Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện thể chế phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

10:08, 22/08/2022

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, cả nước đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ, 7.572 bị can về các hành vi tham nhũng, vi phạm về chức vụ, kinh tế (trong đó, về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ, 1.054 bị can).

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, cả nước đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ, 7.572 bị can về các hành vi tham nhũng, vi phạm về chức vụ, kinh tế (trong đó, về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ, 1.054 bị can). Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... đã được xử lý nghiêm, thể hiện đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” được dư luận và người dân đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, cũng qua thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, kỷ luật, kỷ cương và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được tăng cường và coi trọng nhiều hơn nữa. Bởi theo Vụ phó Vụ Địa phương 7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Quang Hải phát biểu tại hội nghị khoa học Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gắn với vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng theo hướng đồng bộ, nghiêm minh, có hiệu lực, hiệu quả, sớm hoàn thiện quy chế giám sát trong Đảng. Kết hợp giám sát trong Đảng với giám sát Nhà nước và giám sát nhân dân để có nhiều kênh phát hiện tham nhũng, tiêu cực.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 2, cũng tại hội thảo này, yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quyết định đến thành công chính là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức, hoạt động, sinh hoạt của tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như thể chế liên quan đến đảm bảo duy trì, giữ vững tính kỷ luật, kỷ cương trong Đảng là một yêu cầu quan trọng đầu tiên của việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Và muốn kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, phải đảm bảo được nguyên tắc “4 không” gồm: không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng. Chỉ khi thực hiện được nguyên tắc “4 không” này, cán bộ, đảng viên mới, nhất là người nắm các chức vụ quan trọng mới “miễn nhiễm” với tham nhũng, tiêu cực, tận tâm cống hiến cho Đảng.

Phát biểu bế mạc tại phiên họp thứ 22 Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả hơn nữa…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều