh biên chế ít như vậy.

Phương Hằng

 

Tin xem nhiều